+
Aa
-
like
comment

Dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công ứng phó với biến đổi khí hậu

11/07/2020 15:56

Ngày 6 tháng 4 năm 2018, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công tại Tp.HCM. Hội Thuỷ lợi Việt Nam đưa báo cáo tóm tắt và cụm 6 đề tài nghiên cứu, rất mong muốn nhận được những ý kiến trao đổi, bình luận và đóng góp của các nhà khoa học và cộng đồng dân cư.

Mục tiêu là để: Chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng TPHCM và khu vực Gò Công, Long An; Chuyển thành hồ chứa nước ngọt cho vùng Đồng Tháp Mười; Rút ngắn khoảng cách giao thông từ các tỉnh miền Tây đến Vũng Tàu 130 km. Thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch; Phát triển hệ thống cảng biển trong tương lai, khai thác năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Một đoạn đê biển ở Hà Lan

I. Cơ sở lý luận của giải pháp

Cở sở lý luận của giải pháp: Vấn đề thoát lũ của một con sông liên quan trực tiếp đến lũ thượng nguồn, triều ở biển và khả năng chuyển tải của con sông. Nếu xét tương tác giữa lũ và triều ta luôn có thể chia một con sông thành 4 đoạn.

Đoạn thứ nhất bị ảnh hưởng hoàn toàn bởi lũ; đoạn thứ 2 ảnh hưởng chính bởi lũ nhưng bị tác động bởi triều; đoạn thứ 3 ảnh hưởng chính là triều, nhưng bị tác động bởi lũ; đoạn thứ 4 bị ảnh hưởng hoàn toàn bởi triều (cửa sông, biển).

Hồ chứa lũ ở thượng nguồn có tác dụng giảm MN lũ tốt cho đoạn 1 và 2, còn đoạn 3 có tác dụng ít và đoạn 4 không có tác dụng. Ngược lại, hồ chứa ở hạ du nếu đủ dung tích để chứa lũ, lại rất tốt cho việc giảm mực nước lũ và triều cho đoạn 3,4. Về mặt chứa lũ và tăng khả năng thoát lũ thì hồ chứa ở hạ du lại có hiệu quả hơn nhiều. Ví dụ hồ chứa ở thượng nguồn (một hoặhinc nhiều hồ) có dung tích phòng lũ là 10 tỷ m3, dung tích này được sử dụng để cắt lũ cho một trận lũ thường kéo dài khoảng 10 ngày. Nếu lũ được dự báo tốt, cắt lũ đúng vùng đỉnh lũ thì hồ chứa có tác dụng tốt. Nhưng nếu dự báo không tốt mà hồ chứa lũ sớm hoặc muộn thì đều không có tác dụng chống lũ. Đối với hồ hạ du, yêu cầu dự báo lũ không khắt khe, dung tích hồ không cần lớn như hồ thượng nguồn, nhưng khả năng trữ và tăng khả năng tiêu thoát cao hơn nhiều.

Cụ thể, dung tích điều tiết (dung tích hiệu quả) của hồ VT-GC là 1,5 tỷ m3 nước, thì mỗi ngày hồ có thể điều tiết được khoảng 1,5 tỷ m3: Khi triều biển lên cao hơn mực nước trong hồ, cống ngăn triều sẽ được đóng lại và lũ được chứa ở trong hồ, khi triều biển rút, mực nước trong hồ cao hơn mực nước triều biển sẽ mở cống để thoát lũ trong hồ. Như vậy, mỗi ngày hồ có thể chứa và thoát được lượng lũ gần 1,5 tỷ m3, trong khi lượng lũ 200 năm xuất hiện một lần về hồ trong 12 giờ chỉ hơn 300 tr m3.

Vì vậy MN trong lòng hồ luôn rất thấp, kéo theo mực nước sông đoạn 3 và đoạn 4 thấp, tạo thuận lợi cho việc tiêu thoát nước ở khu vực Tp.HCM và nó càng có ý nghĩa hơn khi mực nước biển dâng. Mặt khác hồ trên núi làm mất rất nhiều đất canh tác, đất rừng, phải di dân tái định cư, vấn đề vận hành và an toàn hồ chứa thượng nguồn luôn là vấn đề phải quan tâm.

Ngược lại, hồ chứa ở hạ lưu không những không làm mất đất mà lại được thêm đất hoặc mặt nước để phục vụ cho các mục đích khác. (Đây cũng chính là lý do mà Hội Quốc tế nghiên cứu về hồ chứa ven biển – IACRR được thánh lập tháng 1/2017 với mục tiêu quảng bá và phát triển hồ ven biển).

