+
Aa
-
like
comment

Đồng Nai vượt 1.000 ca, yêu cầu các khu công nghiệp xét nghiệm cho 100% công nhân

18/07/2021 09:55

Sau đúng 1 tháng đợt dịch thứ 4 bùng phát, Đồng Nai vượt mốc 1.000 ca mắc COVID-19, Ban Quản lý các khu công nghiệp yêu cầu tất cả doanh nghiệp trong các khu công nghiệp xét nghiệm cho 100% công nhân.

Nhân viên CDC Đồng Nai xịt khử khuẩn cho nhau sau khi hoàn tất lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại một điểm phong tỏa ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa – Ảnh: HOÀN LÊ

Ngày 18-7, ông Phan Huy Anh Vũ – giám đốc Sở Y tế Đồng Nai – cho biết toàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 98 ca dương tính với COVID-19.

TP Biên Hòa ghi nhận nhiều nhất với 43 ca, chủ yếu tại khu phong tỏa; Vĩnh Cửu 32 ca, chủ yếu liên quan ổ dịch tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam, Trảng Bom 13 ca… Trong đó, 4 nhân viên chống dịch của Trạm y tế xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) được xác định dương tính với COVID-19.

Như vậy từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào ngày 18-6 đến nay, Đồng Nai đã ghi nhận tổng cộng 1.060 ca. Đa số phát hiện trong các khu cách ly, phong tỏa, một số phát hiện từ khám sàng lọc test nhanh ở các phòng khám, bệnh viện.

Trước đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) có văn bản đề nghị tất cả doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp phải tổ chức xét nghiệm cho 100% người lao động. Doanh nghiệp có thể tự thực hiện hoặc thông qua các cơ quan, đơn vị chức năng.

Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm test nhanh cho công nhân Công ty TNHH giày Dona Standard (KCN Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) – Ảnh: H.Đ.

Bên cạnh đó, DIZA yêu cầu toàn bộ doanh nghiệp trong khu công nghiệp tổ chức sản xuất, triển khai thực hiện 1 trong 2 phương án gồm “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”.

Trong đó, “3 tại chỗ” là sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ (tạm trú tập trung trong doanh nghiệp). Còn “1 cung đường” là đường vận chuyển công nhân từ nơi lưu trú đến nơi sản xuất, “2 địa điểm” là nơi lưu trú của người lao động và nơi sản xuất của doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn phải bố trí thực hiện 2 phương án trên với mức cao nhất số lượng công nhân trực tiếp sản xuất; doanh nghiệp sắp xếp, điều chỉnh hợp lý quy mô sản xuất, đáp ứng yêu cầu giãn cách người lao động phù hợp nhất, thực hiện tốt phương án phòng dịch.

Khuyến khích các doanh nghiệp không thực hiện các phương án trên có thể xem xét, yêu cầu dừng hoạt động. Các địa điểm nhà xưởng cho thuê còn trống trong khu công nghiệp ưu tiên doanh nghiệp bên trong thuê tạm trú.

356 doanh nghiệp đăng ký tiêm vắc xin cho lao động nước ngoài

Theo thống kê của DIZA, đến nay có 356 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đăng ký nhu cầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 3.057 lao động nước ngoài. Trong đó có 1.173 nhà quản lý, 1.501 chuyên gia và 385 lao động kỹ thuật.

A LỘC

Bài mới
Đọc nhiều