Một lần nhìn thẳng sự thật đầu đuôi vụ việc Đồng Tâm
Năm 2019, cũng trong những ngày giáp Tết, tôi đã từng viết bài “Một cái Tết không trọn vẹn ở Điện Biên” trên facebook cá nhân, năm nay lại thêm một cái tết không trọn vẹn tại ngay giữa Thủ đô Hà Nội. Máu của đồng đội tôi và nước mắt của người dân lại rơi trên một vùng quê ngoại thành phía Tây Nam TP. Hà Nội – xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Vụ việc cưỡng chế đất đai vào sáng ngày 09/01/2020 (tức 15 âm lịch) dẫn đến việc đụng độ giữa lực lượng thực hiện cưỡng chế và tổ Đồng Thuận do người dân Đồng Tâm lập ra; hậu quả nghiêm trọng nhất đã xảy ra, 3 đồng đội của tôi đã hy sinh, 1 đối tượng chống đối bị tiêu diệt và một vài người bị thương. Đến nay, tình hình cơ bản đã ổn định… nhưng tận sâu trong tâm can của mỗi người dân thì chưa ổn định. Vấn đề lòng tin của người dân đối với chính quyền một lần nữa được đặt ra, cách hành xử của cả chính quyền và người dân thêm một lần nữa cần được bàn đến.
Vụ việc Đồng Tâm có thể tóm tắt như sau: Từ năm 2014-2015, Bộ quốc phòng có chủ trương thu hồi đất đại tại khu vực Đồng Sênh phục vụ mục đích An ninh quốc phòng; chính quyền xã Đồng Tâm đã có kế hoạch tái định cư và đến bù cho người dân tại khu vực 59ha phía Tây nền đất cũ của sân bay Miếu Môn. Năm 2017, khi tiến hành cưỡng chế khu vực 59ha, lực lượng chức năng đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của người dân; kết cục 38 cán bộ chính quyền, cảnh sát cơ động bị người dân khống chế, giữ trái phép để đáp trả lại việc chính quyền đã bắt giữ 04 người dân ở Đồng Tâm trước đó. Lúc đấy, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người dân và đưa ra 03 cam kết, một là sẽ trực tiếp chỉ đạo, thanh tra toàn diện lại quá trình quy hoạch khu vực sân bay Miếu Môn; Hai là không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân Đồng Tâm; Ba là làm rõ việc bắt giữ, gây thương tích đối với Lê Đình Kình (người giữa vai trò chủ chốt, đại diện cho người dân Đồng Tâm).
Thanh tra chính phủ đã vào cuộc và kết luận kết quả Thanh tra của TP.Hà Nội là đúng. Khu vực 59ha đất tại đồng Sênh nằm trong ranh giới đất an ninh quốc phòng. Việc khiếu nại của Lê Đình Kình và người dân Đồng Tâm là không đúng, không có cơ sở. Mặt khác tháng 4/2019, 14 cán bộ cơ sở của xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, trong việc buông lỏng quản lý đất công, cấp giấy chứng nhận sai quy định đối với nhiều thửa đất thuộc ranh giới sân bay Miếu Môn. Dựa vào kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ, UBND TP.Hà Nội quyết định cưỡng chế, sau nhiều lần thương lượng đền bù, vận động… và kết quả không mong muốn đã xảy ra.
Với tư cách là một người chiến sỹ và người dân, tôi nghĩ cần có cái nhìn khách quan từ nhiều góc độ lịch sử, pháp lý, từ góc độ người dân và từ cả góc độ chính quyền mới có thể tìm được điểm chung trong việc giải quyết vấn đề trên.
Dưới góc độ lịch sử, pháp lý
Ngày 10/11/1981, UBND tỉnh Hà Sơn Bình ra quyết định số 386 QĐ/UB tiến hành dự án giai đoạn 1, thu hồi khu đất 47,36 ha thuộc phía đông của cánh đồng Đồng Sênh, có đền bù cho hợp tác xã Đồng Tâm và giao cho Bộ tư lệnh công binh và sau này là lữ đoàn 28, Quân chủng phòng không không quân quản lý, sử dụng (khu đất 47,36 ha cạnh sát khu đất 59ha – khu đất đang tranh chấp).
