Đồng tiền mồ hôi, nước mắt không dành cho kẻ trục lợi nhân văn
Sự ra đời “cây ATM gạo” là sáng tạo độc đáo của lòng nhân ái. Nó chính là kết tinh của truyền thống yêu thương, “lá lành đùm lá rách” từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.
Song, nó đã bị một số đối tượng xấu lợi dụng, trục lợi nhân văn, gây nên những cuộc tranh cãi khá căng thẳng xung quanh việc này.
Cụ thể là gần đây, một số người hoàn cảnh không đến mức khó khăn nhưng vì lòng tham cũng đến nhận quà.
Đã xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một phụ nữ “tiện tay” khoắng sạch toàn bộ số quà trên một bàn từ thiện và đặc biệt, đã xuất hiện một số “đội quân” lên tới cả chục người mang sẵn quần áo để tránh nhận diện lần lượt đến các cây ATM để lấy gạo.
Giả sử mỗi ngày họ đến 5 cây ATM, mỗi cây 2 – 4 lần, mỗi lần 3kg X 10 người, số gạo sẽ rất lớn và điều này đồng nghĩa với hàng trăm hoàn cảnh khó khăn thật sự bị cướp đi cơ hội.
Trước thực trang này, các chủ cây ATM gạo đưa ra một số biện pháp để ngăn chặn như nhận dạng khuôn mặt hay dùng loa để nhắc nhở những “vị khách nhẵn mặt”, đến nhiều lần trong ngày nhằm phát giác.
Từ đây, nảy ra hai luồng ý kiến khác nhau.
Phía đồng tình cho rằng cần phải có biện pháp mạnh để ngăn chặn hành vi không tốt này.
Phía phản đối cho rằng làm như vậy là thiếu tôn trọng người khác, nhất là với những người nghèo, vốn nhạy cảm và giàu lòng tự trọng.
Sự việc tiếp tục đẩy lên khi một cô gái bị nhắc nhở bước ra khỏi hàng vì bị cho rằng không đúng đối tượng.
Sau đó, một nhóm người đã tìm đến tận nơi cô gái này ở và phản ánh hoàn cảnh rất khó khăn của cô gái. Tác giả cây ATM gạo đã phải đứng ra xin lỗi với lý do quá nhiều người đến nhận quà nên xảy ra sai sót.
Tóm lại có hai luồng ý kiến. Một cho rằng đã từ thiện thì để tự do và tự nguyện bởi “của cho không bằng cách cho”.
Một cho rằng phải kiểm soát, để lòng tốt không bị lợi dụng.
Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng nếu như mỗi người đến nhận đều là những hoàn cảnh khó khăn, tự giác xếp hàng, không chen ;lấn xô đẩy thì không còn gì bằng.
Thực tế lại không phải và không được như vậy.
Đã có không ít người lợi dụng lòng tốt, trục lợi cho mình và nhiều hình ảnh cho thấy sự hỗn loạn, chen chúc, xô đẩy.
Có lẽ nên đặt mình vào vị trí những ông chủ ATM gạo.
Ngoài việc họ đã bỏ tiền của, công sức lắp đặt cây ATM và tổ chức phân phát, họ còn chịu trách nhiệm rất lớn về lòng tin của các nhà hảo tâm, đó là chuyển quà đến đúng địa chỉ cần hỗ trợ.
Về phía các nhà hảo tâm, họ sẽ nghĩ gì nếu như lòng tốt của họ bị lợi dụng? Và liệu họ có tiếp tục hảo tâm nếu như lòng tốt của họ bị những “con sâu” làm nồi canh bị “rầu” nát?
Thế nên, xin một lần nữa nhắc lại, cuộc sống nhiều khi không cho chúng ta quyền lựa chọn cái tốt nhất mà đành phải chấp nhận chọn cái ít xấu hơn.
Tóm lại, muốn cây ATM gạo “sống” thì phải quản lý chặt chẽ, đến đúng đối tượng, chấp nhận cái ít xấu hơn.
Còn ngược lại, nó sẽ chết yểu bởi các ông chủ ATM thì buồn lòng còn các nhà hảo tâm thì nản chí.
Đồng tiền mồ hôi, nước mắt không thể là miếng mồi béo bở cho những kẻ trục lợi nhân văn.
Bùi Hoàng Tám/DT