Đông Timor được Trung Quốc rót tiền và nỗi sợ ‘con ngựa thành Troy’
Khi bắt đầu thi công dự án cảng nước sâu trị giá 49 triệu USD của Đông Timor đã xảy ra hàng loạt một vụ nổ lớn, theo đúng nghĩa đen.
Chính phủ Đông Timor bỏ qua quy định về thuốc nổ để các nhà thầu Trung Quốc có thể mở đường qua một mỏ đá ở Vịnh Tibar, cách thủ đô Dili 10km về phía tây, và động thổ một dự án nhằm tăng cường kết nối thương mại giữa quốc gia non trẻ nhất ở Đông Nam Á này với cả khu vực.
Đối với một số người, những tiếng nổ lớn vào giữa tháng 7 vừa qua là dấu hiệu của sức mạnh, khi nền kinh tế lớn nhất châu Á đang giúp đỡ một trong những quốc gia láng giềng nhỏ và nghèo nhất. Nhưng với một số người khác, âm thanh đó là lời nhắc nhở về tính chất dễ bị tổn thương của đất nước non trẻ này.
Được thiết kế để tiếp nhận 750.000 container mỗi năm, cảng Vịnh Tibar là một trong 20 dự án mà các công ty nhà nước Trung Quốc đang xây dựng ở Đông Timor.
Đông Timor quay sang nhờ Trung Quốc giúp đỡ phát triển kinh tế và hạ tầng – 2 điểm yếu nhất đã khiến quốc gia này chưa thể tham gia tổ chức khu vực, Asean.
Đông Timor mong muốn gia nhập Asean từ khi độc lập khỏi Indonesia năm 2002, và chính thức nộp đơn gia nhập khối này vào năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa được Asean kết nạp làm thành viên. Tham gia Asean sẽ không chỉ giúp Đông Timor có thêm cơ hội giao thương mà còn là biểu tượng cho sự chuyển đổi của quốc gia 17 tuổi này từ một quốc gia bị chiếm đóng thành một quốc gia có tiếng nói ở khu vực.
Nhưng các nhà quan sát cảnh báo rằng việc Đông Timor “xoay trục” sang Trung Quốc có thể tạo thêm lý do để Đông Timor khó gia nhập Asean. Trước đây, những nước hoài nghi ra mặt mạnh mẽ nhất như Singapore cho rằng nền kinh tế và hạ tầng của Đông Timor sẽ khiến nước này không thể đóng góp, hay tệ hơn là làm cạn nguồn lực của Asean. Giờ họ sợ rằng thành viên thứ 11 có thể trở thành một con ngựa thành Troy cho ảnh hưởng của Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc tại Đông Timor Xiao Jianguo, người có mặt trong lễ động thổ xây dựng cảng nói trên, không tìm cách trấn an lo lắng. Ông nói rằng Bắc Kinh “là một láng giếng tốt, người bạn tốt và đối tác tốt” đang hỗ trợ Đông Timor trở thành thành viên thứ 11 của Asean.
Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ Đông Timor “về đào tạo nguồn lực và phát triển cơ sở vật chất” để giải quyết những lo lắng của Asean về sự phù hợp của Đông Timor nếu trở thành thành viên, ông Xiao nói.
Đại sứ Trung Quốc nói rằng việc Đông Timor tiếp cận Asean sẽ “giúp phát triển quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – Asean lên mức độ cao hơn”.
Các nhà phân tích cho rằng những câu nói đó có thể sẽ rung chuông báo động đối với một số quốc gia thành viên Asean vì họ sợ rằng một quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế có thể gây khó cho mô hình hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận của khối.
Maria Ortúoten, một chuyên gia phân tích ở Philippines, nói rằng Asean vẫn chưa quên bài học chia rẽ khi tìm tiếng nói chung để lên án những hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông. Bà dẫn lại những lần hội nghị cấp cao Asean mà tuyên bố chung bị trì hoãn do một số nước thành viên ủng hộ Trung Quốc không đồng ý với những lời lẽ mạnh mẽ trong văn bản.
“Trung Quốc giờ không e ngại thể hiện sức mạnh”, bà Ortuoste nói.
Kinh tế, chính trị đều yếu
Nền kinh tế của Đông Timor cần giúp đỡ là điều không phải bàn cãi. Cho đến năm 2015, doanh thu từ dầu và khí giúp nền kinh tế có thể vận hành. Nhưng giờ đây Đông Timor đang phụ thuộc vào nguồn thu từ đầu tư của quỹ tài sản nhà nước để duy trì nền kinh tế. Theo tổ chức phi chính phủ địa phương La’o Hamutuk, quỹ này chỉ còn khoảng 16 tỷ USD. Để phát triển quỹ, Đông Timor có thể khai thác nốt mỏ khí còn lại là mỏ Greater Sunrise. Nhưng để làm được điều đó thì cần số vốn tương đương số tiền còn lại trong quỹ.
Dân số Đông Timor thuộc nhóm trẻ nhất thế giới, với độ tuổi trung bình của 1,3 triệu dân là 19 tuổi. Tỷ lệ thất nghiệp ở đây lên đến 40%.
Với những vấn đề như vậy, nhiều người cho rằng Đông Timor nên tìm kiếm đầu tư từ Trung Quốc.
Indonesia, nước trước đây chiếm đóng Đông Timor, từ lâu ủng hộ Đông Timor vào Asean, còn nhóm các nước Malaysia, Brunei và Philippines không ủng hộ, nhưng gần đây đã thay đổi.
Sự thay đổi đó có thể nhờ nỗ lực thuyết phục của Đông Timor và thiết lập phái đoàn ngoại giao ở tất cả các nước thành viên Asean, một tiêu chí để có thể được kết nạp.
Sau 8 năm, dường như Đông Timor có thể tập hợp đủ nhiều ủng hộ để được Asean chấp nhận.
Nhưng trong vấn đề kinh tế, Đông Timor có thể cảm thấy không thể kén chọn nhà đầu tư.
Trung Quốc đã tặng Đông Timor nhiều cơ sở chính phủ và quân đội và xây dựng hầu hết công trình hạ tầng ở nước này. Đông Timor được cho là đang tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh trong dự án khai thác nguồn dầu khí của họ.
Những mối quan hệ kinh tế đó không xuất hiện đột ngột. Trung Quốc đã trở thành một đối tác kinh tế quan trọng kể từ trở thành nước đầu tiên công nhận độc lập cho Đông Timor năm 2002.
Cựu tổng thống José Ramos-Horta nói với báo South China Morning Post rằng Trung Quốc đã tặng trụ sở cho bộ quốc phòng, bộ ngoại giao và văn phòng tổng thống Đông Timor. Bắc Kinh cũng cung cấp các khoản viện trợ nhiều tỷ đô la cho nước này mỗi năm. Đông Timor được nhận làm thành viên của Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á do Trung Quốc khởi xướng từ năm 2017.
Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Đông Timor sẽ sớm không cần tiền Trung Quốc nữa. Đại sứ indonesia tại Đông Timor nói với báo The Jakarta Post trong tháng này rằng dù Indonesia vẫn là nhà đầu tư lớn vào Đông Timor nhưng các công ty Trung Quốc gần đây đề xuất các dự án hạ tầng lớn mà các công ty Indonesia không thể bắt kịp.
Sự lưỡng lự của một số quốc gia Đông Nam Á trong việc chấp nhận Đông Timor vào Asean không chỉ do sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Một số hoài nghi khả năng của Đông Timor trong việc duy trì một nhà nước độc lập.
Đông Timor vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn trong việc duy trì nhà nước. Quốc gia này là thuộc địa của Bồ Đào Nha trong gần 3 thế kỷ, trước khi nhóm chính trị Fretilin tuyên bố độc lập vào năm 1975. Sau đó nước này lại bị Indonesia chiếm đóng và cai trị như một tỉnh, cho đến khi được Liên Hợp quốc can thiệp để khôi phục độc lập vào năm 2002.
Dù tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống thành công vào năm 2017, Đông Timor vẫn đang vật lộn với một bản hiến pháp chưa hoàn thiện, tình trạng tham nhũng và thiếu quy định, theo tổ chức giám sát đầu tưu Fitch Solutions. Tổ chức này đánh giá Đông Timor là một trong những nước có rủi ro về chính trị và kinh tế cao nhất ở châu Á.
Các chuyên gia cho rằng Asean có thể không khước nguyện vọng gia nhập của Đông Timor, nhưng có thể kéo dài quá trình này vô thời hạn.
Cựu tổng thư ký và đại sứ Singapore Ong Keng Yong nói rằng Đông Timor sẽ cần sự ủng hộ của tất cả 10 thành viên để gia nhập khối, vì bất kỳ quyét định nào cũng phải có đồng thuận.
(Theo Tiền Phong)