Theo lời kể của Trung tướng, Phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Phú Thái; năm 1968 chính phủ đã cho phép quân đội xây dựng một sân bay bí mật ở khu vực Miếu Môn. Đầu tháng 4/1969 khu sân bay bằng đất và hệ thống ngầm hoàn thành bước một thì ông và đồng đội đã nhận lệnh hạ cánh thử nghiệm. Ông đã ghi chép tọa độ của của sân bay Miếu Môn trong cuốn sổ tay (có hình ảnh kèm theo). Trong phát biểu ông Phạm Phú Thái khẳng định, bản đồ đất trong đó có 59ha thuộc đất quốc phòng có từ năm 1968; đất này không có tranh chấp vì đó là đất quân sự.
Tuy nhiên điều đáng tiếc, là bản đồ quy hoạch khu vực làm sân bay Miếu Môn theo quyết định số 113TTg ngày 14/4/1980 của cố Thủ tướng Đỗ Mười không còn; các bản đồ đều được dựng lại vào năm 2013, 2014, khoảng thời gian Bộ quốc phòng quyết định tái khởi động việc sử dụng đất quốc phòng tại khu vực sân bay Miếu Môn. Chính vì vậy, khu vực 47,36ha có thể khẳng định chắc chắn là đất an ninh quốc phòng còn khu vực phía Tây sân bay Miếu Môn – 59ha – chỉ có tài liệu duy nhất là bản đồ quy hoạch vào năm 2013, 2014 (tài liệu của ông Phạm Phú Thái ghi chép tọa độ không được coi là cơ sở pháp lý).
Các lực lượng cưỡng chế dựa vào quyết định của UBND TP.Hà Nội và quyết định số 551 của Bộ Tham mưu, Bộ Quốc Phòng ngày 27/3/2015 về việc thu hồi lại 47,36ha và 59ha, giao khu đất này cho Tập đoàn viễn thông Viettel xây dựng sản xuất; theo ông Nguyễn Đức Chung thì để xây dựng công trình quốc phòng A1, thuộc bí mật nhà nước.
Đứng dưới góc độ người dân
Theo lý luận của người dân các cột mốc năm 1981 hiện vẫn còn hiện diện tại khu vực Đồng Sênh, tách bạch giữa khu 47,36ha và 59ha. Việc này rõ ràng có hai khu đất riêng biệt, không hề có sự tranh chấp giữa người dân và chính quyền. Vấn đề nằm ở, cả Thanh tra Thủ đô và Thanh tra Chính phủ đều khẳng định diện tích 59ha phía Tây, giáp ranh sân bay cũng là đất quốc phòng nhưng không đưa ra được tấm bản đồ nào.
Ngoài ra, khi cưỡng chế khu đất 59ha này tại sao chính quyền lại “xuống nước” đền bù và bố trí tái định cư? Đất an ninh quốc phòng được quy hoạch năm 1981 và đã được đền bù cho hợp tác xã Đồng Tâm tại sao giờ lại đền bù hay chẳng qua đây chỉ là động thái xoa dịu người dân của chính quyền. Đồng thời nếu là đất quốc phòng, sao vẫn thu thuế đất bình thường từ năm 1981 đến nay.
Việc “mất bản đồ”, gợi cho người dân nhớ đến các vụ việc sai phạm của chính quyền trong thời gian qua. Việc lại vẽ bản đồ năm 2013, 2014 là nhằm chuẩn bị cho quyết định 2015. Nói đến cùng, nếu việc thu hồi đất để xây sân bay về bản chất sẽ khác hơn nhiều so với việc thu hồi đất cho Tập đoàn viễn thông Viettel, dù gì Viettel cũng là một doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận. Việc nghi ngờ của người dân không phải không có lý do.
Ngoài ra, việc không thực hiện đúng cam kết (không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân xã Đồng Tâm) của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và các phát biểu sau này của ông đã tạo thêm những phản ứng tiêu cực và ác cảm của người dân Đồng Tâm đối với các hành xử của chính quyền. Việc quyết định cưỡng chế trong những ngày giáp Tết cũng có thể xem là giọt nước tràn ly đối với người dân.
