Động cơ nào giúp xe tăng gần trăm tấn lao băng băng trên đường?
Cung cấp sức mạnh cho cỗ xe tăng nặng tới hàng chục tấn là động cơ diesel có công suất trên 1.000 mã lực.
Challenger 2. Là dòng xe tăng thế hệ thứ ba, Challenger 2 hiện trong biên chế quân đội Anh và Oman. Xe tăng sử dụng động cơ diesel Perkins CV12-6A V12 dung tích 26.1L, công suất 1.216 mã lực, hộp số 8 cấp, tốc độ tối đa 57 km/h, trọng lượng toàn tải 80 tấn, giá bán 5,08 triệu USD.
K2 Black Panther. Thay thế cho mẫu xe tăng cũ M48 Patton và K1, K2 Black Panther bắt đầu được sản xuất từ năm 2013 với thiết kế mới và nhiều tính năng nâng cấp. Xe tăng sử dụng động cơ diesel 4 kỳ, 12 xi-lanh, công suất 1.500 mã lực, làm mát bằng nước do tập đoàn Doosan Infracore Corporation sản xuất, hộp số của S&T Dynamics, trọng lượng 55 tấn, tốc độ tối đa 70 km/h, giá bán 8,5 triệu USD.
Merkava. Dòng xe tăng chủ lực của Israel được sử dụng từ năm 1979, đặc biệt phát huy vai trò trong Chiến tranh Lebanon năm 1982. Xe tăng sử dụng động cơ diesel 1.500 mã lực, trọng lượng 65 tấn, tốc độ tối đa 65 km/h, giá bán 4,5 triệu USD (thế hệ Merkava IV mới nhất).
Type 10. Sau Thế chiến 2, do nhiều hạn chế, Nhật Bản chỉ phát triển dòng xe tăng cỡ nhỏ, nâng cao công nghệ và chất lượng phương tiện. Type 10 là ví dụ điển hình nhất. Xe tăng do tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries sản xuất, sử dụng động cơ diesel V8 trên 1.200 mã lực, trọng lượng 40 tấn, tốc độ tối đa 70 km/h, giá bán 8,4 triệu USD.
Arjun. Dòng xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba của Ấn Độ được trang bị động cơ diesel đa nhiên liệu, công suất 1.400 mã lực, tốc độ tối đa 67 km/h, trọng lượng 58,5 tấn, giá bán 8,1 triệu USD.
Al-Khalid. Dòng xe tăng chiến đấu chủ lực được Pakistan và Trung Quốc phát triển chung từ những năm 90 dựa trên phiên bản Type 90-IIM của Trung Quốc. Xe tăng sử dụng động cơ diesel KMDB 6TD-2 6 xi-lanh, công suất 1.200 mã lực, trọng lượng 46 tấn, tốc độ tối đa 72 km/h, giá bán dao động 4,7-5,8 triệu USD.
Type 99. Được xem như tuyên bố của Trung Quốc về sức mạnh quốc phòng, xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba Type 99 gần như vẫn nằm trong vòng bí mật. Thông tin của xe tăng lộ diện rất ít. Chỉ biết rằng nó được trang bị động cơ diesel 1.500 mã lực, tốc độ tối đa 80 km/h, trọng lượng 54 tấn, không có thông tin về giá bán.
Altay. Dòng xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ có đơn giá cao chót vót, lên tới 13,75 triệu USD/chiếc. Altay mới được sản xuất tháng 11/2018, dự kiến biên chế năm 2021. Xe tăng sử dụng động cơ diesel đa nhiên liệu công suất 1.800 mã lực (bản xuất khẩu chỉ 1.500 mã lực), trọng lượng 65 tấn, tốc độ tối đa 70 km/h.
Pokpung-Ho. Được giới thiệu năm 1992, Pokpung-Ho có nguồn gốc từ xe tăng T-72s của Liên Xô. Khi Liên Xô tan rã, rất nhiều xe tăng T-72s được bán dưới dạng phế liệu. Quân đội Triều Tiên mua về rồi tùy chỉnh tính năng và thêm thiết kế mới. Xe tăng sử dụng động cơ diesel 12 xi-lanh, công suất trên 1.500 mã lực, trọng lượng 44,3 tấn, tốc độ tối đa 60 km/h.
Armata Universal Combat Platform. Mẫu xe tăng tương lai của Nga được trang bị động cơ diesel ChTZ 12H360, công suất trên 1.500 mã lực, hộp số tự động 16 cấp, trọng lượng 48 tấn, tốc độ hành trình lên tới 90 km/h – nhanh nhất trong số các mẫu xe tăng hiện nay.
Tùng Lâm