+
Aa
-
like
comment

Đồng Tâm – Đừng để là mảnh đất màu mỡ được các phần tử chống đối triệt để lợi dụng

Đinh Lực - 15/01/2020 11:15

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều bài học đau xót từ sự manh động, liều lĩnh chống người thi hành công vụ… Mới đây, vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã khiến 3 cán bộ chiến sĩ hy sinh làm dư luận hết sức bàng hoàng. Ngày 13/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với 22 đối tượng liên quan đến vụ việc này.

Ngày 9.1, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh. Thông tin ngắn gọn trên từ Bộ Công an gây bàng hoàng dư luận.

Việc tranh chấp, khiếu kiện đất đai tại xã Đồng Tâm theo hồ sơ được thông tin: Năm 1980, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn các xã Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (Chương Mỹ) và Đồng Tâm (Mỹ Đức).

Tháng 10-2014, Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Phòng không – Không quân tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân cho Lữ đoàn 28 (đất quốc phòng) với các mốc giới không thay đổi. Bộ Quốc phòng đã thu hồi 50,03 ha đất do Quân chủng Phòng không – Không quân quản lý giao cho Viettel tiếp nhận quản lý, sử dụng vào công trình quốc phòng A1 (trong đó gồm 46 ha đất thuộc xã Đồng Tâm). Trên một phần diện tích đất này, do có sự buông lỏng của chính quyền địa phương nên đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng, xây dựng trên đất quốc phòng.

Từ tháng 2-2017, khi Viettel tổ chức triển khai thi công dự án, một số công dân khiếu kiện và gây mất trật tự. Cuối tháng 2-2017, công dân khiếu kiện đã vận động người dân trên địa bàn tổ chức ngăn cản, nhổ biển báo “khu vực quân sự”, đưa máy móc nông nghiệp vào cày bừa, canh tác tại khu vực Đồng Sênh…

Nhiều hoạt động vi phạm cũng được thực hiện, như: dựng trái phép một túp lều, đổ đá mạt làm đường, cắm cờ dọc đường, căng băng rôn với nội dung “đất từ đây trở xuống là đất nông nghiệp xã Đồng Tâm”; sử dụng loa phóng thanh tuyên truyền nhiều nội dung trái phép, kích động, tụ tập đông người, kéo lên trụ sở UBND xã, huyện để phản ứng; cắt loa phóng thanh xã; buộc con em nghỉ học…

Bằng chứng cho thấy Lê Đình Kình có móc nối, liên lạc với các đối tượng phản động trong và ngoài nước.

Ngày 15-4-2017, Công an TP Hà Nội đã bắt 4 người gây rối trật tự công cộng tại xã Đồng Tâm nhưng ngay sau đó, một số người tại đây đã bao vây, không cho xe của các lực lượng ra khỏi xã Đồng Tâm; đồng thời đập phá 9 phương tiện và bắt giữ trái phép 38 cán bộ thuộc huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hà Nội. Sau khi đối thoại, những người bị bắt giữ trái phép mới được thả.

Từ đó đến nay, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và các bộ ngành Trung ương đã nỗ lực để thanh tra, giải quyết các khiếu kiện cũng như thuyết phục vận động người dân chấp hành chủ trương, quy định pháp luật. Từ ngày 31-12-2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhân dân, nhiều hộ gia đình tạo điều kiện tốt cho bộ đội hoàn thành công việc.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, sự việc Đồng Tâm như “mảnh đất màu mỡ” được các phần tử cơ hội, chống đối, các tổ chức chống phá đội lốt “xã hội dân sự” triệt để lợi dụng, khai thác, bịa đặt, tung tin giả mạo, thất thiệt, xuyên tạc chủ trương, chính sánh của Nhà nước, kích động người dân chống đối, lôi kéo, bơm tiềm dưới danh nghĩa “ủng hộ quỹ Đồng Thuận”.

Chúng hứa hẹn với các đối tượng chống đối sẽ được tổ chức quốc tế bảo lãnh, tài trợ. Sư can thiệp này khiến một số đối tượng, hám lợi, chống phá chính quyền với tính chất ngày càng côn đồ, manh động. Đỉnh điểm là việc các đối tượng dưới sự chủ mưu của ông Lê Đình Kình đã hành động tàn nhẫn, dùng vũ khí, bom xăng, khiến 3 chiến sĩ Công an hy sinh.

Qua nhiều cuộc kháng chiến người ta đều hy sinh, người ta hiến nhà, hiến cửa, hiến cả máu, người ta còn cắt máu để viết đơn xin xung phong ra ngoài chiến trận. Hiện nay trong thời bình nhưng có những người cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tham ô, tham nhũng thì trước sau gì cũng sẽ bị Nhân dân, Đảng, Nhà nước đưa ra xử lý. Nên không chỉ vì so sánh một vài việc như thế mà lại chống lại lợi ích của Quốc gia, Dân tộc.

Với những hành vi mang tính chất côn đồ, khủng bố của số đối tượng trong Tổ Đồng Thuận thì bản án thích đáng sẽ dành cho những đối tượng nay. Căn cứ theo tính chất, mức độ đến đâu thì xử lý tới đó và phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, bất kể người đó là ai.

Những kẻ không trực tiếp ném lựu đạn vào chiến sĩ công an nhưng là những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, giúp sức, xúi giục đối tượng thực hiện hành vi sử dụng lựu đạn cũng sẽ bị xử lý về tội Giết người với vai trò đồng phạm.

Những kẻ bị xử lý về tội Giết người với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như vậy thì sẽ đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Mặc dù, tất cả những kẻ có hành vi vi phạm đã bị pháp luật trừng trị, xử lý nghiêm, nhưng hiện tượng này vẫn có nguy cơ tái diễn do sự thiếu hiểu biết về pháp luật, sự lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch đối với một số người dân.

Điều này không chỉ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho các nạn nhân trực tiếp và gây bất ổn cho xã hội, mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Do vậy, những kẻ cầm đầu chống đối cần bị trừng trị nghiêm khắc để làm gương cho kẻ khác, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều có những quy định pháp luật về bảo vệ người thi hành công vụ. Các đối tượng chống người thi hành công vụ, hành hung, giết người đang thi hành công vụ đều phải chịu án phạt nặng hơn thông thường. Nguyên do là bởi những người thi hành công vụ được luật pháp bảo vệ để thực hiện trách nhiệm thực thi pháp luật, thiết lập trật tự xã hội, bảo vệ bình yên cho người dân, mà đôi khi họ có thể phải đánh đổi cả tính mạng cho sự bình yên đó.

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội, quản lý và điều hành đất nước. Không một cá nhân hay tổ chức nào được cho mình quyền đứng trên pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều cần phải được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật./.

Đinh Lực

Bài mới
Đọc nhiều