Dưới góc độ chính quyền
Sự bảo vệ tính nghiêm minh và tinh thần thượng tôn pháp luật của chính quyền không hề sai. Chính quyền Hà Nội và các cơ quan chức năng cao nhất của Nhà nước Việt Nam đã có những động thái tích cực như bồi thường, tái định cư cho các hộ dân có lợi ích liên quan đến diện tích 47.36ha và 59ha, là sự nhượng bộ thực sự, chứ việc đền bù và tái định cư là không nằm trong quy định đền bù giải tỏa đất an ninh quốc phòng. Đồng thời không truy cứu trách nhiệm với ông Lê Đình Kình, người được xem là đứng đầu, chỉ huy của tổ Đồng Tâm về hành vi chống người thi hành công vụ vào năm 2017.
Chính quyền Hà Nội cùng các đoàn thể đã nhiều lần tổ chức vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu đúng, hiểu rõ về các kết luận của Thanh tra thành phố và Thanh tra chính phủ là khách quan, dựa trên những tài liệu sẵn có và căn cứ theo pháp luật hiện hành, kết luận đó đảm bảo đúng và đủ cơ sở pháp lý cho việc lấy lại toàn bộ diện tích 47,36ha và 59ha.
Ngoài ra, việc chính quyền nghi ngờ hoạt động có dấu hiệu tổ chức, chống đối chính quyền của tổ Đồng Tâm là hoàn toàn có cơ sở. Vì từ năm 2017 đến nay, sau khi không tìm được tiếng nói chung, lực lượng chức năng liên tiếp ghi nhận các thông tin, tài liệu về số đối tượng thù địch với Nhà nước Việt Nam thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, động viên, tài trợ tiền, kích động chống đối hoạt động manh động đối với các thành viên tổ Đồng Tâm. Trong quá trình chuẩn bị cưỡng chế, các thông tin về việc tổ Đồng Tâm đặt mua lựu đạn, quả nổ, chuẩn bị vũ khí, bom xăng… Việc kết luận về thái độ chống đối của Tổ Đồng Tâm là không có gì phải bàn cãi.
Vậy tại sao? Chính quyền hay người dân đã sai? Ai là người chịu trách nhiệm cho những hậu quả đã xảy ra
Hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải bị trừng trị thích đáng. Tôi đứng về phía những người đồng đội của tôi đã ngã xuống trong thời bình. Cái thời mà con người không còn xem bạo lực là cách giải quyết mọi vấn đề. Chỉ đáng buồn những người đồng đội của tôi, những người không bao giờ chĩa súng vào đồng bào của mình lại phải đổ máu vì chính những người đồng bào đó; các anh cũng không thể ngờ được rằng mình đã phải đứng ở giữa và chịu áp lực từ cả phía trước và phía sau. Mà đáng lẽ ở vị trí đó phía trước anh phải là kẻ thù, phía sau anh phải là người dân và chính quyền. Có lẽ không ai có thể lường trước sự uất hận đã biến người dân thành những kẻ máu lạnh đến mức như vậy.
Chính quyền coi một số đối tượng ở tổ Đồng Thuận là chống đối, được sự ủng hộ, kích động của số phản động, tham lam vô độ, coi thường pháp luật. Người dân coi chính quyền là những kẻ cướp vì lợi ích của doanh nghiệp mà bỏ qua lợi ích của người dân. Họ không cần tiền vì rõ ràng tính mạng họ còn không cần, đáng tiếc cái họ cần lại là “công lý cho người dân Đồng Tâm ý của người dân Đồng Tâm”. Còn lũ kền kền bên ngoài thì thỏa thích thêu dệt, hòng làm tăng thêm sự căng thẳng của người dân và chính quyền.
Dân tộc Việt Nam không mong muốn có bạo lực trên đất nước này, nhưng trong lịch sử hầu hết các sự kiện, vụ việc chỉ kết thúc và được giải quyết bằng bạo lực… Máu và nước mắt sẽ vẫn đỗ trên quê hương tôi nếu cả người dân và chính quyền không thể có tiếng nói chung. Nếu lòng tin của nhân dân lung lay thì tất yếu vai trò của chính quyền trong điều hành đất nước cũng sẽ vì thế lung lay. Và ngay lúc này, tôi mong chờ sự lên tiếng của đại diện nhà nước ở cấp cao, chứ không phải là những thông báo khô khốc, chung chung, có thể làm tăng thêm mối nghi ngờ của người dân và tạo cơ hội cho những cá nhân có ý đồ xấu thêu dệt, hướng lái dư luận theo ý muốn của mình.
Phan Việt