GS, TS. Đào Xuân Học – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi

II. Giới thiệu chung vùng dự án

Vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, úng ngập, thoát lũ của vùng ĐTM, và TPHCM với xu hướng ngày càng gia tăng. Mưa cực đoan trên lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn và tại khu vực TPHCM, kết hợp triều cường – nước biển dâng sẽ càng gây sức ép đến hệ thống tiêu thoát nước và chắc chắn làm gia tăng tình trạng ngập lụt cho khu vực trong thời gian tới.

Để giải quyết tình trạng ngập úng do triều và lũ ở Tp. HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM (Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008). Theo đó, khu vực TPHCM được chia thành 3 vùng. Vùng I bao gồm toàn bộ khu vực nội thành cũ nằm phía bờ hữu sông Sài Gòn – Nhà Bè, là khu vực trọng tâm của quy hoạch. Vùng II bao gồm toàn bộ khu vực ngã ba sông Đồng Nai – Sài Gòn. Vùng III bao gồm toàn bộ khu vực bờ tả sông Nhà Bè – Soài Rạp, được xác định là vùng đệm.

Vì điều kiện kinh phí và một số lý do khác, Tp. HCM đang thực hiện bao đê, kết hợp với hệ thống cống và trạm bơm cho vùng lõi của thành phố.

Để ngăn mặn, trữ ngọt và tăng một phần khả năng tiêu thoát cho vùng ĐTM, năm 2005 Bộ NN&PTNT đã cho lập nghiên cứu tiền khả thi (báo cáo đầu tư) cống Vàm Cỏ với chiều rộng 800m, nhưng do nguồn vốn đến nay vẫn chưa được triển khai.

Trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp tổng thể giải quyết triệt để hơn vấn đề ngập úng do tổ hợp tác động của lũ thượng nguồn, mưa lớn và triều cường, dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công đã được đề xuất. Dự án này được đề xuất dựa trên cơ sở bài toán quy hoạch tổng thể về thuỷ lợi của vùng ĐTM và Tp.HCM, khả năng về kỹ thuật, công nghệ hiện nay của Việt Nam; Đồng thời dựa trên cơ sở thực tế những công trình đã có ở các nước như:

1. Tại Hà lan: Hồ Afsluitdijk xây dựng năm 1026, chiều dài đê biển 33 km, dung tích hồ 5,6 tỷ, với nhiệm vụ chống lũ lut, chứa nước ngọt.

2.Tại Hàn Quốc: Hồ Saemangeum khánh thành ngày 7/4/2010, chiều dài đê biển dài 33,6 km, với độ sâu bình quân là 15m, nơi sâu nhất là 36 m, diện tích lấn biển 40.000 ha, mục tiêu là phát triển kinh tế, vốn đầu tư cho đê và cống là 2,7 tỷ USD, đến nay đã có 6 triệu lượt khách đến tham quan du lịch.

3. Tại Nga: Hồ Sait-Petersburg, khánh thành năm 2011, đê dài 25,4 km, nhiệm vụ chống úng ngập do triều.

Ngoài ra còn các hồ lớn khác ở Úc, Bắc triều tiên, Trung Quốc, Hà Quốc, Singapor (3 hồ), Hồng Kông, Mỹ và rất nhiều hồ tiềm năn khác sẽ XD. Chi tiết báo cáo tổng quan về các công trình tương tự xin xem Báo cáo thủy công của cum 6 đề tài.

Bốn phương án về vị trí của tuyến đê biển đã được nghiên cứu và tính toán: Phương án tuyến 1 là phương án xây dựng đập và cống ngay trên sông Soài Rạp. Phương án tuyến 2 là phương án tuyến nối từ Gò Công đến Cần Giờ tại mũi Long Hòa. Phương án tuyến 4 là phương án có tuyến đê nối từ Gò Công đến Vũng Tàu. Phương án tuyến 3 – Phương án chọn là phương án có tuyến đê dài 28km nối Gò Công đến cách Vũng Tàu 5km sau đó nối với Cần Giờ bằng tuyến đê phụ 13km. Báo cáo Tóm tắt này chỉ tập trung vào những nội dung của tuyến đê biển chọn.

Dự án đê biển Vũng Tàu-Gò Công liên quan trực tiếp đến vùng hạ du lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, và một phần khu vực Đồng Tháp Mười bao gồm các tỉnh Bình Dương (130.959 ha), Đồng Nai (57.190 ha), TPHCM (186.315 ha), Tây Ninh (63.154 ha), Long An (430.536 ha), Đồng Tháp (90.052 ha) và Tiền Giang (122.315 ha), với tổng diện tích 1.080.521 ha như hình 4.

Hình 3: Các phương án tuyến đê biển
Hình 4: Ranh giới vùng ảnh hưởng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công (1.080.000 ha)

II.1 Mục tiêu, nhiệm vụ dự án

1. Chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng TPHCM, trước mắt và lâu dài (khi MN biển dâng thêm 100cm);

2. Tăng cường khả năng thoát lũ, giảm chiều sâu và thời gian ngập lũ, chống xâm nhập mặn cho vùng ĐTM trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Chống xâm nhập mặn cho khu vực Gò Công, Long An;

3. Phòng chống thiên tai và các tác động từ biển cho toàn bộ khu vực TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐTM với diện tích hơn 1 triệu ha.

4. Về lâu dài khi, sau khi xử lý tốt môi trường ở khu vực sẽ chuyển thành hồ chứa nước ngọt cho vùng Đồng Tháp Mười, chuẩn bị cho mọi sự biến động bất lợi về dòng chảy do tác động của các hồ thủy điện và các nước ở thượng nguồn.

5. Rút ngắn khoảng cách giao thông từ các tỉnh miền Tây đến Vũng Tàu 130 km. Đặc biệt, tạo sự liên kết cho phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra vùng động lực mới phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, mở rộng và hình thành chuỗi đô thị mới của cả TPHCM và các tỉnh, thành phố lân cận (Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang và các tỉnh Tây Nam bộ…). Là nơi xây dựng hệ thống cảng biển trong tương lai, khai thác năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

6. Sử dụng một phần đất và 50% diện tích mặt hồ (khu vực lấn biển) lấy kinh phí xây dựng đê biển (nhà nước đóng góp khoảng 15% tổng kinh phí xây dựng cho giai đoạn đầu).

II.2 Nội dung chủ yếu của dự án

1. Thông số cơ bản của dự án

Tuyến đê xuất phát từ Gò Công đến gần Vũng Tàu (cách Vũng Tàu 5km), nối tiếp với tuyến đê nhỏ đi vào rừng Cần Giờ. Tuyến đê chính dài 28km, rộng 30m, chiều sâu nước trung bình 5,5m (tính từ cốt ±0,0m) và một cống kiểm soát triều, thoát lũ rộng 2.000m, cao trình đáy -10m kết hợp với âu thuyền cho tàu 30.000 tấn, sau đó kết nối với Vũng Tàu bằng cầu giao thông rộng B=22,4m, dưới cầu các loại tàu bè đi lại bình thường vào khu vực vịnh Gành Rái.

Tuyến đê phụ dài 13km nối từ đầu cầu phía đê chính đi vào Cần Giờ, chạy dọc tuyến đê phụ là dải đất rộng 1.000m dự kiến dùng để thực hiện cơ chế xã hội hóa đổi đất lấy kinh phí xây dựng tuyến đê biển, chiều sâu mực nước đoạn đê này bình quân khoảng 4,0m. Theo phương án này sẽ tạo được hồ chứa có diện tích mặt nước 43.000 ha (kể cả trong sông là 50.000ha), tổng dung tích khoảng 2,5 tỷ m3 (dung tích hữu ích cho phòng lũ 1,5 tỷ m3).

Ngoài ra, cần xây dựng một cống kiểm soát triều, thoát lũ rộng 200m, cao trình đáy -12m kết hợp với âu thuyền cho tàu 20.000 tấn trên sông Lòng Tàu.

Để ngăn nước triều tràn từ rừng Cần Giờ vào hồ, cần xây dựng bờ bao ven hồ và dọc theo sông Soài Rạp, Nhà Bè dài 60 km, cao 0,5-1,0 m và một đập đất ngăn rạch Đồng Tranh.

Bên cạnh đó, khi đê biển hình thành dự kiến sẽ có 5 khu vực dành cho phát triển đô thị mới bao gồm: Đô thị Vũng Tàu mở rộng; Đô thị sinh thái Cần Giờ; Đô thị sinh thái (dọc tuyến đê phụ); Đô thị khoa học biển; Đô thị dịch vụ kinh tế biển.

