+
Aa
-
like
comment

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông: Bộ GTVT “vượt quyền” điều chỉnh vốn

06/07/2019 12:33

Bộ Giao thông Vận tải tự điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông từ 8.770 tỉ đồng lên hơn 18.001 tỉ đồng khi chưa báo cáo Thủ tướng.

Ngày 5-7, tại buổi họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018, căn bệnh “đội vốn” tại nhiều dự án được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tiếp tục chỉ ra.

27 dự án điều chỉnh tăng vốn

Ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN), cho biết theo kết quả kiểm toán, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có tới 27 dự án điều chỉnh, tăng tổng mức đầu tư lớn so với phê duyệt lần đầu. Cụ thể, bộ này đã điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 122.352 tỉ đồng và 97,27 triệu USD đối với 27 dự án.

Đáng chú ý, Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP HCM điều chỉnh 3 lần, tăng 6.812 tỉ đồng (tương đương 275,61%) so với tổng mức đầu tư ban đầu. Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 29.937,6 tỉ đồng (tương đương 172,2%).

Đối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, sau nhiều lần chậm tiến độ chưa thể đưa vào khai thác vận hành, KTNN cho hay Bộ GTVT đã lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỉ đồng lên 18.001,6 tỉ đồng (tăng 9.231,6 tỉ đồng, tương đương 205,27%) khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh dự án đầu tư.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Bộ GTVT vượt quyền điều chỉnh vốn - Ảnh 1.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sau nhiều lần chậm tiến độ vẫn chưa thể vận hành

Trong khi đó, tại dự án tuyến đường sắt số 1 Bến Thành – Suối Tiên, TP HCM điều chỉnh dự án chưa đúng giá trị, chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền. Cụ thể, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã “vượt quyền” khi phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và quy mô của dự án quan trọng quốc gia.

Chuyển 5 vụ việc sang cơ quan điều tra

Đại diện KTNN cho biết kết quả kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất trong năm 2018 cho thấy công tác quản lý và sử dụng đất có hạn chế, tiềm ẩn lớn lãng phí, thất thoát, tham nhũng như: Điều chỉnh quy hoạch sai thẩm quyền; sử dụng đất chưa đúng mục đích được giao, thuê đất; hầu hết các khu đất doanh nghiệp đang sử dụng thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị đều không thông qua đấu giá và giá trị quyền sử dụng đất định giá không sát giá thị trường, gây thất thoát ngân sách.

Tổng hợp kết quả kiểm toán của 256 báo cáo kiểm toán trong năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỉ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỉ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 23.722 tỉ đồng. Đồng thời, chuyển 5 vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra kiến nghị làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đó là các vụ việc: Cục Hải quan TP Đà Nẵng giải quyết cho thông quan 30 ôtô từ nước ngoài về Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, gây thất thu ngân sách nhà nước; Công ty MTV Dệt 19/5 Hà Nội (nay là Công ty Cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội) có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, gây thất thoát hơn 319 tỉ đồng; Ban Quản lý dự án Công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các tổ chức, cá nhân liên quan để ngoài sổ sách số tiền trên 22 tỉ đồng; Sở Y tế tỉnh Bình Dương (chủ đầu tư) có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế thực hiện năm 2017; Dự án đầu tư xây dựng công trình Thủy lợi Đắk Ngo (giai đoạn 2), huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chủ trương đầu tư, khảo sát thiết kế, nghiệm thu thanh toán khối lượng xây dựng.

Theo Người Lao Động

Bài mới
Đọc nhiều