Dòng vốn đang “rời bỏ”, Việt Nam sẽ lội ngược dòng như thế nào?
Hiện nay, hoạt động đầu tư kinh doanh trên toàn cầu đang đối mặt với rủi ro ngày một lớn khi lạm phát đã bào mòn sức mua của người tiêu dùng. Cộng thêm việc đồng USD liên tục tăng giá nhiều tháng qua đã thúc đẩy một xu hướng rút vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi. Theo ghi nhận, tính tới cuối tháng 9, dòng vốn FDI mới vào Việt Nam đã giảm 43% so với cùng giai đoạn năm 2021. Việt Nam sẽ cần làm gì tới đây để giữ chân và thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài?
Các nền kinh tế mới nổi hiện đang đứng trước một thách thức lớn chưa từng có, khi đồng tiền của một số nước phương Tây, khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài thoái vốn và tìm về trú ẩn dưới đồng USD và GBP.
Sở dĩ có hiện tượng này là do đầu năm 2022, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, xung đột Nga – Ukraine, chính sách “Zero Covid” hà khắc của Trung Quốc đã nối đuôi nhau phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu. Chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy làm nhiều nền kinh tế tăng trưởng kém sắc, cộng thêm những tổn thương để lại do đại dịch, dẫn đến lo ngại về một cơn bão suy thoái đang tới gần và điều đó thúc đẩy các nhà đầu tư tìm tới đồng USD để trú ẩn và bảo toàn lợi nhuận. Hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh trên thế giới cũng theo đó mà hạ nhiệt đi rất nhiều.
Vấn đề là vốn đầu tư nước ngoài đang có một vai trò quan trọng với những nền kinh tế mới nổi, chẳng hạn như trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam hằng năm đều có đóng góp lớn đến từ khối doanh nghiệp FDI. Vì vậy, khi xu hướng rút ròng diễn ra, nó cũng tạo thành một cơn lũ “cuốn phăng” mọi thành quả kinh tế của nhiều nước.
Điển hình rõ hơn về thực tế này chính là Trung Quốc, dòng vốn rút khỏi đây đang dẫn tới áp lực mất giá càng lớn đối với đồng Nhân dân tệ. Các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo đồng tiền Trung Quốc khiến nó tụt giá thảm hại so với đồng USD. Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng theo đó mà hạ thấp kỳ vọng, khi dự báo mới đây cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 2,8% vào năm 2022. Con số này giảm so với mức 4,3% dự báo vào tháng 6/2022.
Nhiều nước khác như Malaysia, Thái Lan… hiện cũng đều đang hứng chịu tác động này, riêng Việt Nam thì cũng đã ghi nhận tình trạng vốn đầu tư FDI không tăng mạnh như những năm trước. Để giữ chân các nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải bán ra một lượng lớn ngoại hối để ổn định tỷ giá, nếu đồng nội tệ nhiều nước đang trượt giá 15-16% thì đồng tiền Việt Nam (VND) hiện nay chỉ mất giá trong ngưỡng 3-4% so với USD. Song, việc ổn định tỷ giá chỉ hiệu quả trong việc giữ chân các dòng vốn cũ, còn dòng vốn mới vẫn dè dặt giải ngân do lo ngại lạm phát làm suy giảm sức mua người tiêu dùng, từ đó làm giảm số lượng các đơn đặt hàng, ảnh hưởng tới lợi nhuận đầu tư.
Do đó, việc thúc đẩy sức mua cho thị trường trong nước lúc này là cực kỳ quan trọng, lạm phát ở Việt Nam đang được kiểm soát chặt chẽ dưới mức 4%. Vì vậy, nên tận dụng điều này để chuyển hưởng thu hút các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đến đầu tư khai thác nhu cầu thị trường. Hiện nay, tuy việc cung tiền để phục vụ cho người dân chi tiêu vẫn bị hạn chế, song Chính phủ vừa qua đã tăng tốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.
Khác với dòng vốn từ tín dụng, dòng vốn đầu tư công có ít rủi ro hơn do tốc độ giải ngân vừa phải, vừa tạo được công ăn việc làm, tăng sức chi tiêu tiêu thụ trong dân, không gây tăng lạm phát mà vừa tạo dựng được cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát kinh tế sau này. Việc kích thích kinh tế qua đầu tư công, kết hợp với việc ổn định tỷ giá so với đồng USD, sẽ giúp các doanh nghiệp nước ngoài đảm bảo được doanh số, lợi nhuận lâu dài khi tham gia vào thị trường Việt Nam.
Cũng vì vậy, việc kiên trì không phá giá đồng nội tệ để phục vụ xuất khẩu là cần thiết, bởi lạm phát đang càn quét sức mua toàn cầu, xuất khẩu sẽ giảm. Nếu VND bị mất giá sẽ dẫn tới “thiệt hại kép”, một là lạm phát nhập khẩu vào Việt Nam, hai là dẫn tới dòng vốn rút khỏi thị trường. Do đó, cần dựa theo tình hình hiện nay mà phát huy hơn nữa thị trường trong nước để Việt Nam là một nơi trú bão an toàn cho các nhà đầu tư. Để hiệu quả hơn, Chính phủ cần làm việc trực tiếp với nhà đầu tư nước ngoài, chỉ cho họ thấy sự hấp dẫn của thị trường nội địa Việt Nam. Tỷ giá ổn định và sức mua cao sẽ là hai yếu tố khiến các nhà đầu tư cân nhắc để tham gia vào thị trường Việt Nam.
Hiện nay các nước phương Tây như Mỹ đang tích cực tăng lãi suất để trị lạm phát. Nhưng tới một lúc nào đó rồi hành động trên cũng sẽ đẩy các nền kinh tế này vào khủng hoảng. Khi có khủng hoảng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải bơm tiền ra để cứu nền kinh tế, điều này sẽ làm phá giá đồng USD khiến thị trường quốc tế quay xe, bán tháo và đổ tiền vào các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, bạc.
Vấn đề là vì sao họ không đổ tiền ra đầu tư kinh doanh ngay mà lại chọn mua các tài sản không lãi suất như vàng? Lý do là vì trong giai đoạn FED tăng lãi suất, các nền kinh tế khác đã bị tổn thương nghiêm trọng. Mỹ xuất khẩu lạm phát, làm nhiều nước vỡ nợ, kinh tế đình đốn và tê liệt một cách thê thảm, sức mua phải mất rất lâu mới phục hồi. Do đó khi bắt đầu lại một chu kỳ mới, thường các tài sản như vàng sẽ lên ngôi, đợi khi nào các nền kinh tế các nước phục hồi, thì dòng tiền mới được đem ra đầu tư.
Đây là lý do mà Việt Nam phải kiên quyết giữ được tỷ giá với USD, và thúc đẩy chi tiêu trong nước ở mức ổn định. Bởi qua đó kinh tế Việt Nam sẽ không bị suy sụp vì lạm phát, từ đó sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý, thúc đẩy họ tìm hiểu về Việt Nam và khi chu kỳ nới lỏng trở lại. Việt Nam sẽ là nước đầu tiên đón nhận một nguồn vốn đầu tư dồi dào, sớm hơn nhiều nước trên thế giới.
Huy Hoàng