Đón tiếp hoa hậu rình rang: Nghĩ về chữ “lễ” trong nhà trường
Hình ảnh cô hoa hậu Đỗ Thị Hà về “thăm” trường trong sự đón tiếp “trọng thị” của lãnh đạo Đại học Kinh tế quốc dân là phản cảm và đi ngược với tiêu chí đạo đức giáo dục chung.
Hôm nay mạng xã hội sôi sục phản ứng không đồng tình trước hình ảnh cô hoa hậu Đỗ Thị Hà chễm chệ trên chiếc ghế danh dự; hiệu trưởng đứng bên cạnh chắp hai tay trước bụng… khi cô về “thăm” Đại học Kinh tế quốc dân – ngôi trường đang theo học.
Có thể thấy dư luận nhiều người cho rằng hình ảnh này là “phản cảm”, và nhận định xử sự của cả người thầy lẫn trò đang thiếu đi sự đúng mực trong quan hệ “tôn sư, trọng đạo” vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đỗ Thị Hà hiện là sinh viên năm 2 của Đại học Kinh tế quốc dân. Việc cô trở lại trường là tốt, nhưng chỉ nên trở lại để tiếp tục học tập, chứ không phải để “thăm” trường và cần nhận được sự đón tiếp “trọng thị” như vậy !
Trong giáo dục, câu “Tiên học lễ, hậu học văn” không phải là khẩu hiệu, mà là mục tiêu giáo dục đạo đức con người theo quy tắc của xã hội Việt Nam. Song song đó, câu thành ngữ “ Cái nết đánh chết cái đẹp”, ông bà ta răn dạy, cũng nhằm đến việc xây dựng một xã hội sống thực chất, đánh giá cao vẻ đẹp bên trong hơn vẻ bề ngoài.
Hình ảnh buổi đón tiếp hoa hậu quá đỗi trang trọng tại Đại học Kinh tế quốc dân trở nên “khó coi” và gây mối quan tâm, vì nó vượt quá khung giá trị trong mối quan hệ thầy trò trong nhà trường…
Cô hoa hậu trẻ tuổi có thể còn bỡ ngỡ nên sai một, nhưng những người tổ chức tiếp đón đã sai mười.
Trong quá khứ, cô Hoa hậu Đỗ Thị Hà cũng đã từng gây “sốc” dư luận với những lời bình phẩm cợt nhả, thiếu văn hóa trên trang facebook cá nhân. Điều này theo nhiều người, có thể tha thứ vì tuổi trẻ bồng bột; nhưng với người lớn, người thầy, việc dạy dỗ, đón tiếp một em sinh viên hoa hậu, đang học năm thứ 2 trong trường, như vậy là việc cần phải điều chỉnh, phê phán.
Vinh danh sắc đẹp là việc của các cuộc thi thố nhằm làm phong phú thêm sinh hoạt giải trí trong xã hội; còn dưới mái trường thì việc học tốt, dạy tốt, đào luyện con người trở nên hữu ích cho xã hội mới là mục tiêu tối thượng.