Đồng ý mở lại đường bay nội địa thể hiện bản lĩnh của lãnh đạo địa phương
Cho tới hiện tại đã có 16 tỉnh đổng ý mở lại đường bay nội địa. Theo Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, đây thể hiện bản lĩnh của các lãnh đạo địa phương, đáp ứng nguyện vọng của người dân sau khi nới lỏng giãn cách.
16 tỉnh, thành đồng ý mở đường bay
Tại toạ đàm điều kiện mở đường bay an toàn do Báo Giao thông tổ chức sáng 8.10, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, cho biết trong số 21 địa phương được lấy ý kiến, còn 2 tỉnh chưa phản hồi là Quảng Ninh và Quảng Nam.
Các tỉnh, thành đồng ý mở lại đường bay nội địa, gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Cà Mau, Kiên Giang.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, 16 tỉnh, thành đồng tình mở đường bay “thể hiện bản lĩnh của lãnh đạo địa phương, đáp ứng nguyện vọng của người dân sau khi nới lỏng giãn cách”.
Ngoài ra, có 3 tỉnh, thành chưa đồng ý mở lại sân bay là Hà Nội, Hải Phòng, Gia Lai. Mới nhất, Bộ GTVT đã đề nghị 2 phương án mở đường bay đến thủ đô với tần suất thấp.
Về tần suất bay đến Hà Nội, theo ông Cường, Cục Hàng không Việt Nam dự kiến mở dần đường bay theo lộ trình (giai đoạn một trong 10 ngày) chứ không phải có hàng chục chuyến bay dồn ngay đến Hà Nội trong một ngày.
Về việc tại sao Bộ GTVT không chủ động quyết định mở đường bay mà lại lấy kiến từng địa phương, lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam cho biết, quyết định đón khách phụ thuộc năng lực hậu cần, y tế của mỗi tỉnh, thành. Trong bối cảnh địa phương đưa ra kiến nghị tạm thời “đóng cửa”, nếu Bộ GTVT vẫn quyết định mở đường bay sẽ không hiệu quả vì địa phương không đủ năng lực.
“Bộ GTVT đơn phương quyết định mở đường bay sẽ là phi lý, không đảm bảo yêu cầu chống dịch, không bền vững nếu không có sự ủng hộ của các địa phương”, ông Cường nói.
Để khởi động lại các đường bay nội địa cần có sự ủng hộ, quyết đoán của lãnh đạo các địa phương. Các địa phương không phải là một đất nước, một quốc gia có thể tự cung tự cấp toàn bộ, thoát ly với liên kết vùng của các tỉnh lân cận, của quốc gia lân cận.
Ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không
Đóng cửa rất dễ, nhưng sẽ khó cho cả nước Cũng theo ông Cường, sau khi các tỉnh dỡ bỏ Chỉ thị 16 chuyển sang áp dụng Chỉ thị 15 và 15+, người dân được di chuyển thuận lợi hơn. Nhưng nếu giao thông vận tải tiếp tục đóng cửa, buộc người dân phải tự lo.
“Cấm xe máy thì người ta đi bộ, đấy là thực tế. Xe máy đi được thì người ta đi xe máy. Rất nhiều người dân đi tới 2.000 km để ra Bắc. Nếu chúng ta có đường sắt vận chuyển có tổ chức, có luồng xanh để đưa người dân và phương tiện của họ về sẽ tốt hơn.
Những người này không mang mầm bệnh, nhưng có thể lây nhiễm ngay trên đường đi, tại các chốt tụ tập đông người khai báo, xét nghiệm. Cùng đó là nguy cơ tai nạn trên đường, ốm đau, mưa gió. Không mở cửa giao thông, mọi người sẽ tự đi. Quốc lộ bị chặn, họ sẽ đi vòng, đi lối tắt, qua đồng, qua ruộng”, ông Cường nói.
Vì thế, theo lãnh đạo Cục Hàng không, việc mở cửa đi lại là cấp thiết, trong đó có các đường bay nội địa. Hành khách là những người đã tiêm 2 mũi vắc xin rồi, hoặc những người khỏi bệnh không quá 6 tháng. Trước đó, Vietnam Airlines, Vietjet tổ chức bay vào vùng dịch đưa công dân về mà không ai bị lây nhiễm.
“Để khởi động lại các đường bay nội địa cần có sự ủng hộ, quyết đoán của lãnh đạo các địa phương. Các địa phương không phải là một đất nước, một quốc gia có thể tự cung tự cấp toàn bộ, thoát ly với liên kết vùng của các tỉnh lân cận, của quốc gia lân cận.
Việc kết nối lại giao thông vận tải nói chung và hàng không nói riêng cần làm ngay. Bước đầu có thể làm ở quy mô nhỏ để thí điểm rồi mở rộng ra. Đóng cửa rất dễ, nhưng việc này sẽ gây nhiều khó khăn cho cả địa phương, sân bay và kinh tế chung của đất nước”, ông Cường nói.
Nội Bài đóng cửa, bay lại không thể hiệu quả
Đặc biệt, về việc Hà Nội trước đó vẫn giữ quan điểm đóng cửa sân bay Nội Bài, nhiều ý kiến cho rằng đây sân bay quốc gia, thẩm quyền đóng hay mở là của Bộ GTVT và Chính phủ. Trước vấn đề này, theo ông Cường, Hà Nội đang có quan điểm đây là một vùng đặc biệt quan trọng căn cứ theo luật Thủ đô, khi có dịch bệnh hoặc vấn đề gì đó thì “đóng trước, mở sau”.
Cho rằng việc Hà Nội quan ngại phải gánh chịu một làn sóng lây nhiễm có thể thông cảm, song theo ông Cường, sân bay quốc tế Nội Bài là một đầu mối quan trọng của cả nước.
“Nếu chỉ có Tân Sơn Nhất mở cửa, rõ ràng chỉ có một cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng hiệu quả trong hoạt động khai thác. Các đường bay khác sẽ phải về Nội Bài, và nếu phải bay mà không có hành khách thì chắc chắn không có hiệu quả, mà không hiệu quả thì không thể bền vững”, ông Cường nói.
Ở góc độ khác, theo TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế đã phân ra vùng nguy cơ cao và vùng ít nguy cơ. Những vùng ít nguy cơ đi lại với nhau là bình thường, những vùng có nguy cơ cao mà đã tiêm được vắc xin rồi thì đi lại trong vùng cũng có thể bình thường.
“Bộ Y tế vừa qua đã có văn bản khá hợp lý và thoáng. Nếu từ bất kỳ đâu về Hà Nội thì phải thực hiện theo văn bản của Bộ Y tế nếu vùng nguy cơ cao. Còn nếu về thẳng Thanh Hoá hay các tỉnh khác thì Thanh Hoá và tỉnh khác đó phải giải quyết”, ông Phu nói.
Thanh Bình