+
Aa
-
like
comment

Đông Nam Á có thể sẽ “gục ngã” trước điều này

Tuệ Ngô - 16/10/2022 14:24

Mới đây, trang SCMP vừa có bài viết nhận định rằng Đông Nam Á sẽ là khu vực “không thể đứng vững” trước tác động của biến đổi khí hậu.

Lũ lụt ở Myanmar vào tháng trước. Ảnh: Tân Hoa Xã

Một cuộc khảo sát do Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore thực hiện từ ngày 8/6 đến 12/7/2022 với sự tham gia của 1.386 người, trong đó 90,4% ý kiến đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về hiện tượng biến đổi khí hậu tại khu vực Đông Nam Á.

Hầu hết người dân Đông Nam Á (khoảng 31,2% người tham gia khảo sát) tại 10 quốc gia ASEAN nói rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với an ninh lương thực. Thêm vào đó, hơn 60% ý kiến đều hy vọng các quốc gia trong khu vực nên ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới ngay lập tức. Và 72,5% người tham gia khảo sát đều nhất trí muốn cắt giảm phụ thuộc vào than đá vào thời điểm hiện tại.

Ông Choi Shing Kwok, Giám đốc điều hành Viện ISEAS-Yusof Ishak cho biết các thách thức về năng lượng hay mất an ninh lương thực ngày càng trở nên phức tạp hơn, xuất phát từ những lý do là dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng leo thang ở Ukraine và biến đổi khí hậu.

Jakarta là thành phố chìm nhanh nhất thế giới

“Những tín hiệu này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực và thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Vì vậy, xây dựng biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành một phần quan trọng đối với quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bởi Đông Nam Á luôn đặt ưu tiên hàng đầu ở lĩnh vực này”, ông Kwok nói thêm.

Ông Sharon Seah, thành viên cấp cao và là điều phối viên của Chương trình Biến đổi Khí hậu ở Đông Nam Á tại Viện ISEAS cho biết các lo ngại về biến đổi khí hậu đang gia tăng hàng năm trong bối cảnh Đông Nam Á tiếp tục phải đối phó với hậu quả của thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra chưa kịp thời phát huy hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện lũ lụt được xem là mối đe dọa nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á, sau đó đến nắng nóng khắc nghiệt và lở đất do mưa lũ. Báo cáo cũng cho biết những hiện tượng biến đổi khí hậu rõ ràng nhất trong khu vực vào năm 2021 là lũ lụt, mất đa dạng sinh học và mực nước biển dâng cao.

Theo SCMP, các quốc gia chịu tác động lớn của lũ lụt phải kể đến Campuchia và Malaysia. Khu vực ngập lụt Tonle Sap của Campuchia, huyết mạch kinh tế của nước này đang phải chịu những đợt lũ lụt lớn hàng năm. Theo khảo sát, khoảng 729 trường hợp tử vong do lũ lụt trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2020.

Khu vực ngập lụt Tonle Sap của Campuchia, huyết mạch kinh tế của nước này đang phải chịu những đợt lũ lụt lớn hàng năm.

Bên cạnh đó, Myanmar liên tục chứng kiến nắng nóng khắc nghiệt và lở đất liên tục do mưa. Những hiện tượng này đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Ở các vùng nông thôn, hầu hết người dân đều nhận định hạn hán là một trong ba vấn đề khí hậu khắc nghiệt ở khu vực. Ông Seah từ Viện ISEAS nói rằng những ảnh hưởng này là do hậu quả của hạn hán và những người sống ở nông thôn sẽ cảm nhận trực tiếp hơn.

Đánh giá trong thang điểm từ 1 đến 10, người dân Đông Nam Á xếp hạng khả năng bị tác động của biến đổi khí hậu ở mức 7,2. Còn theo ý kiến khảo sát, người dân Philippines cho rằng những tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực có thể lên mức 8,4.

Hiện tại, Đông Nam Á ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua khử cacbon trên toàn cầu. Là khu vực có lượng phát thải tăng nhanh nhất trên thế giới cũng như mức độ dễ bị tổn thương cao trước các tác động khí hậu, các nước ASEAN có vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, gần ba năm khủng hoảng kép đã làm lung lay cam kết của Đông Nam Á đối với môi trường. Trong thời kỳ đại dịch, hầu hết các quốc gia đều chi cho việc hỗ trợ ngân sách khẩn cấp. Một nghiên cứu cho thấy sáu nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á không phân bổ bất kỳ khoản chi tiêu phục hồi nào cho môi trường. Điều này bất chấp tác động cấp số nhân lớn hơn và ác liệt hơn đến chi tiêu cho Hiệp Định Xanh.

Ở khu vực Đông Nam Á, việc xây dựng các chính sách thích ứng đang được tiến hành nhưng chủ yếu vẫn đang ở giai đoạn đầu. Các ý kiến trong khảo sát hầu hết cũng cho rằng việc thiếu nguồn lực tài chính, thiếu hoạt động nghiên cứu và phát triển, công nghệ và chuyên môn cũng như chưa đủ nguồn lực thay thế là những trở ngại lớn để ứng phó với biến đổi khí hậu. Sự phức tạp của thách thức đang gây ra nhiều khó khăn và các chi phí liên quan sẽ trở thành gánh nặng cho các quốc gia trong tương lai.

Tuệ Ngô (Theo SCMP)

Bài mới
Đọc nhiều