2. Mô hình thủy lực, tài liệu cơ bản và các kịch bản tính toán: Để xem xét, đánh giá các tác động của dự án, đặc biệt là các tác động lên chế độ thủy văn, thủy lực vùng ảnh hưởng, mô hình thủy lực 1 chiều MIKE 11 cho cả vùng hạ lưu Đồng Nai và một phần hạ lưu sông Mekong được xây dựng. Bên cạnh đó, mô hình 2 chiều vùng cửa biển, ven biển được xây dựng để xem xét các tác động dòng chảy ven bờ, bồi lắng cửa sông…. Các tài liệu cơ bản như địa hình, biên lưu lượng ở thượng lưu sông Mekong, mực nước hạ lưu, mưa được thu thập, tại liệu địa chất của tuyến đê dựa vào kết quả của 16 hố khoan trực tiếp.

Lũ Mekong là trận lũ năm 2000 với lưu lượng lớn nhất tại Kratie là 55.294 m3/s; tại Biển Hồ là 9.076 m3/s. Lưu lượng xả lũ các hồ thượng lưu được tính với tổ hợp tần suất 0,5% (200 năm xuất hiện 1 lần). Mưa trong thành phố được tính với mưa giờ, tần suất 10%, cụ thể với trận mưa kéo dài 1g30 phút và lượng mưa 106mm. Triều tại Vũng Tàu, tần suất 10%. Địa hình ở Tp.HCM: dựa trên nền hiện trạng, theo quy hoạch đến năm 2025, có đê và cống Vũng Tàu – Gò Công với các kích thước bề rộng cống khác nhau với nhiều phương án khác nhau và các kịch bản nước biển dâng từ 0m đến 1,0m.

II.3 Tác động của dự án

II.3.1 Tác động tích cực

1. Về chống ngập triều

Khi không xả lũ từ các hồ chứa thượng nguồn, cống được mở thường xuyên để dòng triều ra vào theo các con triều, mực nước triều trong hồ thường xuyên nhở hơn 1,0m. Một số đỉnh triều cường, chúng ta dùng cống kiểm soát triều ở đê biển và Lòng Tàu để khống chế mực nước trong sông và hồ theo yêu cầu. Trong các trường hợp này, tất cả các loại tầu bè vẫn qua cống bình thường trong mọi thời gian.

2. Về chống lũ

Theo kết quả tính toán thủy lực với tổ hợp lũ 200 năm xuất hiện một lần (P=0,5%) ở lưu vực sông Đồng Nai; vùng ĐTM là trận lũ năm 2000 và với tổ hợp:

a. Có tuyến đê biển, cống ở đê biển VT-GC là 2.000m cao trình, cống ở Lòng Tàu rộng 200m, cao trình đáy cống -10m cho thấy: DA đảm bảo chống ngập lụt do triều, do lũ, tạo MN thấp để tiêu thoát nước mưa cho khu vực thành phố HCM cho đến khi NBD thêm 100cm.

b. Có tuyến đê biển, cống ở đê biển VT-GC rộng 2.000m, cao trình đáy cống -10m, nhưng bỏ ngỏ sông Lòng Tàu cho thấy: DA đảm bảo tiêu chuẩn chống ngập lụt cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh ứng với tần suất lũ thượng nguồn 200 năm xuất hiện một lần, cho đến khi MN biển dâng thêm 50cm (khoảng 70 năm sau theo kịch bản NBD). Theo PA này, tàu thuyền đi lại tự do qua sông Lòng Tàu (khi xả lũ 200 năm xuất hiện một lần thì vân tốc lớn nhất trên sông là 1,95m/s).

c. Có tuyến đê biển VT-GC với chiều rộng cống 1.000m và bỏ ngỏ sông Lòng Tàu cho thấy: DA đảm bảo tiêu chuẩn chống ngập lụt cho khu vực Tp.HCM ứng với tổ hợp lũ thượng nguồn 200 năm xuất hiện một lần, cho đến khi MN biển dâng thêm 35 cm (khoảng 50 năm sau theo kịch bản NBD) (vận tốc lớn nhất trên sông Lòng Tàu khi xả lũ là 1,99 m/s).

