+
Aa
-
like
comment

Dự án kinh tế “bom tấn” trị giá 6 tỷ USD cho Việt Nam

22/04/2020 00:29

Dự án nhà máy Điện khí Chân Mây thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế là một cơ hội đột biến, như một quả “bom tấn” kinh tế cho Việt Nam. Đó là đánh giá của chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, Chủ tịch HĐQT dự án Điện khí thiên nhiên hoá lỏng khu kinh tế Chân Mây, Lăng Cô.

Phối cảnh dự án nhà máy Điện khí Chân Mây.

Với tổng mức đầu tư 6 tỷ USD, công suất thiết kế 4.000 MW, dự án điện khí thiên nhiên hoá lỏng Chân Mây được kỳ vọng sẽ tạo đột phá lớn cho ngành năng lượng Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 ngàn lao động ngay sau dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại Việt – Mỹ.

Ở hai đầu Nam – Bắc, những khu vực có thể sử dụng làm khu công nghiệp (KCN) đều đã hết do tốc độ tăng trưởng quá nhanh, chỗ duy nhất để dịch chuyển công nghiệp chính là miền Trung. KCN không chỉ cần quỹ đất, cảng, các nhà đầu tư thường quan tâm nhất là có đủ điện, nguồn nhân lực cung ứng cho nhà máy không, điện có ổn định, có sạch không, nguồn nhân lực chất lượng cao có không? Gần đây, các định chế tài chính ngày càng hạn chế cung cấp tài chính cho những dự án gây ô nhiễm.

Dự án Chân Mây LNG có thể coi là một ví dụ điển hình để xây dựng một chiến lược bài bản về liên kết, liên doanh để tạo ra sức bật mạnh mẽ ngay trong đại dịch cho cả một vùng đất, bảo đảm tiêu chí về môi trường, hàm lượng chuyển giao công nghệ, chất xám cho nguồn nhân lực, góp phần chuyển đổi ngành nghề địa phương cho một KCN. Khi hoàn thành, tổng công suất tạo ra 4.000 MW sẽ đem lại nguồn thu tương đương 4.000 tỷ đồng mỗi năm cho địa phương, cần sử dụng tầm 20 ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp, trong đó khoảng 1.000 lao động có chuyên môn cao trực tiếp vận hành.

KHu vực biển Chân Mây – Lăng Cô.

Nhà máy điện khí không phát thải CO2, oxit lưu huỳnh hay bụi mịn mà thành phần thải chính ra môi trường là oxit nitơ, tạm có thể coi là khí sạch. Quy chuẩn Việt Nam quy định oxit nitơ thải ra môi trường trong khoảng 210mg/nano m3, đạt tiêu chí. Tuy nhiên, trong quy chuẩn Nhà máy điện khí LNG Chân Mây theo đuổi, để đáp ứng được nhu cầu của Ngân hàng Thế giới, mức phát thải oxit nitơ của nhà máy đạt 50mg/nano m3, hay nói cách khác chỉ nằm trong khoảng 24%, nghiêm ngặt gấp 4 lần so với quy chuẩn của Việt Nam.

Về môi trường nước, điện khí sử dụng nước làm lạnh lấy từ nước biển ngoài khơi cách bờ 2km chứ không lấy ngang bờ nhằm đảm bảo không xâm phạm vào nguồn nước ngọt và hệ sinh thái bờ biển. Nước biển không làm lạnh trực tiếp cho tuabin được nên phải hóa hơi để lấy nước ngọt. Công nghệ tua bin đốt bằng khí LNG để quay tua bin và sinh ra điện.
Sử dụng chu trình phức hợp, ngoài những tuabin chạy bằng cách đốt khí LNG, nhà máy đã tái sử dụng lượng hơi nước sinh ra từ quá trình dùng nước làm lạnh các tuabin này để chạy một tuabin đuôi. Cứ 4 tuabin chạy khí LNG thì vận hành được thêm 1 tuabin công suất tương đương từ hơi nước nên có hiệu suất sản xuất điện rất lớn. Phần nước còn lại thải ra được xử lý bằng cách làm lạnh, đảm bảo nhiệt độ của nước trả lại môi trường không chênh lệch quá 10 độ C so với nước thông thường, và trả phân tán ngoài khơi nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng đến môi trường cùng các hoạt động đánh bắt trên biển.

Về công nghiệp phụ trợ, giai đoạn đầu của dự án sẽ được vận hành bằng khí LNG nhập khẩu nên công nghiệp phụ trợ sẽ không đa dạng như giai đoạn sau, có thể sử dụng khí khai thác từ những mỏ khí trong nước. Lúc đó, quá trình vận hành nhà máy sẽ nhiều công đoạn và phụ phẩm trước khi ra khí đốt thành phẩm.

