Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Bỏ quy định việc giữ lại 50% số tiền xử phạt
Sau khi có ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại cuộc họp ngày 21/4/2020 và thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Ban soạn thảo Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã rất cầu thị, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội có một bước tiếp thu sửa đổi dự thảo Luật, trong đó có nội dung bỏ quy định việc giữ lại 50% số tiền xử phạt vi phạm môi trường.
Tiến trình hoàn thiện Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2682/VPCP-PL ngày 07/4/2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình số 125/TTr-CP ngày 07/4/2020 trình Quốc hội hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), nay là Luật BVMT (sửa đổi).
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Ủy ban KH,CN&MT) đã thẩm tra sơ bộ dự án Luật vào ngày 17/4/2020, thẩm tra chính thức ngày 05/5/2020.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp cho ý kiến về dự án Luật tại Phiên họp thứ 44 ngày 21/4/2020 và đã có kết luận tại Thông báo số 3571/TB-TTKQH ngày 24/4/2020.
Trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban KH,CN&MT, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Bộ trưởng Bộ TN&MT đã làm việc trực tiếp với Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp để thống nhất nội dung của dự thảo Luật với các Luật có liên quan.
Đồng thời, tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành phố, đồng thời tiếp tục lấy ý kiến chính thức bằng văn bản các Bộ, ngành.
Ngày 19/5/2020, Bộ TN&MT có công văn số 2659 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải trình, dự kiến tiếp thu hoàn thiện dự án Luật BVMT (sửa đổi) theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội.
Bỏ quy định việc giữ lại 50% số tiền xử phạt vi phạm môi trường
Theo nội dung tờ trình số 125/TTr-CP ngày 07/4/2020 trình Quốc hội hồ sơ dự án Luật BVMT (sửa đổi), nhằm huy động sự tham gia của các lực lượng được pháp luật cho phép (thanh tra xây dựng, giao thông, tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, …) để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về BVMT, dự án Luật BVMT dự thảo quy định quyền của các lực lượng này được xử lý vi phạm về BVMT nơi công cộng, trong hoạt động xây dựng, phương tiện tham gia giao thông.
Theo đó, quy cơ chế xử phạt nhanh bằng biên lai thu tiền trực tiếp (số tiền phạt không quá 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức theo quy định của Nghị định 81/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính) và cho phép giữ lại một phần số tiền xử phạt, tiền phạt tại các cơ quan, tổ chức để duy trì hoạt động BVMT.
Tuy nhiên, sau hai cuộc họp với Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã thẩm tra sơ bộ dự án Luật vào ngày 17/4/2020, và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 44 ngày 21/4/2020, các đại biểu đánh giá: Có sự khác nhau của dự thảo Luật với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhất là việc mở rộng chủ thể có quyền xử phạt; quy định sử dụng 50% tiền thu được từ xử phạt để lại cho cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT trên địa bàn quản lý… cần cân nhắc thêm.
Do đó, đến ngày 19/5/2020, Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các nội dung giải trình và dự kiến tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, trong đó:
Thống nhất điều chỉnh một số nội dung của dự thảo Luật để phù hợp với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính như: bỏ quy định các chức danh cụ thể trong xử phạt vị phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính về BVMT.
Bỏ quy định việc giữ lại 50% số tiền xử phạt để phục vụ hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan người đã xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính về BVMT.
Bỏ quy định hình thức phạt theo biên lai thu tiền trực tiếp đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh, BVMT nơi công cộng.
Bỏ quy định một số biện pháp đảm bảo việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài không chấp hành quyết định xử phạt vị phạm hành chính (đã bỏ Điều về xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng).
Rà soát, đảm bảo tính thống nhất của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với pháp luật xử lý vi phạm hành chính
Bên cạnh những điều trên, dự án Luật BVMT (sửa đổi) cũng rà soát lại một số điều để đảm bảo tính thống nhất của dự thảo Luật với Luật Xử lý Vi phạm hành chính, trong đó:
Bỏ quy định việc sửa đổi một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trong dự thảo Luật BVMT mà đề xuất sửa đổi trực tiếp tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đồng thời, chỉnh sửa một số quy định đặc thù trong xử phạt vị phạm hành chính về BVMT theo hướng:
Bỏ đề xuất các biện pháp xử lý hành chính khác (giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc).
Điều chỉnh đề xuất về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi từ 10 năm xuống 5 năm.
Bỏ đề xuất về mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực BVMT.
Bỏ đề xuất cách thức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm (xử phạt tính theo ngày hoặc tính lũy tiến tương ứng với tổng khối lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường cần xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường) thay vào đó là việc truy thu số lợi thu được bằng giá trị xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với hành vi xả, thải chất thải ra môi trường.
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV ngày 26/5, Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, tuy còn có một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và hoàn thiện, nhất là về tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tính khả thi của các chính sách, nhưng Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy Hồ sơ dự án Luật BVMT (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ và đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Khương Trung/TNMT