Đốt pháo hoa nổ có thể bị phạt đến 10 năm tù
Luật sư lưu ý người dân cần phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ quy định tại Nghị định 137/2020 để tránh bị xử lý hình sự.
Nghị định số 137/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11/1/2021. Nội dung được người dân đặc biệt quan tâm là quy định cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, Tết hoặc cưới hỏi, sinh nhật.
So với quy định trước đây, nghị định mới đã định nghĩa lại các khái niệm pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa. Nhưng nhiều người còn băn khoăn về cách phân biệt các loại pháo hoa được sử dụng và bị cấm. Và người có hành vi mua bán, sử dụng pháo hoa nổ bị xử lý ra sao?
Theo luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội), Nghị định 137 đã tách rõ 2 khái niệm pháo nổ và pháo hoa. Cụ thể, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ, tiếng rít. Pháo nổ gây ra tiếng nổ, tiếng rít và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.
Còn pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc, không gây ra tiếng nổ.
“Nghị định 137 nêu rõ người dân chỉ được sử dụng pháo hoa. Còn pháo nổ và pháo hoa nổ, là các loại có chứa thuốc pháo, vẫn bị cấm triệt để từ trước”, luật sư Tuấn Anh cho biết.
Theo luật sư, các loại pháo hoa không gây ra tiếng nổ đã và đang được dùng phổ biến trong xã hội. Đó là loại que khi đốt phát ra các tia sáng, hoặc nến khi châm lửa phụt ra các loại tia sáng đủ màu sắc. Các loại pháo này thường được bán trong các tiệm bánh sinh nhật, hoặc sử dụng để phát sáng trong đám cưới, hội nghị.
Còn pháo hoa khi đốt phát ra tiếng nổ hay tiếng rít được định nghĩa là pháo nổ hoặc pháo hoa nổ.
Người nào có hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ hay sử dụng pháo hoa nổ có thể bị xử phạt hành chính 5-10 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự ở khung hình phạt tối đa 10 năm tù về tội Sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm hoặc Gây rối trật tự công cộng.
Luật sư nhấn mạnh hiện nay, các loại pháo hoa được nhập lậu, “bán chui” trôi nổi trên thị trường, không có nguồn gốc, xuất xứ đa số là pháo hoa nổ. Loại pháo này bị cấm sử dụng. Do đó, người dân cần tỉnh táo, phân biệt loại pháo hoa nào được sử dụng.
Cũng theo Nghị định 137/2020, người có đủ năng lực hành vi dân sự được phép sử dụng pháo hoa. Song, loại pháo hoa đó phải được phân phối bởi các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, kinh doanh.
Luật sư khuyến cáo người dân có nhu cầu sử dụng pháo hoa cũng cần lựa chọn những cơ sở kinh doanh đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên. Nếu mua pháo hoa từ những cơ sở không được phép kinh doanh hay hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, người sử dụng có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hoàng Lam/ZN