‘Đột ngột’ trở thành khu cách ly tập trung lớn nhất Việt Nam
Rất đột ngột, sáng sớm 7-5, ngay sau khi ghi nhận chùm ca bệnh tại Bệnh viện K, bệnh viện này liền bị cách ly y tế, trở thành khu cách ly tập trung lớn nhất hiện nay với trên 4.000 người gồm bệnh nhân, người chăm sóc và nhân viên y tế.
Bệnh viện thành khu cách ly tập trung, chắc chắn là rất khác với những khu cách ly khác vì hoạt động khám, chữa bệnh hàng ngày vẫn phải diễn ra, chưa kể sự có mặt của gần 1.500 bệnh nhân và cùng con số ấy là người nhà của họ.
Ngủ ghế, ăn cơm suất và… chữa bệnh
Sáng sớm 7-5, như các bộ khác của Bệnh viện K, bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội của Bệnh viện nhận được thông báo bệnh viện cách ly y tế, và bác sĩ Tĩnh nằm trong danh sách sẽ cách ly tại bệnh viện.
“Trong xe có sẵn quần áo và đồ dùng, chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn cho tình huống này. Vào bệnh viện hôm ấy rất nhiều công việc, tôi phụ trách thông tin, tiếp nhận quà tặng từ người dân nên hàng ngày còn chạy từ phòng làm việc tầng 1 xuống tầng 1, mỗi lần đi như vậy là phải mặc trang phục phòng hộ, trời nóng mà bệnh viện phòng dịch, không bật điều hòa nên rất nóng”- bác sĩ Tình kể.
Là bệnh viện và có cả ngàn người bệnh đang chữa bệnh, nên các bác sĩ Bệnh viện K phải tính thật kỹ: bệnh nhân nào có thể tạm hoãn mổ, chờ đến khi hết cách ly, bệnh nhân nào vẫn phải truyền hóa chất, phải xạ trị, nếu không bệnh sẽ tiến triển ảnh hưởng xấu đến sức khỏe…
Nhà ăn bệnh viện cung cấp suất ăn cho cả bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế, những ngày đầu riêng cơ sở K3 Tân Triều là 3.500 suất/bữa, mỗi ngày lên tới trên 10.000 suất ăn.
“Nhà ăn sẽ vận chuyển thực phẩm đến các phòng, mỗi phòng bệnh sẽ cử ra một “trưởng phòng” để tiếp nhận đồ ăn, đồ dùng được chuyển đến, hàng ngày các bác sĩ vẫn chăm sóc sức khỏe, khám, điều trị cho người bệnh, và trong những ngày ấy là lấy mẫu toàn thể bệnh nhân, nhân viên y tế, người nhà để xét nghiệm”- bác sĩ Tĩnh cho biết.
Khác hẳn với những ngày ở nhà, đêm ngủ có giường, 2 ngày đầu rất nhiều y bác sĩ Bệnh viện K cách ly bệnh viện phải ngủ trên ghế, trong phòng làm việc.
“Có rất nhiều người gọi cho tôi hỏi xem anh chị em ngủ ở đâu, ăn uống ra sao… Nghe nói chúng tôi đang ngủ trên ghế trong phòng làm việc, gần 1.000 chiếc giường gấp và rất nhiều chăn mỏng đã được gửi đến. Có người gửi hàng tạ ruốc, muối vừng, nước đóng chai đến tặng người bệnh”- bác sĩ Tĩnh xúc động chia sẻ.
Mắc kẹt “bất ngờ”
Sau khi bệnh viện K bị cách ly ngày 7-5, ngoài 4.000 người bệnh, người nhà người bệnh, cán bộ nhân viên y tế, người lao động tại các cơ sở của bệnh viện thực hiện cách ly tại bệnh viện, thì có nhiều bệnh nhân điều trị ngoại trú và người nhà vẫn đang bị “mắc kẹt” tại các dãy nhà trọ xung quanh khu vực bệnh viện.
Mắc bệnh ung thư vòm họng quái ác, thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại bệnh viện K Tân Triều, ông Xin Văn Sò (55 tuổi, ngụ Hà Giang) có thuê một căn nhà trọ trong con ngõ nhỏ đối diện bệnh viện để thuận tiện cho quá trình điều trị bệnh.
Khi Hà Nội có lệnh cách ly y tế bệnh viện K, ông Sò gần như bị động, mắc kẹt ở trong phòng trọ vì không thể về quê do dịch COVID-19.
“Khi bị mắc kẹt lại ở Hà Nội như thế này, gần như tôi hoàn toàn bị động, cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày tương đối khó khăn. Những cửa hàng xung quanh đây gần như đóng cửa, rất khó mua lương thực, thực phẩm. Trước đó chúng tôi cũng chưa kịp chuẩn bị đồ đạc gì phòng cho trường hợp như thế này vì mọi thứ diễn ra quá nhanh”- ông Sò chia sẻ.
