Đông Nam Á hấp dẫn các siêu cường
Chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines tuần này không chỉ mang ý nghĩa về củng cố quan hệ song phương riêng rẽ mà còn biểu trưng cho những cam kết lâu dài của Mỹ đối với Đông Nam Á.
Trong bài phát biểu tại Viện IISS ở Singapore hôm 27-7, Bộ trưởng Austin đã đề cập tới ba yếu tố quan trọng trong quan hệ của Mỹ đối với khu vực là hồi phục, hợp tác và tái cam kết đối với khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông Austin nhấn mạnh mối quan hệ đối tác là chìa khóa cho khu vực trong thời gian tới. Nó không là sự lựa chọn nữa mà là sự cấp thiết.
Chính sách “ngăn chặn tích hợp”
Dù không đề cập tới Trung Quốc trong bài nói chuyện ngắn nhưng Bộ trưởng Austin khéo léo nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong việc giúp đỡ miễn phí các nước trong khu vực vắc xin và các thiết bị y tế để đối phó với dịch COVID-19 mà không gắn với điều kiện hay ràng buộc, với hàm ý cách Trung Quốc viện trợ với một số nước khác mang tính ràng buộc.
Ông cho rằng sự viện trợ không tính toán của Mỹ là cách những người bạn thực hiện với nhau.
Ngoài ra, nước Mỹ còn có các kế hoạch có tên “Xây lại tốt đẹp hơn” (3B) nhằm giúp đỡ các quốc gia phục hồi sau dịch, cạnh tranh với các sáng kiến tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
Đề cập thẳng thắn về chính sách quốc phòng của Mỹ trong thời gian tới, Bộ trưởng Austin cũng nhắc tới khái niệm “ngăn chặn tích hợp” như một cách tiếp cận của quốc phòng Mỹ trong bối cảnh mới, bằng cách sử dụng sức mạnh hiện có kết hợp với xây dựng sức mạnh mới theo cách tiếp cận liên kết với các quốc gia đối tác, bạn bè và thích nghi phù hợp với bối cảnh an ninh khu vực.
Nói một cách khác, nước Mỹ muốn cải thiện và nâng cao năng lực quốc phòng, thậm chí cả an ninh mạng của các quốc gia đồng minh, đối tác và bạn bè ở khu vực để sau đó có thể tích hợp các chiến lược ngăn chặn các mối đe dọa an ninh ở khu vực.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề cập tới chính sách này ở khu vực Đông Nam Á.
Vào tháng 4-2021, trong bài phát biểu tại Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ở Hawaii, Bộ trưởng Austin cũng đã nhấn mạnh chính sách “ngăn chặn tích hợp” sẽ là hòn đá tảng của quốc phòng Mỹ. Chính sách can dự của Mỹ để thay đổi đối thủ không còn được ưa chuộng nữa.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã lựa chọn cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với đối thủ mình. Lý thuyết “ngăn chặn” đơn thuần từng là chính sách chủ chốt của Mỹ đối phó với Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thời gian để biết liệu Mỹ có thể “tích hợp” sức mạnh của các quốc gia đồng minh và đối tác để ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai hay không. Liệu ông Austin có tới Đông Nam Á với những lời ngoại giao sáo rỗng?
Cạnh tranh giữa các siêu cường
Chỉ vài ngày trước chuyến thăm của ông Austin tới Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng đã lần đầu tiên tới thăm Việt Nam sau khi ông thăm Nhật và Hàn Quốc.
Nhóm tàu tác chiến hàng không mẫu hạm tối tân nhất của nước Anh HMS Queen Elizabeth trong tuần này cũng tiến vào Biển Đông sau khi tập trận với Singapore.
Vào tháng 3-2021, nước Anh đã công bố bản phúc trình với chính sách an ninh – quốc phòng – đối ngoại hướng về châu Á – Thái Bình Dương. Đây là một thay đổi bước ngoặt của nước Anh sau khi rời Liên minh châu Âu.
Trong bài phát biểu tại Hà Nội vào ngày 23-7, Bộ trưởng Ben Wallace nhấn mạnh khu vực Đông Nam Á nằm trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chiếm tới “50% dân số thế giới và 40% GDP của toàn cầu” và tạo ra một số “cơ hội lớn nhất” nhưng cũng có “những mối đe dọa lớn nhất”.
Trước đó, vào tháng 6-2021, Trung Quốc tổ chức Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc nhằm kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác cũng như mong muốn đưa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc – ASEAN lên một tầm cao mới.
Khu vực ASEAN cũng là khu vực ưa thích của ngoại giao Trung Quốc, khi cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Ngoại trưởng Vương Nghị đã thăm một loạt 9 nước Đông Nam Á nhằm thúc đẩy sự hiện diện của Trung Quốc đối với các quốc gia riêng rẽ trong khối.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin tới khu vực Đông Nam Á chỉ là một trong những chỉ dấu về một bức tranh rộng lớn về sự cạnh tranh giữa các cường quốc ở khu vực này.
Nhìn từ quan điểm của nước Mỹ, sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ giúp thúc đẩy sự đoàn kết trong các mạng lưới hay thiết chế đa phương dưới sự dẫn dắt của Mỹ, tái trấn an đồng minh và đối tác về cam kết của Mỹ ở khu vực, cũng như đưa ra các lời cảnh báo tới “đối thủ chiến lược lớn nhất” Trung Quốc rằng Mỹ là một quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương.
Điều này có mặt tích cực là duy trì sự cân bằng sức mạnh quân sự cũng như thiết lập một cấu trúc an ninh khu vực mới với sự tham gia mạnh mẽ hơn của các đồng minh. Trung Quốc cũng sẽ không ngồi yên. Họ có đủ nguồn lực để tập trung vào các mắt xích yếu ở Đông Nam Á.
Nga không đứng ngoài cuộc
Đầu tháng 7-2021, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thăm Lào và Indonesia trong nỗ lực duy trì vị thế của Nga trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là duy trì sự hiện diện của Nga đối với vấn đề Myanmar – một quốc gia thân thiết của nước Nga.
Các cường quốc như Trung Quốc, Nga, Mỹ và các quốc gia đồng minh như Anh, Nhật, Úc, Hàn Quốc đều muốn tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực thông qua một loạt các chuyến thăm cũng như “ngoại giao vắc xin”.
Về mặt chính trị, các cường quốc đều muốn nhắc nhở tất cả các quốc gia khác rằng họ có lợi ích thiết yếu ở đây.
NGUYỄN THÀNH TRUNG