Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông biết lỗ vẫn làm: Xử lý trách nhiệm thế nào?
Theo ĐBQH, đối với dự án đội vốn, chậm trễ như tuyến Cát Linh-Hà Đông, nếu cần thì phải chuyển qua cơ quan công an công an để làm rõ.
Dù là dự án trọng điểm của ngành GTVT, quy mô đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng nhưng quá trình đầu tư dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông có hàng loạt lỗ hổng được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phát hiện sau nhiều năm thực hiện.
Đặc biệt, theo KTNN, khi phân tích hiệu quả kinh tế dự án, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành cao, chiếm tỉ trọng lớn trong giai đoạn khai thác dự án nên kết luận đường sắt Cát Linh-Hà Đông hiệu quả về kinh tế là thiếu chính xác.
Phương án tài chính của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên liên quan chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả.
Trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết, kết luận của KTNN cho thấy, ngay từ đầu dự toán của dự án này đã không đầy đủ, chính xác.Mong muốn của nhiều người khi xây dựng dự án này là muốn có một tuyến đường sắt đô thị quy mô, tầm cỡ nhưng trong quá trình tổ chức thiết kế, tư vấn thiết kế chưa lường hết được những vấn đề phát sinh xảy ra.
Thậm chí, khi ý muốn chủ quan của con người rất muốn có dự án này thì thiết kế, dự toán cho tuyến đường sắt này lại thiếu chính xác, để đến khi thi công rồi lại phát sinh nhiều vấn đề, dự án bị đội vốn gần 10 ngàn tỷ đồng (từ 8.770 tỷ lên 18.000 tỷ đồng, tăng trên 205%), chậm tiến độ nhiều năm.
“Đó là sai lầm nghiêm trọng đối với chủ đầu tư dự án”, đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá.
Vị đại biểu đồng tình với kết luận của KTNN rằng phải xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan đến việc phê duyệt điều chỉnh hơn gấp đôi tổng mức đầu tư và phê duyệt đấu thầu giữa các nhà đầu tư Trung Quốc không đúng.
“Phải làm rõ và phải có trách nhiệm kiểm điểm vai trò của chủ đầu tư, người đứng đầu, đơn vị thi công, đơn vị thiết kế xây dựng, những người có liên quan trong việc xây dựng dự án này để trấn an dư luận.
Đối với những người đã nghỉ hưu hay không còn đảm trách những vị trí liên quan tới dự án này nữa cũng phải được làm rõ trách nhiệm. Thậm chí, nếu cần thiết thì chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự, không thể nào chấp nhận một dự án đội vốn tới hơn 200% mà hiệu quả mang lại là con số 0 một cách vô lý như vậy được.
Trong khi dự án Cát Linh-Hà Đông tiêu tốn tới gần 20.000 tỷ đồng mà chưa thấy hiệu quả đâu thì rất nhiều nơi, như Đồng bằng sông Cửu Long, lại không có vốn để xây dựng hạ tầng giao thông.
Trong vụ việc này, không thể có chuyện “huề cả làng”, cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự nếu xảy ra sai phạm nghiêm trọng. Đừng để tiền của nhân dân bỏ ra trôi sông trôi biển, ai muốn sử dụng thế nào thì sử dụng, thi công thế nào thì thi công”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói thẳng.
Vì lẽ đó, trên cơ sở đề xuất xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể mà KTNN đề xuất, ông lưu ý cần nghiên cứu thêm và đưa sang cơ quan công an làm rõ. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc thì ai xử lý kỷ luật, ai phải truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được làm rõ, sai phạm tới đâu xử lý tới đó.
Cho tới nay, dự án Cát Linh-Hà Đông chỉ còn 1% khối lượng công việc, con số ấy tuy nhỏ trong vốn đầu tư nhưng lại quyết định điều kiện khai thác an toàn nên đó là chuyện lớn.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, trách nhiệm của chủ đầu tư lúc này là phải yêu cầu tổng thầu hoàn thiện dự án cho bằng được để đưa vào vận hành.
“Nhiều ý kiến cho rằng có thể cân nhắc khởi kiện tổng thầu, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là phương án cuối cùng, cực chẳng đã mà thôi. Quan trọng là phải làm việc với tổng thầu để họ hoàn thiện dự án, đưa vào sử dụng.
Còn sai phạm của cá nhân, tập thể thế nào trong dự án này, tùy từng trường hợp cụ thể sau này sẽ giải quyết”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Thành Luân/Đất Việt