“Bây giờ tôi thấy cơ thể khá mệt mỏi, mấy ngày hôm nay trời còn nắng nữa, việc điều trị gần như không thể diễn ra do dịch bệnh nên tôi rất hoang mang”- ông Sò nói.
Ông Sò chia sẻ thêm, gia đình ông có 2 người con, con trai lớn năm nay đã 24 tuổi, nhưng đang chưa có việc làm. Vì vậy thu nhập chính của cả nhà đều trông cậy vào mấy sào ruộng do vợ ông ở nhà cáng đáng.
“Điều trị ung thư rất tốn kém, tôi thuê phòng ở đây đã mất ba triệu một tháng, chưa kể tiền thuốc thang, giờ cả gia đình trông cây vào mấy sào ruộng do một mình tay vợ tôi ở nhà chăm cấy, mỗi vụ thu hoạch được 5, 6 tạ thóc”- ông Sò rưng rưng.
Ông Sò chia sẻ thêm mong muốn lớn nhất của ông là mong dịch bệnh sớm được đẩy lui, để cho bản thân và những người đang mắc kẹt ở các dãy nhà trọ quanh khu bệnh viện K Tân Triệu sớm được trở lại điều trị cũng như trở về nhà.
Với bà Nguyễn Thị Minh (59 tuổi, đang điều trị ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện K) cũng đang thuê trọ và “mắc kẹt” ở căn nhà trọ đối diện Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Nhưng nhờ có em gái đi cùng chăm sóc, nên dù bị cách ly “bất ngờ”, bà vẫn còn có em gái giúp đỡ chăm sóc ăn uống, sinh hoạt.
“Quán xá đóng cửa nhưng có em gái ở cùng chăm sóc nên tôi vẫn đang chủ động được vấn đề ăn uống, sinh hoạt. Tôi còn may mắn hơn rất nhiều người, tôi thấy nhiều người ở đây khổ lắm, ở một mình phải tự lo mọi thứ dù đang trong cơn bệnh tật”- bà Minh chia sẻ.
Mong ngày trở lại
Trong những ngày cách ly, Bệnh viện K đã mở 2 cuộc trò chuyện trực tuyến với người bệnh từ Bệnh viện, không đủ trang thiết bị như ngày thường, nhưng cuộc trò chuyện thu hút cả triệu người xem. Họ đều là người bệnh, người nhà bệnh nhân, người quan tâm đến bệnh viện… “Họ hỏi rất nhiều câu hỏi về bảo hiểm, về hoạt động khám chữa bệnh và cuộc sống trong bệnh viện những ngày này”- một bác sĩ của Bệnh viện K nói.
Và để thông tin với những người bệnh đang ở trong bệnh viện, mỗi ngày các y bác sĩ đã sản xuất nhiều bản tin, như xét nghiệm được bao nhiêu người, kết quả ra sao, ngày 11-5 chuyển 500 người đến cơ sở cách ly khác để đảm bảo giãn cách bệnh viện như thế nào…
Các y bác sĩ lúc này trở thành phóng viên, sản xuất bản tin phát thanh. Mỗi sáng sớm, hệ thống loa nối đến tận phòng bệnh (sẵn có từ trước) phát nhạc nhẹ, tối là âm thanh du dương để người bệnh dễ ngủ.
Những ngày sắp tới y bác sĩ Bệnh viện K còn rất nhiều công việc, khi hết cách ly dự kiến là 21-5 sẽ có những người bệnh về quê, bệnh viện sẽ làm thông báo để gửi về địa phương, rồi kế hoạch tiếp nhận bệnh nhân trở lại như thế nào, những người nào cần khám, điều trị sớm…
“Những ngày này thật đặc biệt, nhưng nhờ có sự đặc biệt này, chúng tôi thêm hiểu tình cảm mọi người dành cho Bệnh viện K, cho các y bác sĩ, cho những người bệnh ở đây. Chúng tôi đang mong ngày được hoạt động trở lại”- bác sĩ Tĩnh nói với PV.
Bệnh viện K là cơ sở điều trị ung thư tuyến trung ương và là bệnh viện chuyên khoa ung bướu lớn nhất ở Việt Nam. Bệnh viện có 3 cơ sở ở Hà Nội, tiếp nhận khám và điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi ngày.
Từ ngày 7-5 bệnh viện phải cách ly y tế sau khi ghi nhận chùm ca bệnh COVID-19 với 11 bệnh nhân dương tính. Số ca mắc vẫn tiếp tục tăng trong những ngày vừa qua. Nhưng đến hôm nay, cơ bản tình hình đã được kiểm soát tốt. Tại bệnh viện, cơ bản các mẫu xét nghiệm trong hiện nay là âm tính.
LAN ANH – PHẠM TUẤN