+
Aa
-
like
comment

Dự án Foxconn và lời nhắc ‘đón đầu cơ hội’ của Thủ tướng

20/01/2021 09:54

Trong nhiều tháng qua, giới quan sát đã chú ý với nhiều đồn đoán quanh thông tin Foxconn – một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới, chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple – chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy tính sang Việt Nam. 

Nay, điều này đã trở thành hiện thực với sự kiện ngày 18/1, UBND tỉnh Bắc Giang trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án của 3 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 570 triệu USD. Trong đó, Foxconn quyết định đầu tư dự án sản xuất máy tính trị giá 270 triệu USD tại tỉnh này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trao đổi với PV, đại diện cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và giới chuyên gia đều nhận định, sự kiện này vừa phát đi những tín hiệu tích cực về khả năng thu hút đầu tư và năng lực sản xuất của Việt Nam, vừa đặt ra nhiều vấn đề cần lưu ý với chính quyền các địa phương.

Theo nguồn tin có thẩm quyền từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự kiện này cho thấy những nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua đã có kết quả, thu hút được các nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang đa dạng hóa, tối ưu hóa các chuỗi cung ứng.

Tháng 5/2020, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia gắn với chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Tại thông báo số 206/TB-VPCP ngày 15/6/2020, kết luận buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, tỉnh cần chủ động chuẩn bị tốt điều kiện về đất đai, mặt bằng với hạ tầng đồng bộ để thu hút các dự án đầu tư lớn, có tiềm năng.

Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo với nhiều kiến nghị của Bắc Giang để có thể tranh thủ thời cơ, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài lớn chuyển dịch vào Việt Nam, tận dụng cơ hội phát triển kinh tế của các địa phương…

Việc đón các nhà đầu tư như Foxconn cũng phù hợp với chủ trương thu hút các dự án chất lượng cao theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo đó, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đồng thời, kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…

Nhắc tới sự kiện xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình diễn ra ngày 17/1 vừa qua với việc trao quyết định chủ trương đầu tư 14 dự án với tổng vốn khoảng 1 tỷ USD và ký biên bản ghi nhớ hợp tác 23 dự án cho 18 nhà đầu tư trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguồn tin này cho rằng đây là những tín hiệu rất tích cực ngay những ngày đầu năm  mới 2021.

Quyết liệt để đón đầu

Trao đổi với PV, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tính đến tháng 12 năm 2020, tổng vốn đầu tư của Foxconn tại Việt Nam là 1,5 tỷ USD,  trong đó, vốn đầu tư tại tỉnh Bắc Giang là 900 triệu USD. Dự kiến năm 2021 sẽ đầu tư thêm 700 triệu USD và tăng mới 10 nghìn lao động, trong đó giai đoạn 1 có quy mô 270 triệu USD vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư và giai đoạn 2 hơn 400 triệu USD.

Dự án lần này của Foxconn có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Bắc Giang, là động lực thu hút thêm nhiều dự án công nghệ khác tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu và thu ngân sách cho tỉnh. Cùng với đó, đưa người lao động vào dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghệ cao của thế giới với thu nhập cao hơn và môi trường làm việc hiện đại.

“Việc Foxconn tiếp tục lựa chọn Bắc Giang để triển khai dự án sản xuất các sản phẩm chiến lược công nghệ cao cho hãng Apple chứng tỏ sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của tỉnh, có thể đáp ứng được cho các dự án công nghệ hàng đầu thế giới. Đây là bước khởi đầu để Foxconn triển khai các dự án tiếp theo có mức vốn đầu tư lớn hơn tại Bắc Giang. Dự án của Foxconn chắc chắn sẽ tạo ra “cú hích” lôi cuốn làn sóng FDI có chất lượng về  địa phương, có lợi cho mục tiêu tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội sau dịch COVID-19”, ông Lê Ánh Dương nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên.

Chia sẻ thêm về việc thu hút các dự án này về địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhắc lại, ngay tại cuộc làm việc giữa năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tỉnh cần phát triển nhanh công nghiệp, xây dựng, lấy công nghiệp làm trụ cột động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, dịch chuyển cơ cấu kinh tế và phát triển các lĩnh vực khác.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phát huy lợi thế về nguồn nhân lực lao động dồi dào, đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng; có cơ chế chính sách tăng cường bồi dưỡng, đào tạo dạy nghề, năng lực quản trị để kịp thời đáp ứng nhu cầu của các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, nắm bắt cơ hội chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài sang Việt Nam.

Từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bắc Giang đã và đang không ngừng cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh với tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật cho các nhà đầu tư. Bắc Giang tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương công vụ, thông thoáng trong giải quyết thủ tục hành chính; sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp nhanh nhất, kịp thời nhất, kể cả việc hướng dẫn thực hiện pháp luật Việt Nam…

Tập trung xây dựng, hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Giai đoạn 2026-2020, toàn tỉnh huy động hơn 39.000 tỷ đồng đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị; ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông đi trước một bước.

Tỉnh cũng hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch để bổ sung mới 3 khu công nghiệp, điều chỉnh mở rộng 3 khu công nghiệp và đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Theo ông Lê Ánh Dương, việc bảo đảm quỹ đất phát triển công nghiệp là điều kiện quan trọng nhất cho việc đón làn sóng đầu tư mới trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Cùng với nguồn nhân lực dồi dào, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng từ 50,5% năm 2016 lên 70% năm 2020, giúp chủ động nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhất là nhân lực kỹ thuật, tay nghề cao.

Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), nơi đặt cơ sở sản xuất của Foxconn.

Cơ hội có thể sẽ trôi đi

Từ góc nhìn chuyên gia, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng bày tỏ ấn tượng về những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong các cuộc làm việc năm ngoái với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và các bộ, ngành liên quan.

“Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành triển khai nhanh các thủ tục, chuẩn bị mặt bằng để đón các dự án này. Cơ hội tới mà chúng ta không chỉ đạo quyết liệt, không sẵn sàng về đất đai và thủ tục thì cơ hội sẽ trôi đi”, GS Nguyễn Mại nhận định khi trao đổi với PV. Ông cũng cho rằng, con số 570 triệu USD ngay đầu năm 2021 là rất ấn tượng với Bắc Giang, so với tổng số vốn FDI 6 tỷ USD mà tỉnh này có được trong suốt 30 năm qua.

“Quan trọng hơn nữa, các dự án sản xuất mặt hàng công nghệ cao càng có ý nghĩa với một tỉnh trung du như Bắc Giang. Phù hợp với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về chủ trương thu hút công nghệ cao, công nghệ tương lai, điều này phát đi tín hiệu cho thấy nơi nào chuẩn bị tốt, đủ điều kiện thì sẽ thu hút được đầu tư tốt theo định hướng của Bộ Chính trị”, GS Nguyễn Mại nhận định.

Trên phạm vi cả nước, vị chuyên gia cho rằng, các sự kiện thu hút đầu tư FDI đầu năm 2021 cho thấy kỳ vọng vào một làn sóng thu hút FDI mới đang dần trở thành hiện thực. GS Nguyễn Mại cũng nhắc tới sự kiện mới đây, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã có báo cáo liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ, theo đó hoàn toàn không đề cập hoặc đề xuất việc Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.​ Đây là tín hiệu tích cực tiếp theo, củng cố cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của chính quyền các địa phương, nhất là phải vượt qua được “tư duy nhiệm kỳ”, tránh thu hút đầu tư chạy theo số lượng, chạy theo thành tích mà không coi trọng hiệu quả và chất lượng. Cùng với đó, chính quyền các địa phương phải nâng cao năng lực thẩm định, tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin để có thể lựa chọn nhà đầu tư, dự án thích hợp theo định hướng của Bộ Chính trị và Chính phủ.

Về phía cơ quan chỉ đạo điều hành, GS Nguyễn Mại đánh giá cao những hành động quyết liệt với nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua. Chính phủ đã có Nghị quyết số 58/NQ-CP ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương, các chuyên gia về các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài; thành lập tổ công tác đặc biệt thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm tổ trưởng.

Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nồng nhiệt tiếp đón các nhà đầu tư và tại các cuộc tiếp này, họ đã cam kết đầu tư nhiều dự án lớn tại Việt Nam. “Hai nội dung họ rất trông đợi ở phía Việt Nam là kiên định hơn nữa các cải cách, đặc biệt là cải cách thủ tục để các nhà đầu tư không mất thời gian, đồng thời chống sách nhiễu phiền hà từ các công chức. Nếu làm được, chúng ta sẽ có cơ hội lớn hơn trong năm 2021 và các năm tới”, GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Hà Chính/ VGP

Bài mới
Đọc nhiều