Những dịch vụ phụ trợ cho giai đoạn sử dụng khí LNG nhập sẽ chủ yếu từ hệ thống hậu cần, nhà máy tái hóa khí, hệ thống đường ống phân phối khí,… cho đến các dịch vụ điện, cơ khí, môi trường nước, và hành chính quản trị, bao gồm hệ thống quản trị nhà máy và phân phối điện theo công nghệ thông minh.

Công ty dự định sẽ tuyển dụng, đào tạo và xây dựng đội ngũ các nhà cung cấp phụ trợ độc lập chứ không trực tiếp tuyển dụng và quản lý từng nhân sự, ngoại trừ nhân sự kỹ thuật và đầu tư chủ chốt. Đây sẽ là cơ hội để ưu tiên các tổ chức nhân sự và dịch vụ địa phương.

Một trong những tiêu chí của dự án là tăng hàm lượng chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cho địa phương theo chủ trương của Đảng và Chính phủ để từng bước nắm bắt được công nghệ mới nhất và có đủ năng lực tự vận hành, sáng tạo trong quản lý và phát triển các dự án năng lượng. Đây cũng là một trong những tiêu chí của Tổ chức tài chính thế giới và Ngân hàng Thế giới, là những nhà tài trợ vốn và bảo lãnh/bảo hiểm cho dự án.

Về tài chính, dự án đầu tư theo hình thức IPP với vốn sở hữu 60% Hoa Kỳ, 40% Việt Nam. Hiện công ty đã huy động đủ tài chính, công nghệ, khí và các nguồn lực cần thiết để sẵn sàng đầu tư vào việc thiết kế xây dựng nhà máy.

Là người trực tiếp kêu gọi đầu tư và thiết kế dự án, thúc đẩy đi vào hoạt động trong thời gian “thần tốc” bằng mối quan hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư lớn, Ngân hàng Thế giới và chính quyền hai phía Việt Nam và Mỹ, ông Trần Sĩ Chương chia sẻ:Điện khí Chân Mây là một cơ hội đột biến, như một bom tấn kinh tế. Tổng thống Trump mới quyết định gia hạn chính sách ưu đãi giá xuất khẩu của khí hóa lỏng đến năm 2050.Đây là một chính sách rất có lợi cho người tiêu thụ điện từ nhà máy Chân Mây LNG (Thừa Thiên Huế) dự kiến sẽ nhập phần lớn khí hoá lỏng từ Hoa Kỳ, nơi có nguồn khí kinh tế và ổn định nhất. Giá khí thấp thì giá điện cũng sẽ thấp, lợi ích trực tiếp cho mọi nhà.

Dự án đang bắt đầu thi công.

Một dự án muốn thành công cần phải có 4 thành phần tham gia: Nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn cho nhà đầu tư, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự đồng thuận cao trong xã hội. Nhờ có chuẩn bị từ trước cho nên chúng tôi đã sắp xếp được đủ ngân sách đầu tư cho toàn dự án và tất cả các điều kiện chuyên môn kĩ thuật. Đặc biệt với sự cam kết hỗ trợ của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ liên quan để hợp tác đầu tư, cho vay một phần, năng lực bảo lãnh các khoản nợ vay và đầu tư vào dự án này.

Dự án này được giới truyền thông Mỹ (kể cả The New York Times, Bloomberg…) đặc biệt quan tâm là vì đã nhận được sự cam kết cho toàn bộ vốn và vay từ các nhà đầu tư chính từ Mỹ, cùng bộ phận đầu tư tài chính IFC thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), và các cơ quan của chính phủ Mỹ có trách nhiệm hỗ trợ công dân và doanh nghiệp Mỹ đầu tư ở nước ngoài.

Nhà đầu tư đã sẵn sàng cùng các đối tác hàng đầu thế giới từ Hoa Kỳ và Nhật Bản trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, quản lý môi trường, xây dựng, điều hành… lập tức triển khai công trình ngay sau khi dự án được Chính phủ phê duyệt. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang hợp tác chặt chẽ cùng nhà đầu tư để sớm đưa dự án vào hiện thực, hy vọng vào năm 2024. Ông Trần Sỹ Chương nhấn mạnh: “Khi có cơ hội như vậy thì cần quan tâm tổ chức ngay từ bây giờ để một năm nữa khi Nhà máy điện khí Chân Mây LNG khởi động đã có sẵn nguồn lực tại địa phương để sử dụng. Nếu mình không nghĩ đến, không tổ chức thì cơ hội sẽ vụt đi. Ví dụ như KCN Dung Quất, vì không chuẩn bị và có tổ chức thúc đẩy chuyện tối đa hóa sử dụng nhân lực tại địa phương cho nên Dung Quất đã không tạo được những công ăn việc làm có tay nghề cao thu nhập cao cho người dân địa phương, mà phần lớn là những việc lao động chân tay dưới cái nắng”.