3. Kiểm soát mặn

4. Giảm vốn đầu tư xây dựng các cống lớn, hệ thống đê trong khu vực

5. Giảm cốt san nền toàn khu vực (các nội dung này, xin xem chi tiết ở cụm 6 ĐT NC)

6. Tạo quỹ đất và hình thành chuỗi đô thị dự kiến để thực hiện xã hội hóa

Với diện tích mặt hồ 43.000 ha mới được tạo ra, chúng ta có thể dành 3.000ha (30 triệu m2) để tôn nền, và khoảng 50% diện tích mặt nước (20.000ha) cho xây dựng (XD trên mặt nước), du lịch, dịch vụ và các khu đô thị thuộc thành phố Vũng Tàu, TPHCM, Tiền Giang và Long An. Khu vực TPHCM và Long An sau khi xây dựng tuyến đê, phần diện tích vùng trũng thấp khoảng 5.000-8.000ha chưa được khai thác và khai thác chưa hiệu quả sẽ trở thành vùng đất màu mỡ và ổn định để phát triển đô thị, đồng thời có thể mở rộng thành phố ra phía biển một cách rất an toàn. 20.000ha diện tích mặt hồ còn lại để thông thoáng cho các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí khác, hoặc có thể chia ô để bố trí năng lượng mặt trời, thừa điện cung cấp cho các khu đô thị mới này.

7. Phát triển du lịch (xin xem chi tiết ở cụm 6 ĐT NC)

8. Nơi dự trữ nguồn nước ngọt trong tương lai

Về lâu dài trong điều kiện BĐKH, những tác động từ phía thượng lưu gây nên cạn kiện nguồn nước, đặc biệt khi Campuchia XD cống điều tiết trên sông Tonleshap không chế Biển Hồ, chúng ta sẽ không đủ nước ngọt cung cấp cho khu vực và sau khi việc xử lý môi trường được thực hiện tốt ở TPHCM và các khu công nghiệp vùng lân cận, ta có thể chuyển hồ chứa phía trong đê biển thành hồ nước ngọt để phục vụ cho dân sinh, kinh tế trong vùng, khi đó các hệ sinh thái nước lợ sẽ được chuyển dần sang sinh thái nước ngọt. Với dung tích từ 2,5 -3,0 tỷ m3 (kể cả trong sông) chúng ta có xây dựng một hồ chứa trên núi với dung tích 3,0 tỷ m3, có thể mất khoảng 20.000ha thể đảm bảo an ninh về nguồn nước cho nửa vùng đồng bằng trong mọi diễn biến ở thượng lưu.

II.3.2 Phân tích hiệu quả kinh tế khi thực hiện giải pháp đê biển Vũng Tàu-Gò Công

Tổng vốn đầu tư cho phương án đê biển VT-GC là 74.000 tỷ đồng được chia ra ônglàm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, với tổng vốn đầu tư là 46.000tỷ đồng, giai đoạn 1 có tác dụng cho đến khi MN dâng thêm 35cm (khoảng 50 năm sau). Giai đoạn 2, với vốn đầu tư 18.000tỷ đồng, công trình có tác dụng đến khi NBD dâng thêm 50cm (khoảng 70 năm sau, kể từ nay). Giai đoạn 3, xây dựng cống rộng 200m và âu thuyền trên sông Lòng Tàu, với vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, công trình có tác dụng đến khi NBD thêm 100cm (khoảng trên 100 năm sau).

Khi hình thành đê biển, lợi ích đem lại cho Tp.HCM bao gồm: Khai thác được 8.000 ha trung thấp, thường xuyên ngập nước, giảm thiệt hại với sản xuật nông nghiệp, giảm sạt lở bờ bao, giảm úng ngập, phá hại cơ sở hạ tầng, gia tăng sản xuất kinh doanh, giảm chi phí y tế… Đối với vùng ĐTM gia tăng sản xuất nông nghiệp, giảm thiệt hại do ngập lũ, cải tạo đất phèn, giảm chi phí bơm tát… Ngoài ra, khi hình thành đê biển tạo nên trục giao thông rút ngắn khoảng cách từ TPHCM đi Vũng Tàu, cũng như từ miền Tây đi Vũng Tàu 130 km và ngược lại, hiệu ích thuần mang lại nhờ có đê biển từ ngành giao thông và du lịch.

Kết quả tính toán hiệu quả kinh tế dự án (chưa đề cập việc sử dụng quỹ mặt nước 43.000 ha):

– Kinh phí cần thiết để đầu tư xây dựng các công trình cần thiết cần khoảng 74.000 tỷ đồng. Xét về mặt kinh tế, phương án xây dựng tuyến đê biển VT-GC đem lại hiệu ích cao thể hiện qua các chỉ tiêu kinh tế IRR = 29%, lơnns hơn 2 lần so với yêu cầu.

