Động thái mới nhất liên quan đến tuyến đường sắt tốc độ cao 58,7 tỷ USD
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Quyết định 1143/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 3/10. Đây là một trong những động thái mới nhất liên quan đến tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam kể từ tháng 8.
Cụ thể, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo để tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng liên quan đến việc xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quốc gia thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia (không bao gồm các dự án đường sắt đô thị) (gọi tắt là các dự án đường sắt quan trọng quốc gia).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà được phân công thêm nhiệm vụ làm Trưởng Ban; Phó Trưởng Ban thường trực là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Các Phó Trưởng Ban gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn…
Đẩy nhanh tiến độ, tổ chức thực hiện thành công Đề án
Theo Quyết định, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện thành công Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc, huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, tổ chức thực hiện thành công Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến việc thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện các công việc như: Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo đối với Đề án; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất các giải pháp trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các bất cập, phát sinh trong thực tiễn (nếu có).
Được mời các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học tư vấn trong quá trình chỉ đạo thực hiện Đề án…
Bộ Giao thông vận tải được giao là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có nhiệm vụ xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành; giúp Trưởng Ban Chỉ đạo trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; chuẩn bị tài liệu, báo cáo và dự thảo thông báo kết luận của các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của Ban Chỉ đạo; tổng hợp, báo cáo các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Trưởng Ban Chỉ đạo giao.
Tuyến đường sắt tốc độ cao chờ đợi hơn thập kỷ
Từ năm 2005-2010, Chính phủ đã giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư để nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Nghiên cứu được thực hiện bởi Liên danh tư vấn Việt Nam – Nhật Bản (liên danh VJC). Dự án đề xuất quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm chỉ chạy riêng tàu khách, tốc độ thiết kế 350 km/h. Chiều dài tuyến là 1.570 km, với 27 ga và 5 depot.
Dự án dự kiến có điểm đầu từ ga Hà Nội đến Ngọc Hồi (Thanh Trì), điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP HCM), chạy qua 20 tỉnh thành. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 58 tỷ USD bằng nguồn vốn ngân sách.
Tuy nhiên trải qua hơn một thập kỷ, kể từ khi dự án được manh nha, với nhiều diễn biến, nhiều cuộc hội thảo, tranh luận trái chiều giữa các chuyên gia, đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt đầu tư.
Một động thái mới về dự án này và được xem là bước đột phá khi Bộ Chính trị đã đưa ra kết luận liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam vào ngày 08/02. Bộ Chính Trị đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 – 2030 (Hà Nội – Vinh; TP HCM – Nha Trang).
Mới đây nhất, vào tháng 8, trong văn bản vừa gửi đến Thủ tướng, Bộ GTVT xin được đặt lịch báo cáo Bộ Chính trị đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vào cuối năm nay.
Bích Vân