Một lo ngại lớn đang đặt ra với các dự án công nghiệp là liệu khi Nhà máy điện khí Chân Mây LNG chính thức vận hành thì Thừa Thiên Huế có còn giữ lợi thế, ưu điểm về chuỗi du lịch sinh thái môi trường khu vực đó không?

Ông Trần Sĩ Chương cam kết: “Tôi nhớ một buổi tối tôi với anh Ngô Viết Nam Sơn nói chuyện về Huế, anh Sơn nói: Mình trăn trở như vậy nhưng chỉ cần tính trật một cái là thành phá Huế, mang tội với tiền nhân. Ông cha mình phát triển bên bờ Bắc, thế hệ sau thì phát triển bờ Nam. Bây giờ muốn công nghiệp hóa nhất quyết phải đi xa hàng chục km, tránh xa thành phố và hai bờ sông Hương”. Nhằm tránh một sự việc đáng tiếc như sự cố môi trường ở Formosa (Hà Tĩnh), ngoài việc đảm bảo những yêu cầu khắt khe, chặt chẽ của Ngân hàng Thế giới, dựa trên kinh nghiệm trước đây đã triển khai ở nhiều nơi trên thế giới, chúng tôi chọn lọc đối tác hợp tác phải là những nhà đầu tư, tổ chức đàng hoàng, uy tín.

Với một dự án có thời gian hoạt động kéo dài hàng chục năm, chỉ làm việc với những đối tác số 1 thế giới thì trách nhiệm xã hội của họ là rất lớn. Không một CEO nào dám ra những quyết định gây ảnh hưởng đến môi trường tại khu vực, vì họ sẽ bị HĐQT cách chức ngay.

Một dự án muốn thành công cần phải có 4 thành phần tham gia: Nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn cho nhà đầu tư, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự đồng thuận cao trong xã hội… Chỉ có làm việc, liên kết với những người có trách nhiệm thì chúng ta mới giữ được môi trường của mình, đảm bảo việc nhà máy thuê con cháu mình làm nhân sự trong doanh nghiệp của họ được lâu dài.

Điều mà chúng tôi trăn trở là phải để lại một giá trị kế thừa sao cho con cháu mình sau này không phải lo toan. Từ đó, tạo ra giá trị cộng hưởng, hấp dẫn thêm những nhà đầu tư khác đến với địa phương mình…

Tôi xin đại diện cho LNG Chân Mây cam kết công bố minh bạch mọi thông tin tiến độ xây dựng nhà máy, các dịch vụ công nghiệp phụ trợ, và công ăn việc làm liên quan đến dự án điện khí Chân Mây LNG. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, dự án Chân Mây LNG sẽ phối hợp với HUEIDS sớm triển khai liên kết với các trung tâm dạy nghề, trường cao đẳng nghề, đại học nhằm chuẩn bị tiếp cận với những cơ hội ngành nghề mới. Ngoài ra, sẽ xây dựng một website nhằm đăng tải rõ ràng, minh bạch mọi thông tin công ăn việc làm, công nghệ phụ trợ…. cho tất cả những ai quan tâm đều được biết”.

Về cơ bản, Huế đã kiểm soát được dịch Covid–19, sóng gió tạm lắng, bình thường mới đang dần thiết lập. Đây cũng là lúc cần giải quyết câu chuyện Huế phải làm gì để vừa sống chung an toàn với Covid-19 vừa đảm bảo sự phát triển về mặt kinh tế.

Covid-19 đang đặt cả loài người trong một môi trường VUCA (có tính không chắc chắn, bất định, dễ tổn thương). Chưa ai có thể dự đoán được thời điểm dịch Covid-19 chấm dứt, nên tinh thần “sống chung và tìm cách thích ứng với Covid” đang dược đặt ra cho các nhà kinh tế. Trước mắt doanh nghiệp phải làm sao để sống sót qua mùa dịch, rồi mới tính chuyện phục hồi.

