Dự án Cát Linh – Hà Đông: tại sao tổng thầu Trung Quốc lại giở quẻ đòi 50 triệu USD?
Mới đây, theo lãnh đạo Bộ GTVT, đề nghị thanh toán 50 triệu USD của Tổng thầu Trung Quốc tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông không được Bộ xem xét do không có văn bản chính thức và trái quy định hợp đồng. Sự việc này cũng một lần nữa dấy lên sự bức xúc của dư luận với dự án này.
Trong khi hồ sơ hoàn công và nghiệm thu chưa đủ điều kiện, cơ sở pháp lý; dự án chưa “chốt” được thời gian hoàn thành thì Tổng thầu Trung Quốc tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại cần 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống. Đòi hỏi vô lý này đã dấy lên những ý kiến bức xúc trong cộng đồng.
Người dân bức xúc
Có thể nói đây là tuyến đường sắt đầy tai tiếng với nhiều lần tăng vốn và chậm tiến độ làm trì trệ những dự án liên quan về giao thông. Trước thông tin Tổng thầu Trung Quốc tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại cần 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống, anh Tuấn Minh (Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: “Dự án kéo dài thời gian, gây thiệt hại về kinh tế, tiền đã thanh toán 80%, giờ lại giở quẻ đòi 50 triệu USD là sao?”.
Theo anh Minh, dự án tốn hơn 18.000 tỉ đồng, trong đó vay của Trung Quốc gần 14.000 tỉ đồng, nhưng hơn 10 năm vẫn ì ạch. Còn nằm ì ra đấy thì hậu quả của dự án càng lớn, tiền phải trả càng nhiều trong khi lợi ích mang lại bằng 0. Thậm chí, phát sinh thêm chi phí bảo trì, nỗi lo xuống cấp, chiếm dụng mặt bằng, tác động đến các dự án liên quan…
“Thầu xây dựng mà như chủ nợ, cứ hạch sách hết lần này đến lần khác thì sao chịu nổi. Từ hy vọng là tuyến giao thông huyết mạch tạo đà phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm của phía Bắc, nay dự án này trở thành của nợ không biết bao giờ vận hành”, bạn Hưng Nguyễn chia sẻ
Theo nhiều bạn đọc tỏ ra mất niềm tin vào dự án này. “Giờ chạy mà mất an toàn để mất mạng nữa thì nên phá bỏ… chán ngán với dự án này, chưa đi vào hoạt động đã thấy xuống cấp rồi”, Thương Huyền chia sẻ. Câu hỏi này đã được đặt ra nhiều năm nhưng quá khó để tìm câu trả lời.
Người dân đã quá mệt mỏi với dự án này và có vẻ như các cơ quan chức năng không đủ nghiêm khắc với nhà thầu và những cơ quan Việt Nam tham gia dự án. Hợp đồng đã quy định cụ thể căn cứ vào đó mà thi hành chứ cứ mãi nhún nhường trước một nhà thầu thi công thì họ sẽ càng ngày càng ngạo mạn.
Ban đầu đưa ra dự án, người dân khấp khởi mừng thầm vì có tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của quốc gia. Viễn cảnh vi vu trên các đoàn tàu hiện đại, phóng băng băng làm nức lòng bao người. “Thế rồi hoãn ngày vận hành, tăng vốn lên hơn gấp đôi, người dân ngờ vực. Hoãn lần thứ 2, thứ 3, rồi không bảo đảm an toàn vận hành, người dân từ buồn nản dần thất vọng và giờ thì chưa biết bao giờ lăn bánh… Không phẫn nộ mới là lạ. Cả tỉ USD chứ phải ít đâu” –Trần Thanh ngao ngán.
Quyết đinh dứt khoán và quyết liệt của bộ GTVT
Liên quan tới thông tin Tổng thầu Trung Quốc tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đề nghị thanh toán toàn bộ số tiền 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao dự án cho Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đã không xem xét yêu cầu này.
Theo thông tin tìm hiểu về nhà thầu Trung Quốc này, nhiều dự án khác của Tập đoàn đường sắt Trung Quốc trên thế giới cũng đang có nguy cơ chậm tiến độ, thậm chí tiềm ẩn rủi ro “bẫy nợ”. Dự án đường sắt cao tốc trên cao nối Jakarta – Bandung (Indonesia) dài 142,3 km, bắt đầu khởi động vào tháng 1/2016 và dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2020 và đi vào vận hành năm 2021.
600 triệu người dân Trung Quốc có thu nhập tháng chỉ 1000 tệ (3,2 triệu đồng), thế mà tổng thầu Trung Quốc xem 50 triệu USD của người Việt Nam nhẹ như vỏ hến. 50 triệu USD là 400 triệu tệ, đủ để trả lương cho 4 vạn người Trung Quốc trong 1 tháng. Sự việc liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã đi quá xa, không thể tiếp tục để phía tổng thầu Trung Quốc đưa ra những đề xuất vô lý và trì hoãn việc hoàn thành dự án.
Và mới đây trong cuộc họp sáng 2/6, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã khẳng định đây là ý kiến trao đổi trong cuộc họp trực tuyến giữa Ban quản lý dự án đường sắt và tổng thầu Trung Quốc, không có văn bản chính thức nên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) không xem xét đề nghị này. Do vậy, trường hợp tổng thầu Trung Quốc ra văn bản với yêu cầu nêu trên thì cũng không được xem xét do trái quy định hợp đồng. Nếu tổng thầu Trung Quốc có khó khăn tài chính tại thời điểm này cũng phải chạy thử tàu, phía Việt Nam không có trách nhiệm phải quyết toán thêm khoản tiền đó.
Cần nhớ, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, dự định hoàn thành vào tháng 6/2015. Dự án có chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, đặc biệt hầu như không có khâu nào tự động hóa, khi chạy phải có hơn 600 lao động điều hành, quản lý. Sau bao lần kéo dài tiến độ, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng đến nay sau 9 lần “lỡ hẹn” thì nó vẫn chưa thể đưa vào vận hành khai thác.
Nên chuyện tổng thầu Trung Quốc có khó khăn tài chính tại thời điểm này cũng phải hoàn thành, phải chạy thử tàu, phía Việt Nam không có trách nhiệm phải quyết toán thêm khoản tiền đó.
Trong khi đó, tổng thầu Trung Quốc vẫn chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành. Giả sử chúng ta giải ngân xong số tiền này thì dự án đã hoàn thiện chưa hay họ còn thêm nhiều lần 50 triệu USD nữa? Vì thế, sự cẩn trọng của chúng ta sẽ tránh tư duy kéo dài dự án, “đẽo cày giữa đường”.
Có thể thấy quyết định của Bộ GTVT được đưa rất nhanh, dứt khoát ngay sau khi tiếp nhận lời đề nghị của tổng thầu Trung Quốc.
Hành động từ chối thẳng thể hiện rõ lập trường và thái độ cứng rắn của Việt Nam như một gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt tổng thầu Trung Quốc, buộc họ phải “tỉnh ngộ”, chấm dứt mưu mô “làm vương làm tướng”, “nhảy múa” trên đầu người Việt Nam.
Đặc biệt, trong hoàn cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tiền thu ngân sách nhà nước giảm, người dân phải tiết kiệm từng đồng thì sự kiên quyết của Chính phủ nói chung và Bộ GTVT là điều rất cần thiết và hoàn toàn phù hợp.
Đã đến lúc chúng ta cần cứng rắn hơn với tổng thầu EPC để sớm chấm dứt hình ảnh “một con rắn bê tông” xấu xí bò loằng ngoằng giữa Thủ đô.
Quỳnh Quỳnh
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)