– Đặc biệt nếu thực hiện xã hội hoá nửa diên tích mặt 43.000 ha lòng hồ chúng ta gần đủ kinh phí để xây dựng công trình trong các giai đoạn. Hiện tại đã có khá nhiều nhà đầu tư quan tâm, đề nghị Nhà nước đóng góp khoảng 15% tổng vốn đầu tư, để sử dụng cho các giai đoạn thiết kế, giám sát, chi ban quản lý dự án và đền bù giải phóng mặt bằng.

II.3.3 Những tác động tiêu cực của dự án đê biển Vũng Tàu-Gò Công

Những tác động môi trường có thể xảy ra như: Thay đổi chất lượng nước và các thành phần môi trường; Thay đổi chế độ thủy văn gây bồi lắng, xói mòn bên trong tuyến đê VT- GC, bao gồm thay đổi vận tốc dòng chảy, mực nước trong hồ và sông, bồi lắng phù sa và xói mòn; Tác động tới nguồn lợi thủy hải sản đa dạng sinh học vùng cửa sông, bao gồm cá và các sinh vật thủy sinh tầng nổi, các loài động vật đáy, thân mềm, giáp xác, 2 mảnh vỏ; Tác động tới đa đạng sinh học; Tác động bởi sự cố môi trường; Tác động tới kinh tế xã hội của một số cộng đồng dân cư sống dọc theo khu vực cửa sông Soài Rạp và vịnh Đồng Tranh, các hộ sống dựa vào nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản; Rủi ro và sự cố môi trường; Tác động tới tuyến đường thủy ra vào cảng Sài Gòn, Cát Lái… đều đã được nghiên cứu và đánh giá ở cụm đề tài “Xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công”.

Cụm đề tài bao gồm 6 đề tài với kinh phí 31,5 tỷ, được thực hiện bởi 6 cơ quan thuộc 4 Bộ (Bộ NN&PTNT (3 đề tài), Bộ Giao thông (01 đề tài), Bộ TN&MT (01 đề tài), Bộ KH&ĐT (01 đề tài). Các đề tài này cũng đếu tham gia hội thảo nên xin phép không trình bày trong báo cáo này, chỉ xin nêu thêm phương án giảm thiểu tác động về giao thông mà cụm 6 đề tài chưa đề xuất.

Dự án có tác động tới tuyến đường thủy quan trọng, nằm trong khu vực kinh tế sôi động nhất trong cả nước, tuyến đường thủy ra vào cảng Sài Gòn, Cát Lái… Tuy nhiên, theo các bước thực hiện thì 70 năm nữa cống trên sông Lòng Tàu tàu mới cần xây dựng, và sau đó mới tác động đến ít nhiều đến giao thông thuỷ. Theo tính toán tàu thuyền có thể qua lại cống một cách thuận lợi trong hầu hết thời gian, chỉ trừ khi xả lũ lớn từ thượng nguồn ứng với tổ hợp lũ 30 năm xuất hiện/lần. Và ngay cả khi xả lũ lớn với tổ hợp lũ 200 năm xuất hiện/lần, tàu thuyền vẫn có thể qua cống khoảng 4,5 giờ/ngày. Ngoài ra, ngày nay nhờ có công nghệ hiện đại, việc điều khiển tàu thuyền lưu thông qua hệ thống cống, âu thuyền có thể khắc phục được và không gây ách tắc giao thông thủy, mỗi tàu 30.000 tấn qua âu thuyền chỉ mất thời gian 10-20 phút.

III. Kết quả nghiên cứu của cụm 6 đề tài

Cụm đề tài “Xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công” được Bộ Khoa học và Công nghệ cho triển khai thực hiện để cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công.

(1) Nghiên cứu giải pháp tổng thể kiểm soát ngập lụt vùng hạ lưu sông Đồng Nai – Sài Gòn và vùng lân cận. Cơ quan chủ trì thực hiện Cơ sở II – Trường Đại học Thủy Lợi, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Chủ nhiệm đề tài GS.TS Nguyễn Quang Kim. Thời gian thực hiện 24 tháng, bắt đầu từ tháng 10/2011, kết thúc 10/2013.

(2) Nghiên cứu kết cấu công trình và giải pháp xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công. Cơ quan chủ trì thực hiện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Chủ nhiệm đề tài GS.TS Trần Đình Hòa. Thời gian thực hiện 36 tháng, bắt đầu từ tháng 10/2011, kết thúc 10/2014.

