Đồng Nai vừa tiếp nhận 500.000 liều vắc xin Sinopharm và đang lên kế hoạch tiêm cho người dân ở vùng đỏ, công nhân các khu công nghiệp và doanh nghiệp 3 tại chỗ ngay trong tuần này.
Sáng 31.8, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Đồng Nai, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết Sở Y tế đã ban hành kế hoạch 7227 (ngày 30.8) để tiêm 500.000 liều vắc xin Sinopharm cho người dân vùng nguy cơ cao và 120.000 liều vắc xin Pfizer tiêm cho người trên 65 tuổi.
Tiêm vắc xin sớm ngày nào, trở lại sản xuất sớm ngày đó
Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ cho biết hôm qua, Công ty Changshin ở xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai (doanh nghiệp có số công nhân bị nhiễm Covid-19 nhiều, đang cho hơn 41.000 công nhân tạm nghỉ việc) đã có văn bản đề nghị xin 5.000 liều vắc xin Sinopharm để tiêm cho công nhân.
Giải thích về tác dụng ngăn ngừa Covid-19 của loại vắc xin Sinopharm (Đồng Nai mới nhận 500.000 liều hôm 29.8) được nhiều người dân quan tâm, ông Vũ cho biết vắc xin Sinopharm đã có hàng tỉ người dân ở Trung Quốc tiêm, nhiều nước ở châu Phi, Mông Cổ và một số quốc gia khác đã tiêm loại vắc xin này. Sinopharm cũng đã được 64 quốc gia trên thế giới phê duyệt.
“Các thống kê y học cho thấy, tất cả những người được tiêm mũi 1 rất ít khả năng tử vong. Trong bối cảnh vắc xin khan hiếm trên toàn cầu, chỉ cần tiêm đủ 1 mũi thì tỷ lệ tử vong cũng đã giảm rất rõ, không phân biệt bất cứ loại vắc xin nào”, ông Vũ nói.
“Sở Y tế, lãnh đạo các địa phương, các cơ quan báo đài trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu, vắc xin Sinopharm cũng tốt như các loại vắc xin khác. Chúng ta không ép được dân đâu, nên phải kiên trì giải thích cho dân hiểu. Khi người dân đã hiểu, đã thông và ngộ ra được thì họ sẽ hành động đúng đắn”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nói và dẫn lại thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính thường nhấn mạnh: “Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”.
Tại Đồng Nai, ông Vũ cho hay trước đó, ngành y tế cũng đã tổ chức tiêm 3.000 liều vắc xin Sinopharm cho chuyên gia và công nhân Trung Quốc đang làm việc tại các công ty trên địa bàn (Bệnh viện Đại học y dược Shingmark Đồng Nai thực hiện). Sau khi tiêm, không có bất cứ biến chứng nào xảy ra.
“Chúng tôi quan niệm không phân biệt vắc xin, cứ vùng nào có nguy cơ cao là tiêm. Hiện, Đồng Nai đã tiêm được 800.000 liều vắc xin các loại trên tổng số 2,2 triệu dân cần tiêm, thêm 200.000 liều Sinopharm nữa là đạt trên 1 triệu dân được tiêm đủ mũi 1. Chỉ cần phủ vắc xin mũi 1 cho trên 2,2 triệu dân là chúng ta cũng đã thành công rồi”, ông Vũ nhấn mạnh và cho biết, việc tiêm vắc xin cũng quan trọng như việc tầm soát diện rộng hiện nay, sớm ngày nào thì cơ hội trở lại sản xuất sớm ngày đó.
Thực hiện cuốn chiếu theo vùng đỏ
Liên quan đến việc tiêm 500.000 liều vắc xin Sinopharm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, cho biết Sở Y tế đã trình kế hoạch và sáng nay 31.8, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất, đồng thời yêu cầu Sở Y tế tiến hành ngay việc tiêm vắc xin cho kịp thời. Bà Hoàng lưu ý có 4 địa phương đang gặp áp lực lớn là TP.Biên Hòa và 3 huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom cần thêm nhân lực y tế hỗ trợ, đặc biệt là ưu tiên nhân lực cho TP.Biên Hòa.
“Chiến dịch tiêm chủng lần này phải thực hiện nhất quán, cuốn chiếu theo vùng đỏ. Vắc xin về đến đâu thì phân bổ ngay và tiêm cho người dân vùng đỏ, doanh nghiệp “3 tại chỗ” và công nhân các khu công nghiệp đến đó”, bà Hoàng nói.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giao ban sáng 31.8, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý việc tiêm vắc xin và xét nghiệm tầm soát diện rộng cần phải được làm bài bản, khoa học. Theo ông Lĩnh, nếu tổ chức không hợp lý, để sơ hở thì nguy cơ lây lan Covid-19 rất cao. Do vậy, ông Lĩnh yêu cầu Sở Y tế, lãnh đạo các địa phương quan tâm, phối hợp chặt chẽ cả 2 nhiệm vụ ưu tiên là tiêm chủng vắc xin và tầm soát diện rộng.
“Chúng ta cần tập trung nhân lực để tổ chức tiêm 500.000 liều vắc xin Sinopharm ngay trong tuần này, chậm nhất là đầu tuần sau phải hoàn tất. Phải tiêm dứt điểm thì mới tiếp tục đề nghị T.Ư cấp tiếp vắc xin để tiêm cho các khu vực còn lại. Hiện nay, các bệnh viện dã chiến, khu cách ly đỡ áp lực hơn, bệnh nhân xuất viện nhiều, nhập viện ít nên chúng ta có đủ nhân lực dồn sức cho tiêm chủng, để tuần sau nữa lại có tiếp vắc xin về”, ông Lĩnh nói.
Lê Bình