Động thái bất ngờ của chính quyền Tổng thống Biden về Biển Đông
Việc Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định chính quyền của Tổng thống Joe Biden công nhận phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 về Biển Đông là một động thái gây nhiều chú ý.
Hôm qua 22.2, tờ The Philippine Star đưa tin Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Sullivan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Hermogenes Esperon nhân kỷ niệm 70 năm hai nước ký hiệp ước phòng thủ chung.
Không chấp nhận yêu sách của Bắc Kinh
Tờ báo dẫn lời Cố vấn Sullivan, nói trong cuộc điện đàm, rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden khẳng định sự công nhận đối với phán quyết của PCA hồi năm 2016 về Biển Đông. Theo đó, Washington xem phán quyết này “là cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý”.
Tuyên bố của Cố vấn An ninh quốc gia Sullivan không phải là lần đầu tiên Mỹ đưa ra quan điểm về vấn đề Biển Đông. Hồi năm 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4.11 báo cáo “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP): Thúc đẩy tầm nhìn chung” nhằm đánh giá và cập nhật tình hình về chiến lược FOIP mà Washington theo đuổi. Trong đó, báo cáo cũng khẳng định chủ quyền dựa theo bản đồ đường chín đoạn (đường lưỡi bò – NV) mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông đã được chứng minh là vô căn cứ, phi pháp và bất hợp lý.
Đến tháng 6.2020, Mỹ gửi văn bản kháng nghị lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong kháng nghị này, Washington tuyên bố bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh đối với Biển Đông, vì không phù hợp với luật pháp quốc tế dựa trên Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982
Cùng ngày 22.2, trả lời PV, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) nhận xét việc chính quyền của ông Biden đưa ra tuyên bố trên nhằm chứng tỏ Mỹ sẽ đứng về phía các đồng minh như Philippines trong các vấn đề về Biển Đông và thậm chí hơn thế nữa.
“Cùng với các tuyên bố từ chính quyền của Tổng thống Biden về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Đài Loan, Hồng Kông… thì có thể thấy tân chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh rõ ràng về việc không chấp nhận các yêu sách bành trướng của Bắc Kinh đối với Biển Đông, cũng như các hành vi đe dọa nhằm vào Đài Loan”, ông Nagy đánh giá.
Nhiều động thái từ Washington
Thời gian gần đây, Mỹ liên tục có nhiều động thái “răn đe” Trung Quốc về Biển Đông.
Cụ thể, Mỹ đã chỉ trích luật hải cảnh mới của Trung Quốc – vốn cho phép hải cảnh Trung Quốc nổ súng nhằm vào tàu nước ngoài ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Ngày 20.2, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định nước này “quan ngại về ngôn từ trong luật hải cảnh mới vốn rõ ràng ẩn chứa rủi ro tiềm tàng là lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực để củng cố yêu sách của Trung Quốc, các tranh chấp biển và lãnh thổ đang diễn ra ở biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Trước đó, Mỹ đã chủ động nhóm họp các ngoại trưởng thuộc nhóm “bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ). Sau cuộc họp, thông cáo từ Bộ Ngoại giao Nhật cho thấy “bộ tứ” đã thảo luận về luật hải cảnh mới của Trung Quốc.
Về mặt quân sự, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này là USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và USS Nimitz (CVN 68) vừa có cuộc tập trận chung ở Biển Đông vào ngày 9.2.
Cần thêm thời gian
Tuy nhiên, PGS Nagy cho rằng: “Bước tiếp theo mà các đối tác và đồng minh của Washington cần theo dõi là các tuyên bố cần chuyển biến thành hành động cụ thể. Ví dụ, Washington cần phải có hành động để ngăn chặn việc Bắc Kinh thiết lập “vùng xám” ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như ngăn chặn Trung Quốc có hành vi gây căng thẳng ở Biển Đông”.
“Vẫn còn quá sớm để nói các biện pháp cụ thể của chính quyền Tổng thống Biden sẽ là gì. Nhưng chắc chắn trong năm 2021 sẽ là một phép thử chung trong bối cảnh Trung Quốc khó lòng thỏa hiệp vì đây là giai đoạn kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời”, PGS Nagy nhận xét.
Cũng trả lời PV, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định dù chính quyền của Tổng thống Biden khẳng định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ”, nhưng nội các của ông Biden vẫn đang đánh giá lại chính sách đối với Bắc Kinh.
Hơn thế nữa, theo TS Nagao, chính quyền của Tổng thống Biden đang cho thấy có rất nhiều vấn đề đối ngoại cần thực hiện. Nhà Trắng đang định nghĩa các vấn đề Trung Quốc, Nga, CHDCND Triều Tiên, Afghanistan, Iran, Yemen, biến đổi khí hậu… đều là các chủ điểm an ninh quan trọng.
Vì thế, Washington đã hoãn kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan và Đức. Trong bối cảnh muốn giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc, Mỹ khó có thể bố trí đủ ngân sách quốc phòng và nguồn lực đầy đủ cho tất cả.
Tương tự, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) đánh giá dù Mỹ có một số động thái quân sự gần đây ở Biển Đông, nhưng hiện tại vẫn là giai đoạn tân chính quyền của nước này “thăm dò” để xem phản ứng của Bắc Kinh. Chính vì thế, cần có thêm thời gian để hiểu rõ chính sách của ông Biden đối với các vấn đề có liên quan Trung Quốc.
Bắc Kinh vạch lằn ranh đỏ trong quan hệ với Mỹ
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Lam Sảnh với chủ đề “Đưa quan hệ Mỹ – Trung quay về đúng hướng” tại Bắc Kinh ngày 22.2, ông Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc, cho rằng Mỹ – Trung hoàn toàn có khả năng hợp tác trong nhiều vấn đề như thay đổi khí hậu và dịch Covid-19, theo Reuters. Tuy nhiên, ông cho rằng điều đầu tiên hai bên cần làm là tìm cách hàn gắn quan hệ song phương bị tổn hại dưới thời Tổng thống Donald Trump. Đồng thời, chính quyền Tổng thống Joe Biden hãy ngừng ngay những hành động can thiệp vào tình hình nội bộ của Trung Quốc.
Báo giới Mỹ dẫn lời giới quan sát nhận định rằng Tổng thống Biden sẽ đẩy mạnh các quan điểm của Mỹ về những vấn đề như Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng trong nghị trình làm việc với Trung Quốc. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định đây là “vấn đề nội bộ” của nước này, và Mỹ hãy tôn trọng quan điểm của chính quyền Bắc Kinh nếu muốn cải thiện quan hệ song phương. Cùng ngày, ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, nhấn mạnh Bắc Kinh và Washington cần phải xác lập các ranh giới cụ thể trong chính sách đối ngoại hai nước. Theo Đại sứ Trung Quốc, các “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh bao gồm Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng.
Ngô Minh Trí/ TNO