(3) Nghiên cứu đánh giá tác động của Dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công đến giao thông vận tải thủy. Cơ quan chủ trì thực hiện Hội cảng đường thủy và thềm lục địa thuộc Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam. Chủ nhiệm đề tài KS Trần Văn Dung. Thời gian thực hiện 36 tháng, bắt đầu từ tháng 10/2011, kết thúc 10/2014.

(4) Nghiên cứu biến động của chế độ thủy thạch động lực vùng cửa sông ven biển chịu tác động của Dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công. Cơ quan chủ trì thực hiện Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thuộc Viện KHTL Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Chủ nhiệm đề tài ThS Trần Bá Hoằng. Thời gian thực hiện 36 tháng, bắt đầu từ tháng 10/2011, kết thúc 10/2014.

(5) Nghiên cứu ảnh hưởng của dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công tới các hệ sinh thái ven biển. Cơ quan chủ trì thực hiện Viện Nghiên cứu Quản lý biển và hải đảo, Tổng cục biển và hải đảo, Bộ TN&MT. Chủ nhiệm đề tài TS Lê Xuân Tuấn. Thời gian thực hiện 24 tháng, bắt đầu từ tháng 10/2011, kết thúc 10/2013.

(6) Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của Dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công đến kinh tế, xã hội vùng hạ du sông Đồng Nai – Sài Gòn và phụ cận. Cơ quan chủ trì thực hiện Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư. Chủ nhiệm đề tài TS Nguyễn Bá Ân. Thời gian thực hiện 24 tháng, bắt đầu từ tháng 10/2011, kết thúc 10/2013.

Các đề tài KH&CN độc lập cấp Nhà nước trên được phê duyệt tại các Quyết định số 1237/QĐ-BKHCN ngày 15/5/2011 và Quyết định số 1883/QĐ-BKHCN ngày 27/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, do 06 tổ chức KH&CN thuộc 04 Bộ ngành khác nhau chủ trì thực hiện: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (03 đề tài), Bộ Kế hoạch và Đàu tư (01 đề tài), Bộ Tài nguyên và Môi trường (01 đề tài), Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (01 đề tài) (tên, mục tiêu, sản phẩm, kinh phí và cơ quan thực hiện xem tại Phụ lục 1).

Kết quả nghiên cứu của cụm 6 đề tài có một số sự khác biệt giống và khác nhau với đề tài nghiên cứu trên như sau:

– Tổng lương lũ gần giố ng nhau và ở mức an toàn cho công trình.

– Đều khẳng định tính hiệu quả của dự án về chống lũ lụt, ngập úng, xâm nhập mặn.

– Không gây ảnh hưởng đáng kể đến rừng Cần Giờ, môi trường trong sông, trong hồ.

– Không gây xói lở ven sông và ven biển, không ảnh hưởng đến các bãi tắm của Vũng tàu.

– Vốn đầu tư cho dự án còn chênh nhau gấp 2 lần, nhưng các đề tài nghiên cứu đều khẳng đinh dự án có hiệu quả rất cao (IRR là 29% và 24%), mặc dù đều chưa tính việc xã hội hoá trong đầu tư xây dựng (Nhà nước chỉ cần đầu tư khoảng 15% tổng nguồn vốn) và cần thiết phải xây dựng.

– Chiều dài đê và hình thức đê cơ bản là như nhau.

– Sự khác biệt:

o Cụm 6 đề tài đề nghị phải xây dựng trước năm 2050.

o Vốn đầu tư còn chênh nhau rất lớn

II.3.3 Một số nhận xét và kết luận

1. Dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công là giải pháp tổng thể để giải quyết triệt để vấn đề ngập úng do tổ hợp tác động của lũ thượng nguồn, mưa lớn và triều cường, chống xâm nhập mặn, đồng thời cũng là công trình chống nước biển dâng, chống biến đổi khí hậu ở thế chủ động cho 1.100.000 ha. Ngoài ra tạo quỹ đất 43.000 ha, tạo động lực phát triển cho vùng. Dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công không chỉ là một dự án thủy lợi thuần túy mà còn là một dự án phát triển kinh tế-xã hội trong vùng.

2. Tuyến đê biển Vũng Tàu- Gò Công sau khi được xây dựng hoàn chỉnh, có thể chống ngập do triều, do lũ, tạo MN thấp để tiêu thoát nước mưa cho toàn bộ khu vực TP.HCM cho đến khi NBD thêm 100 cm, khoảng 130 năm sau theo kịch bản phát thải trung bình.