Từ góc độ kinh tế vĩ mô và góc độ doanh nghiệp, đánh giá cơ hội bứt phá của doanh nghiệp Việt nói chúng và tiềm năng của Huế nói riêng, ông Chương cho rằng muốn tạo ra cú hích lớn cần có nhà đầu tư tiềm năng, chỉ có thông qua thu hút đầu tư thì Huế mới có cơ hội phát triển. Theo New York Times và báo cáo của tổ chức quốc tế OECD, Covid-19 đến nay đã gây thiệt hại cho kinh tế thế giới gấp 4 lần khủng hoảng tài chính thế giới ở đỉnh điểm năm 2009. Trong quý II vừa qua kinh tế Trung Quốc tăng 12%. Sau khủng hoảng tài chính năm 2009, Mỹ phải mất 5 – 7 năm để phục hồi về mức của năm 2007. Nhờ kiểm soát được dịch bệnh và ổn định sớm, Trung Quốc đã có cơ hội xuất nhiều và nhanh trong bối cảnh phần lớn thế giới phải đóng cửa lo cho dịch bệnh và nhu cầu cho các sản phẩm y tế, sức khỏe lại tăng, cần cung từ Trung Quốc.

Dự án Nhà máy điện Chân Mây sẽ là điểm nhấn rất lớn ở khu cảng Chân Mây – Lăng Cô.

Đi vào giai đoạn phục hồi, Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn để cung những sản phẩm có giá trị gia tăng cao đến những thị trường như châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản, là những nơi cầu sẽ cao và Việt Nam có lợi thế quan hệ chiến lược kinh tế và thương mại so với Trung Quốc. Để nắm bắt được cơ hội lịch sử này doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng liên kết với các đối tác tại nước sở tại để kết nối hợp tác, từ công nghệ, đầu tư đến tiếp thị thị trường. Năm 2021 sẽ là năm doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn nhất để tham gia thị trường thế giới một cách chủ động hơn.

Nói riêng về Huế, đây là thành phố mang nhiều giá trị văn hoá lịch sử, việc phát triển kinh tế gắn với giá trị văn hoá rất quan trọng, phát triển kết hợp với bảo tồn để phát triển bền vững, xây dựng khu đô thị mới bên cạnh việc giữ được những nét hài hoà của văn hoá hiện tại. Huế luôn được biết đến là nơi y tế rất phát triển, cơ hội cho Huế rất lớn khi kết hợp phát triển công nghệ thông tin trong y khoa. Công nghệ – giáo dục – y khoa là những tiềm năng vô hạn của Việt Nam nói chung và Huế nói riêng.

Tốc độ tăng trưởng của Mỹ là 2% năm, nhưng họ là siêu cường quốc, để Huế phát triển bền vững phải cần chỉ số 15%. Phải tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Cung của mình dựa vào cầu của thiên hạ” để tập trung nguồn lực kinh tế.

Kinh tế thế giới trong “trạng thái bình thường mới” cần có những chiến lược khoa học như giảm thiểu thiệt hại trong môi trường mà tính bất ổn định ngày càng tăng, doanh nghiệp cần phải tăng cường thay đổi cách sản xuất, chuyển đổi số, tập trung vào giá trị từ khách hàng nội địa, tích hợp công nghệ thông tin vào vận hành doanh nghiệp…
Muốn hoạt động đầu tư sôi động hoàn toàn tùy thuộc vào môi trường đầu tư. Chính Huế mới là nơi “tiền dưới gầm giường” nhiều vì lâu nay người Huế làm ra tiền mà không biết tiêu xài ở đâu.

Cuối cùng, xin kết lại bằng lời chia sẻ của ông Chương: “Tạo môi trường thuận lợi, người dân ở đây sẽ mạnh dạn đầu tư làm ăn. Nói người Huế rụt rè, không mạnh dạn chi bằng nói là do môi trường chưa tạo điều kiện cho họ mạnh dạn. Sau khủng hoảng Covid-19, nhiều người nhận ra là cần hướng nội nhiều hơn để giảm rủi ro lệ thuộc vào nền kinh tế khác. Dự án này nếu được phê duyệt chính là tạo đường ra, tạo cú hích cho TT-Huế, nối Huế với Đà Nẵng tạo ra một giấc mơ kinh tế. Vừa giải quyết vấn đề vĩ mô cho đất nước, vừa tạo cơ hội phát triển cho Huế. Tôn trọng, giữ gìn, không xâm phạm các giá trị văn hóa – môi trường ông cha cũng chính là trách nhiệm đạo đức của nhà kinh doanh”.

Theo The Leader

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều