+
Aa
-
like
comment

Dự án du lịch tâm linh: Vì sao lại có chuyện “trên bảo dưới không nghe?”

01/11/2019 06:00

Vì sao lại có chuyện “trên bảo dưới không nghe?” Tại sao các dự án vẫn ngang nhiên xây dựng trái phép, bất chấp các quy định pháp luật?
Mới đây, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang cho biết, UBND tỉnh Hà Giang sẽ phối hợp với các sở ban ngành liên quan thanh kiểm tra. Và một trong các công trình sai phạm tại tỉnh trong thời gian qua là Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú sẽ bị tạm thời đình chỉ để phục vụ quá trình thanh kiểm tra.

“Phong trào” xây dựng du lịch tâm linh

Các khu di tích, thắng cảnh, tập trung chủ yếu là đền đài, chùa chiền, miếu mạo, lăng tẩm, khu tưởng niệm, trong đó hơn 3.000 địa danh được xếp hạng di tích quốc gia. Nó trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách, trong đó chủ yếu là du lịch tâm linh.

dulich
Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (Đồng Văn) bị đình chỉ để phục vụ cho công tác thanh-kiểm tra

Như thế để thấy rằng du lịch tâm linh ở nước ta có tiềm năng rất lớn, vấn đề là làm sao để biết khai thác hiệu quả, đúng quy định mà không làm mất đi bản sắc tốt đẹp vốn có của nó bởi vấn đề tâm linh luôn là một lĩnh vực rất nhạy cảm và nhiều khi dễ bị lợi dụng vào các mục đích xấu. Bằng chứng là đã có chuyện người ta xin hàng chục, hàng trăm ha đất để làm dự án tâm linh không phải mới diễn ra mà đã nở rộ trước đây ở nhiều địa phương.

Hàng loạt công trình phá cao nguyên đá Đồng Văn như: Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Dự án Thang máy ngắm cảnh tham quan di tích Đồn Cao ở Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT-DL) khẳng định chưa tuân thủ quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt và phải dừng dự án là minh chứng.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng hơn 47 ha đất trồng lúa năm 2019 để thực hiện dự án Khu Du lịch sinh thái – tâm linh Lạc Thủy (KDL Lạc Thủy) tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, do Công ty TNHH MTV Pacific – Hòa Bình làm chủ đầu tư

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng: “Phải xem xét cẩn thận việc sử dụng quỹ đất của người dân để xây dựng những khu tâm linh kết hợp du lịch. Nếu tỉnh nào cũng muốn xây dựng khu tâm linh thì quỹ đất sẽ ngày càng cạn kiệt mà đất thì không sinh ra được, sẽ ngày càng mất đi. Không được cho phép các cá nhân, tổ chức lợi dụng vấn đề tâm linh để xây dựng những công trình du lịch”.

Siêu lợi nhuận 

Thực tế trên cho thấy, các dự án du lịch tâm linh nở rộ tại nhiều tỉnh thành, địa phương gây băn khoăn trong dư luận, xã hội: Vì sao các nhà đầu tư lại chạy theo dự án tâm linh như cơn nghiện? Trong đó cũng có không ít những dự án được phát hiện xây dựng sai phép, chưa xin phép hoặc không đúng phép… tiếp tục được đặt ra.

Có lẽ, những nhà quản lý hay các chủ đầu tư các khu du lịch tâm linh này nhận thấy đây là hình thức làm kinh tế mới, tạo ra siêu lợi nhuận dựa trên tín ngưỡng của người dân để rồi đưa ra các mức thu tiền một cách thoải mái, tùy tiện gọi là vé vào tham quan. Vì vậy có người đã gọi đây là “BOT cổng chùa”. Thương mại hóa còn thể hiện ngay chính nơi diễn ra các hoạt động tâm linh cụ thể là tại các đình chùa, miếu mạo, di tích, đền đài… người ta đặt quá nhiều hòm công đức với mục đích để thu thật nhiều tiền, chứ không chỉ đơn thuần là tiền giọt dầu như trước đây các cụ nhà ta vẫn làm. Và điều đáng nói nữa là tất cả các khoản thu được ấy (số tiền này rất lớn) thì những ai được biết và được sử dụng chi tiêu như thế nào thì không ai rõ.

Cũng vì xem việc đầu tư vào du lịch tâm linh là siêu lợi nhuận nên có thể thấy rằng những năm gần đây có một “làn sóng” làm du lịch tâm linh. Từ những nguồn thu dễ nhìn thấy là lý do khiến nhiều đối tượng đầu cơ, ồ ạt xây dựng các dự án du lịch tâm linh để trục lợi, thậm chí dựng lên những công trình giả để thu lời bất chính. Chúng ta vẫn chưa quên việc lực lượng chức năng tại địa bàn thắng cảnh chùa Hương đã phải ra quân để giải tỏa hơn 40 chùa giả, động rởm được dựng lên trái phép trong khu vực cách đây nhiều năm. Có thời gian người dân ở TP Sầm Sơn (Thanh Hóa)  giật mình khi phát hiện khu vực núi Trường Lệ xuất hiện một chùa lạ xây dựng trái phép trên mảnh đất của tư gia tự đặt tên là “Linh Sơn Thượng”. Hay gần đây là việc xây dựng pho tượng bà Chúa Xứ trên Núi Sam, tỉnh An Giang, đã gây bức xúc dư luận..v..v.

Cần siết chặt những dự án du lịch tâm linh

Với những phần đất công cộng, phục vụ miễn phí cho người dân hành hương, không nên thu thuế nhưng với những công trình ăn theo, xây dựng để kinh doanh thì phải thu thuế, nộp về ngân sách. Vì đang có tình trạng thương mại hóa diễn ra ở nhiều nơi dưới danh nghĩa du lịch tâm linh.

Vấn đề không nằm ở chuyện có nhiều hay ít những dự án tâm linh cho người dân hành hương, hướng thiện. Hay câu chuyện về nguồn vốn đầu tư vào dự án tâm linh từ đâu cũng không phải là vấn đề lớn. Vấn đề là chùa xây dựng có đúng quy hoạch, đúng mục tiêu, mục đích là hướng tới tâm linh hay không? Bởi, di sản thiên nhiên được coi là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút du lịch riêng cho mỗi khu vực. Nếu khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch bền vững, đồng thời vẫn bảo tồn và phát huy được giá trị di sản cho thế hệ tương lai sẽ tạo ra những giá trị lan tỏa rất lớn kể cả về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chẳng hạn như đối với Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Dự án Thang máy ngắm cảnh tham quan di tích Đồn Cao. Từ năm 2018, Bộ VH-TT-DL cũng 4 lần ra văn bản yêu cầu Hà Giang kiểm tra toàn diện dự án, kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm, tới nay Hà Giang cũng không thực hiện các ý kiến chỉ đạo nói trên. Đó là chưa nói đến việc Dự án này còn nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010 thì bắt buộc phải thực hiện nghiêm theo quy hoạch.
Nếu kết luận của Bộ VH-TT-DL là đúng, nghĩa là dự án đang làm sai, là vi phạm nghiêm trọng luật bảo tồn di sản. Việc này khiến dư luận băn khoăn, đặt câu hỏi: Vì sao lại có chuyện “trên bảo dưới không nghe?” Tại sao các dự án vẫn ngang nhiên xây dựng trái phép, bất chấp các quy định pháp luật?

Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc xử lý thiếu kiên quyết khiến việc tuân thủ pháp luật của nhiều nhà đầu tư không nghiêm, không sợ. Nhất là khi lợi ích mang lại từ những sai phạm còn lớn hơn gấp nhiều lần số tiền phạt thì rõ ràng họ chấp nhận đánh đổi, chấp nhận chịu phạt để làm sai. Vì thế mới có tình trạng dự án sai phép vẫn mọc lên ở nơi này nơi khác, còn việc xử lý thì nhây nhưa, kéo dài, không ai chịu trách nhiệm. Nói như Đại biểu Hoàng Văn Cường thì những “Dự án có thể mang lại những giá trị kinh tế nhất định cho địa phương, tuy nhiên nếu phát triển du lịch mà chỉ đề cao yếu tố lợi ích kinh tế, phát triển du lịch kiểu “ăn xổi”, “tận thu”, tùy tiện, bất chấp có thể sẽ phải đối diện với những nguy cơ hiện hữu là di sản bị phá hủy, bị mất đi vĩnh viễn”. Người ta đã từng chạy chức chạy quyền ở nhiều cửa rồi nay lại còn tiếp tục chạy nơi cửa thánh. Chính vì vậy, cần có các quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc doanh nghiệp lợi dụng vỏ bọc tâm linh, tôn giáo để kinh doanh, thu tiền.

Nếu không kiểm soát chặt chẽ thì các địa phương sẽ đua nhau triển khai loại hình du lịch tâm linh bất chấp quy hoạch đó có hợp lý hay không. Từ đó, không gian văn hóa, sự thiêng liêng của lễ hội và không gian thờ tự cũng vì thế bị biến dạng, méo mó.

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều