+
Aa
-
like
comment

Đồng thuận để xử lý vấn đề biển Đông

28/10/2019 09:22

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng xử lý vấn đề biển Đông khó và phức tạp, nên cần tìm sự đồng thuận của người dân

* Phóng viên: Theo chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội (QH) khóa XIV, sáng 28-10, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của nhà nước năm 2019. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

– Đại biểu QH DƯƠNG TRUNG QUỐC: Nhìn suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nếu chúng ta cộng lại, thời gian chiến tranh với Trung Quốc không phải là quá nhiều, mà thực ra chúng ta có cả một trải nghiệm sống hòa bình với Trung Quốc. Ông cha ta biết cách ứng xử để bảo vệ chủ quyền, có những thời kỳ kéo dài hơn 3 thế kỷ (thời nhà Lê). Như thế rõ ràng chúng ta biết cách sống với Trung Quốc và học hỏi họ rất nhiều, ảnh hưởng không ít mà vẫn giữ được tự chủ – kể cả tự chủ chính trị lẫn văn hóa. Chính là vì chúng ta có nền tảng, mà điều quan trọng nhất tôi cho là phải làm sao có sự đồng thuận giữa người dân và nhà nước.

Đúng là ứng phó với Trung Quốc không dễ dàng. Nó chỉ thành công khi chúng ta nhất trí với nhau.

Việc giữ gìn môi trường hòa bình, hữu nghị – nhất là với Trung Quốc – rất quan trọng, vì Trung Quốc là một nguồn lực rất lớn nếu chúng ta biết cách sống với họ. Thế nhưng, chúng ta phải làm sao tìm được đường lối nhất trí giữa cả người dân và nhà nước.

Đồng thuận để xử lý vấn đề biển Đông - Ảnh 1.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng Quốc hội cần ra nghị quyết về vấn đề biển Đông Ảnh: VĂN DUẨN

* Theo ông, QH cần ứng xử như thế nào?

– Thực ra, nhiều lần có những đại biểu QH, trong đó có tôi và người dân, cũng đã thể hiện: QH nên có thái độ rõ ràng. Đó là chúng ta mong muốn hòa bình, vẫn giữ gìn hữu nghị nhưng phải khẳng định những gì người ta xúc phạm đến chúng ta. Nếu không làm chuyện đó thì tự chúng ta đánh mất chính sức mạnh của mình.

* Ông nhận định tình hình biển Đông đang ở mức độ như thế nào khi thời gian qua, nhóm tàu địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta?

– Tôi cho đây không phải là sự khiêu khích mà có thể nói trong chừng mực nào đó là bài toán thử và họ sẽ xem thái độ của chúng ta như thế nào. Tôi hoàn toàn đồng ý khi cho rằng ứng phó với Trung Quốc là khó và phức tạp. Nhưng càng khó, càng phức tạp thì càng cần tìm sự đồng thuận của người dân.

Tại sao QH không ra một nghị quyết về vấn đề này. Tôi nghĩ quan điểm cũng không xa với đường lối của Đảng, nhà nước chúng ta đang thể hiện nhưng nó cần rõ ràng hơn. Quan trọng nhất là trong nghị quyết bày tỏ như thế nào, mà ở đó tập hợp được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân cũng như sự ủng hộ của quốc tế.

Ý kiến của đại biểu QH bên lề kỳ họp và thảo luận tại tổ

Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng: Kiên trì, không nhân nhượng

Chúng ta đang kiên trì, kiên quyết để bảo vệ cho được toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta kiên trì, không nhân nhượng với bất kỳ ai nếu xâm phạm lãnh thổ của Tổ quốc. Tuy nhiên, chúng ta cũng rất khôn khéo. Nhiều việc chúng ta kiên trì để tạo ra môi trường hòa bình, có hợp tác để đầu tư phát triển đất nước.

Đại biểu QH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): Phải hết sức mềm dẻo

Trong báo cáo kinh tế – xã hội do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 đã đề cập mạnh mẽ về vấn đề chủ quyền.

Chủ quyền là thiêng liêng. Bảo vệ chủ quyền là cương quyết và không hề lùi bước. Tư tưởng này là tư tưởng của Đảng và hiện giờ nhà nước ta đã và đang thực hiện điều đó. Chúng ta cũng cần phải hết sức mềm dẻo. Mềm dẻo ở đây không có nghĩa là nhu nhược. Nhiều người cứ nghĩ mềm dẻo là nhu nhược, hiểu như vậy là không đúng. Kết quả cuối cùng là phải giữ cho được lãnh thổ, biên giới, biển Đông của Tổ quốc nhưng biện pháp phải mềm dẻo.

Chúng ta lựa chọn biện pháp mềm dẻo mà vẫn đạt được kết quả cuối cùng thì vẫn tốt hơn, để trước hết bảo vệ xương máu cho con em chúng ta, nhân dân chúng ta, mà vẫn giữ được chủ quyền, điều đó mới là quan trọng. Trên thực tế, những hoạt động về chính trị, ngoại giao của chúng ta vẫn rất hiệu quả.

Chúng ta có chính nghĩa, chúng ta được quốc tế ủng hộ, đó là điều quan trọng nhất.

Nguyện vọng của cử tri mong muốn tại kỳ họp này là QH ban hành một nghị quyết về công tác đối ngoại, trong đó có vấn đề về biển Đông. Cá nhân tôi cũng mong muốn như vậy.

Đại biểu QH Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước): Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Nên đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về lịch sử chủ quyền của chúng ta. Ngoài ra, khi đi tiếp xúc cử tri, có rất nhiều người hỏi về vấn đề biển Đông thì chúng ta cũng nên cung cấp thông tin và phân tích để cử tri đồng tình và thấy được rằng chủ trương của Đảng, nhà nước như vậy là đúng.

(Theo Người Lao Động)

Bài mới
Đọc nhiều