Dự án Cát Linh-Hà Đông: Nên khởi kiện nhà thầu Trung Quốc
Đó là nhận xét của PGS.TS Nguyễn Lê Ninh trước kết luận của KTNN về việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án Cát Linh-Hà Đông.
Kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông được Kiểm toán nhà nước (KTNN) gửi tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã cho thấy hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Đáng lưu ý, KTNN cho rằng, dự án này nay từ đầu đã thấy phải bù lỗ nhưng các bên liên quan lại chưa nêu cách khai thác hiệu quả.
Theo đó, khi phân tích tính kinh tế, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác, dẫn đến kết luận dự án hiệu quả về mặt kinh tế là thiếu chính xác. Phương án tài chính ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên có liên quan chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả.
Cụ thể, lưu lượng khách hàng do đơn vị tư vấn lập dự án giả định tính toán, phân tích cao hơn nhiều so với số liệu dự báo của Viện Chiến lược giao thông vận tải.
“Phân tích hiệu quả tài chính cho thấy tỷ lệ hoàn vốn nội bộ thấp hơn lãi suất vay, giá trị hiện tại ròng âm. Tỷ số lợi ích chi phí xét trên góc độ tài chính cho thấy sẽ phải bù lỗ. Tuy nhiên các đơn vị liên quan chưa thẩm tra, đánh giá nội dung này”, thông báo của KTNN nêu.
“Biết phải bù lỗ mà vẫn làm chứng tỏ chủ đầu tư vô cảm, vô trách nhiệm khi nhận dự án. Nếu có trách nhiệm và quan tâm tới dự án thì đã cân nhắc, hạch toán có đầu có đuôi, làm tuyến đường đó bao nhiêu người sẽ đi, tiền vé thu được bao nhiêu, có đủ lời để trả chi phí xây dựng dự án không…
Nhưng dường như họ không hề lường tới chuyện gì sẽ xảy ra, người bảo làm, người tuân lệnh cứ thế mà làm, còn hệ lụy như thế nào thì để mai tính”, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM thẳng thắn nhận xét khi trao đổi với Đất Việt về kết quả kiểm toán tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Theo ông, một dự án chỉ nên làm khi có lợi ích về tài chính, kinh tế và xã hội, thế nhưng nguyên tắc đó dường như không thể hiện ở dự cát Cát Linh-Hà Đông.
Kể lại những ngày còn quản lý Công ty Phát triển Cơ khí – Điện tử (DEMETEC) chuyên sản xuất các loại xe chữa cháy cách đây mấy chục năm, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho biết, trước khi thực hiện một hợp đồng, các ôn phải làm một bản dự toán về các công việc phải làm, chi phí hết bao nhiêu để hình thành nên sản phẩm, rồi từ đó mới tính chi bao nhiêu cho quản lý, lương công nhân, nộp thuế…
Tất cả những chuyện đó phải là những con số cụ thể và chúng liên quan, chi phối lẫn nhau, nằm trong một phạm vi chặt chẽ.
“Khi ấy, Nhà nước cho phép các xí nghiệp quốc doanh được lãi 6-7%. Sau khi tính toán toàn bộ chi phí, kể cả nộp thuế thì lúc đó mới nhân thêm 107% thì ra được số liệu phải ký”, ông Ninh kể lại.
Trở lại với tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, vị chuyên gia lấy làm ngạc nhiên khi một dự án có tổng mức đầu tư 18.000 tỷ đồng (sau khi điều chỉnh) mà lại để xảy ra những sai sót cơ bản như vậy.
“Nếu là người rõ ràng, rành mạch, biết chuyện sẽ xảy ra thế nào thì không ai làm như vậy. Giao dự án vào tay những người nắm giữ vị trí mà trách nhiệm của vị trí ấy như thế nào, thực hiện ra sao họ cũng không để ý, cơ quan cấp trên giao cho dưới là xong, dưới làm thế nào là việc của bên dưới. Cơ quan cấp trên thiếu trách nhiệm, cơ quan thực hiện cũng không có trách nhiệm thì làm sao có được một dự án hiệu quả.
Chất lượng cán bộ quyết định mọi thành bại, cán bộ thiếu phẩm chất đạo đức, lương tâm, thiếu năng lực, trách nhiệm… nên mới xảy ra chuyện dự án đội vốn khủng, chậm tiến độ bao nhiêu năm. Đó là chưa kể dư luận bấy lâu nay vẫn câu hỏi về chuyện có hay không chuyện lại quả, hoa hồng khi đặt bút ký hợp đồng xây dựng dự án này”, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho biết.
Trong báo cáo kết quả kiểm toán, cơ quan kiểm toán đề nghị xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan đến việc phê duyệt điều chỉnh hơn gấp đôi tổng mức đầu tư và phê duyệt đấu thầu giữa các nhà đầu tư Trung Quốc không đúng.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh bày tỏ quan điểm, dự án sai thì đã sai. Để tránh rơi vào mớ bùng nhùng “sai thì cứ sửa, sửa rồi cứ sai”, điều quan trọng nhất lúc này là phải xem dự án ách tắc ở khâu nào, khơi thông nó để đưa dự án vào vận hành; còn ai sai thì xử sau và sai đến đâu, xử lý đến đó, tránh bên nọ đổ cho bên kia.
“Trường hợp không đàm phán xong các vướng mắc về hợp đồng thì mời trọng tài thuộc nước thứ ba đứng ra phân giải, thậm chí khởi kiện ra tòa quốc tế. Lúc đó mới có phương án giải quyết”, vị chuyên gia đề nghị.
Thành Luân/Đất Việt