+
Aa
-
like
comment

Đông Nam Á – chiến trường địa chính trị và kinh tế nóng bỏng

Lan Hoa - 16/09/2022 13:35

Theo các chuyên gia, Đông Nam Á đang trở thành “chiến trường địa chính trị và kinh tế nóng bỏng” giữa Mỹ và Trung Quốc, khi những căng thẳng giữa hai cường quốc đang ngày một gia tăng.

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ.

Nằm ở vị trí trung tâm kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và lớn thứ 5 thế giới. Với dân số xấp xỉ 700 triệu người cùng với các chính sách hướng ngoại rộng mở, ASEAN được đánh giá là có tiềm năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cực kỳ lớn.

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới trong vòng 10 năm tới. Còn theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo, đến năm 2030, 70% dân số ASEAN sẽ trở thành tầng lớp trung lưu, mang lại cơ hội kinh doanh khổng lồ và tạo ra thị trường tiêu dùng trị giá khoảng 4.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Thêm vào đó, nền kinh tế kỹ thuật số và ngành công nghiệp bán dẫn cũng được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ASEAN. Theo ước tính, ASEAN đang trên đường trở thành nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

ASEAN đang bước vào thập kỷ kỹ thuật số, được thúc đẩy bởi một cơ sở người tiêu dùng và công ty thương mại ngày càng lớn, với thương mại điện tử và nhu cầu thực phẩm đang tăng lên nhanh chóng, theo Reuters.

Ngoài ra, ASEAN cũng là một điểm đến quan trọng đối với ngành sản xuất chất bán dẫn toàn cầu khi các tập đoàn chuyển hướng sang các khu vực có chi phí thấp hơn. ASEAN đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất chip toàn cầu, chiếm gần 30% hoạt động thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn. Khi ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử trong nước phát triển, các hãng sản xuất chip khổng lồ toàn cầu đã tăng gấp đôi đầu tư vào các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Năm 2022, ASEAN trở nên nổi bật hơn khi là nơi diễn ra 3 sự kiện quốc tế lớn, bao gồm Hội nghị cấp cao ASEAN ở Campuchia, Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Indonesia và Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Thái Lan.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới Trung Quốc

Dấu hiệu mới nhất về tầm quan trọng của ASEAN là chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới Trung Quốc từ ngày 25 đến 26/7. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một nước thành viên ASEAN kể từ Thế vận hội mùa Đông tháng 2/2022. Theo các chuyên gia, Indonesia hiện là đối tác quan trọng của Trung Quốc trong việc mở rộng ngoại giao với toàn khu vực. Vậy nên, nếu quan hệ Trung Quốc – Indonesia ngày càng sâu sắc thì sự hợp tác giữa Trung Quốc với tất cả các nước thành viên ASEAN cũng ngày càng chặt chẽ hơn.

Trước đó, giữa tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã tiến hành một cuộc vận động ngoại giao chớp nhoáng kéo dài 2 tuần trên khắp Đông Nam Á như một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa ra một giải pháp thay thế cho Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.

Tương tự, trong thời gian gần đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang tìm cách khẳng định lại ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á. Kể từ nửa cuối năm 2021, các quan chức cấp cao Mỹ, trong đó có Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã thực hiện một loạt chuyến thăm tới Đông Nam Á. Tháng 5/2022, Mỹ đã tổ chức Hội nghị cấp cao Mỹ – ASEAN đầu tiên tại thủ đô Washington D.C, nơi mà ông Joe Biden khẳng định quan hệ giữa Mỹ và ASEAN đã bước vào một kỷ nguyên mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến thăm chính thức Việt Nam

Có thể thấy rằng, cạnh tranh giữa hai cường quốc có nhiều tác động đối với khu vực, với nhiều cơ hội xen lẫn thách thức. Nhằm phục vụ nhu cầu tập hợp lực lượng trong cuộc tranh giành lợi ích và ảnh hưởng, các cơ chế do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt tạo ra nhiều cơ hội cho các nước nhỏ hơn thúc đẩy hợp tác trên các kênh song phương, đa phương và tiểu đa phương. Điều đó giúp các nước ASEAN có thêm điều kiện tiếp cận thị trường, đầu tư, công nghệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh thông qua khả năng đa dạng hóa các nguồn cung vũ khí, thiết bị quốc phòng, xây dựng năng lực và tập trận chung.

Do đó, nhìn chung các nước ASEAN đều triển khai chính sách linh hoạt, thực dụng, tránh việc “chọn bên”, vừa tranh thủ tận dụng cơ hội hợp tác kinh tế với Trung Quốc, vừa tranh thủ Mỹ về mặt an ninh, quốc phòng. Đồng thời củng cố quan hệ với các nước khác, như Nhật Bản, Ấn Độ để hạn chế các thách thức từ quan hệ hợp tác và cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc.

Mở rộng vấn đề, một trong những lý do mà các nước ASEAN theo đuổi chính sách cân bằng trong quan hệ với các nước lớn là bởi họ là những nước nhỏ hơn. Quan hệ kinh tế, an ninh hoặc cả hai lĩnh vực giữa các nước ASEAN với các nước lớn trong nhiều trường hợp chặt chẽ hơn quan hệ giữa các thành viên với nhau.

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 tại Phnom Penh (Campuchia).

Giữ cân bằng trong quan hệ với các nước lớn được cho là sự lựa chọn tối ưu đối với những nước nhỏ hơn muốn thu hút được nhiều nguồn lực để bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế, duy trì sự tự chủ chiến lược, cũng như ngăn ngừa khả năng một cường quốc giành được vai trò bá chủ khu vực.

Có thể thấy rằng, trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có xu hướng quyết liệt hơn, khả năng một số nước thành viên ASEAN đi theo hướng riêng theo trục quan hệ của mình với các nước lớn có xu hướng gia tăng, từ đó khiến việc giữ vững đoàn kết và nhất trí trong ASEAN trở nên khó khăn hơn.

Ở vào vị trí tâm điểm của cạnh tranh nước lớn, nếu sự gắn kết của ASEAN tiếp tục được giữ vững, các cơ chế do ASEAN làm nòng cốt sẽ tiếp tục được bảo đảm và vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác, cũng như cấu trúc khu vực sẽ được duy trì. ASEAN giữ được giá trị khi các nước thành viên vẫn tiếp tục theo đuổi, nuôi dưỡng sự trung lập và tự chủ.

Thế giới đang theo dõi xem ASEAN sẽ đảm nhiệm ra sao vai trò cầu nối tiềm năng trong các cuộc đối thoại ngoại giao cấp cao, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang gia tăng và chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vẫn tiếp diễn.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều