Đóng cửa nhà máy, khó khăn lắm vẫn trả lương cho anh em
Do có sự chuẩn bị từ trước, các DN đã thích nghi với cách làm việc từ xa để đối phó với dịch bệnh và thực hiện nghiêm chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ. Mọi hoạt động của DN vẫn diễn ra suôn sẻ.
Công ty Ford Việt Nam đã ngừng sản xuất từ ngày 26/3. Thời gian này, nhà máy đóng cửa, người lao động được nghỉ việc. Tuy nhiên, vẫn các bộ phận kinh doanh, hành chính, văn phòng,… vẫn hoạt động bình thường.
Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly 15 ngày, tất cả nhân viên công ty đã chuyển sang làm việc từ xa, tại nhà. Các phần mềm phục vụ cho công việc được triển khai đến mọi nhân viên công ty. Các hoạt động như họp, báo cáo công việc kinh doanh, nhiệm vụ cá nhân thực hiện trong ngày hay các vấn đề phát sinh đột xuất đều được trao đổi online. Một số cán bộ phải đến công ty nhưng giữ khoảng cách theo quy định và hạn chế giao tiếp trực tiếp với nhau.
Với người lao động nghỉ việc thực hiện chế độ theo quy định, cụ thể được hưởng 75% lương cùng các chế độ khác. Còn những lao động đến công ty và làm việc từ xa vẫn được hưởng 100% lương.
Trao đổi với PV, đại diện Công ty Bia Hà Nội cho biết hoạt động sản xuất hiện nay trong giai đoạn cầm chừng, đơn hàng giảm, do vậy người lao động cũng được nghỉ việc. Với khối kinh doanh, văn phòng đều thực hiện làm việc từ xa. Chỉ những việc cần thiết mới phải đến công ty để ký các giấy tờ, điều hành DN hoàn toàn từ xa thông qua mạng Internet và phần mềm dành cho công việc. Hoạt động của DN vẫn được kiểm soát tốt. Người lao động nghỉ việc, được hưởng lương cơ bản như mức lương đóng bảo hiểm. Còn người làm việc từ xa vẫn được hưởng 100% lương. Mọi chế độ khác vẫn được đảm bảo đầy đủ.
Công ty Toyota Việt Nam khẳng định luôn coi sự an toàn và sức khỏe của nhân viên là ưu tiên hàng đầu. “Chúng tôi khuyến khích nhân viên ở nhà và làm việc tại nhà, sử dụng các phần mềm hỗ trợ làm việc online để đảm bảo an toàn theo quy định hạn chế tụ tập đông người của Chính phủ. Toyota Việt Nam luôn tôn trọng và tuân thủ chặt chẽ Luật Lao động để đảm bảo quyền lợi của nhân viên”, đại diện công ty cho hay.
Theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty TC Motor, nhà máy ô tô tại Gia Viễn đã tạm ngừng hoạt động trong 2 tuần, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khối sản xuất được nghỉ việc nhưng các bộ phận khác tại văn phòng Hà Nội vẫn hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, công ty đã tạo điều kiện để nhân viên và cán bộ làm việc tại nhà nhằm đảm bảo sức khỏe. Ông Đức chia sẻ: “Chúng tôi đã triển khai các phần mềm làm việc từ xa và khuyến khích người lao động phát huy tinh thần sáng tạo, vượt qua thách thức, hoàn thành nhiệm vụ. Mọi hoạt động của khối kinh doanh và văn phòng vẫn rất nhịp nhàng, không bị gián đoạn. Lao động nghỉ việc trong thời gian này vẫn được đảm bảo các chế độ theo đúng quy định của pháp luật”.
Do có sự chuẩn bị từ trước, hầu hết các DN cho biết đã ngay lập tức thích nghi với cách làm việc mới, hạn chế ra ngoài. Mọi công việc cần thiết diễn ra theo chiều hướng thuận lợi, không gặp phải những khó khăn gì lớn. Làm việc tại nhà giúp giảm thời gian đi lại trên đường, hệ thống phần mềm hỗ trợ tốt và thân thiện, dễ sử dụng cho nên công việc vẫn diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, theo một số DN, lo ngại nhất là Internet gặp trục trặc hoặc tín hiệu chậm thì công việc cũng bị ảnh hưởng theo. Nhiều khi phải kéo dài thời gian làm việc hơn 8 tiếng/ngày vì tín hiệu đường truyền chậm. Với tình huống này, việc điều hành cũng phải linh hoạt và yêu cầu nhân viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ.
“Sau thời gian cách ly, chúng tôi sẽ đánh giá lại hiệu quả của hình thức làm việc từ xa. Nếu thấy có hiệu quả thực sự so với việc phải đến văn phòng thì công ty sẽ thay đổi cách quản lý và điều hành DN”, ông Lê Ngọc Đức nói.
Song, điều đáng lo ngại là nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, thời gian cách ly không chỉ 2 tuần mà kéo dài hơn thì sản xuất phải ngừng, nhu cầu thấp dẫn đến doanh số giảm, khi đó khó khăn là điều khó tránh với các DN. Bởi, chi phí cơ bản vẫn lớn trong khi nguồn thu từ kinh doanh giảm mạnh, DN sẽ mất cân đối tài chính. Các DN vẫn đang phải gồng mình để duy trì mọi hoạt động và mong muốn có những gói kích cầu của Chính phủ để hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ảnh hưởng, đảm bảo đời sống người lao động.
Trần Thủy/VNN