3. Kế hoạch đầu tư được đề nghị chia làm 3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Xây dựng đê biển VT-GC dài 28 km, đê phụ từ cuối đê VT-GC vào rừng Cần Giờ dài 13 km. Xây dựng cống kiểm soát triều rộng 1.000m. Xây dựng cầu giao thông nối từ đê đến Vũng Tàu. Xây dựng đê, đập ngăn nước tràn ở rừng Cần Giờ. Bỏ ngỏ sông Lòng Tàu, nhưng hai bên bờ sông được gia cố chống xói lở. Với tổng vốn đầu tư là 46.000tỷ đồng. Công trình có tác dụng đến khi MN dâng thêm 35cm (khoảng 50 năm sau).

Giai đoạn 2: Xây dựng thêm một cống ở đê biển VT-GC rộng 1.000m (tổng chiều rộng cống là 2000m) kết hợp với Âu thuyền cho tàu 20.000 tấn, với vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng, công trình có tác dụng đến khi NBD dâng thêm 50cm (khoảng 70 năm sau).

Giai đoạn 3: Xây dựng cống rộng 200m và âu thuyền trên sông Lòng Tàu, với vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, công trình có tác dụng đến khi NBD thêm 100cm (khoảng 130 năm sau). Tổng vốn đầu tư cho 3 giai đoạn là 74.000tỷ đồng.

4. Đê biển làm tăng khả năng tiêu thoát cho vùng ĐTM, rút ngắn thời gian ngập gần một tháng, do vậy không cần bơm vợi nếu gieo cấy 2 vụ. Nếu kết hợp với công trình kiểm soát lũ vùng ĐTM (phương án chủ động sống chung với lũ) thì chủ động hoàn toàn việc quản lý tiêu thoát nước.

5. Giải quyết vấn đề xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ và khu vực Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang một cách chủ động. Là nơi dự trữ nước ngọt trong tương lai: chúng ta có một hồ chứa, dự trữ nước ngọt 2,5-3 tỷ m3, để XD một hồ chứa 3 tỷ m3 ở trên núi chúng ta mất diện tích đất rừng và đất ruộng khoảng 20.000 ha và kinh phí xây dựng khoảng 80.000 tỷ đồng. Nội dung này sẽ được thực hiện sau khi việc xử lý môi trường bên trong khu vực được giải quyết và khi thiếu hụt nguồn nước ngọt do tác động từ thượng nguồn theo kịch bản cực đoan (có công tình khống chế Biển Hồ).

6. Do gần như không cần giải phóng mặt bằng, mặt bằng thi công rộng, hạng mục công trình ít nên công trình có thể rút ngắn thời gian thi công. Thời gian xây dựng đê có thể thực hiện từ 2-3 năm, thời gian XD cống có thể thực hiện từ 3-4 năm (DA Neworlean thực hiện XD trong 2 năm). Do bỏ ngỏ Lòng Tầu nên việc giao thông thủy gần như không bị ảnh hưởng trong khoảng 70 năm tới.

7. Công trình không ảnh hưởng đến rừng Cần Giờ, không ảnh hưởng giao thông vào cảng nước sâu Cái Mép, Thị Vải, trong 70 năm tới không ảnh hưởng đến giao thông thủy vào Tp.HCM.

8. Theo tính toán mô hình về tác động môi trường thì công trình không gây tác động xói lở khu vực bãi tắm của Vũng Tàu và các khu vực lân cận thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

9. Tác động tới sinh kế của một số người dân nuôi nghêu, sò ở cửa sông và bên ngoài vùng rừng Cần giờ, có thể khắc phục được thông qua tính toán đầy đủ chí phí thiệt hại đến nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi sang làm du lịch, dịch vụ và sẽ được tính toán chi tiết trong giai đoạn tiếp theo của dự án.

10. Xét về mặt môi trường, các tác động tiêu cực của dự án thấp hơn so với các tác động của các phương án thay thế và có thể giảm thiểu được các tác động xấu, đồng thời có tác động môi trường có xu thế tốt hơn như có khả năng tiêu thoát nhanh, tăng thêm nguồn nước ngọt dự trữ, tạo được một khu sinh thái mới cho vùng.v..v… Vấn đề môi trường ở bên trong thành phố cũng cần được đầu tư và xử lý triệt để đều được như hệ thống kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè.

Nhóm nghiên cứu (Hội Thuỷ lợi Việt Nam)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều