Đơn thương độc mã vào biển Đông, tàu sân bay Mỹ bị 7 chiến hạm Trung Quốc vây
Bộ quốc phòng Trung Quốc ngày 26/9 phản ứng về những thông tin liên quan đến sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan trên biển Đông.
Trả lời câu hỏi của phóng viên – đề cập hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ di chuyển ở biển Đông và có một số tàu được cho là chiến hạm Trung Quốc xung quanh, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường chỉ trích nhóm tàu sân bay của Mỹ đã “đến biển Đông để diễu võ dương oai, thúc đẩy quân sự hóa khu vực”.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này,” ông Nhậm nói. “Chúng tôi yêu cầu Mỹ tôn trọng mối quan ngại về an ninh của các nước trong khu vực, đóng góp năng lượng tích cực cho hòa bình và ổn định ở biển Đông.”
Ông Nhậm tuyên bố, quân đội Trung Quốc sẽ “nghiêm túc thực thi chức trách và sứ mệnh”.
Lầu Bát Nhất cũng phản ứng trước thông tin các chiến hạm của hải quân Mỹ thường hiện diện ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc trong những mùa lễ hội ở nước này như Trung thu hay Tết Âm lịch. Ông Nhậm Quốc Cường nói hành động của Mỹ là “tiểu xảo”.
“Lịch sử huy hoàng 70 năm của nước Trung Quốc mới chứng minh, bất kỳ tiểu xảo nào cũng không thể tác động đến bước phát triển lớn của quân đội Trung Quốc,” ông này cảnh báo.
Trước đó, kể từ khi rời khỏi căn cứ tại Nhật Bản vào cuối tháng 9 để tiến xuống phía Nam, các hình ảnh vệ tinh do tài khoản Weibo @zhezhongzhihuizhang đăng tải hôm 24/9 cho thấy tàu sân bay Reagan bị ít nhất 7 tàu được cho là các chiến hạm Trung Quốc vây quanh.
Hình ảnh vệ tinh khác thể hiện trong khi tàu Reagan gặp phải tình huống kể trên, quân đội Mỹ còn điều máy bay trinh sát RC-135 và P-8A tới biển Đông.
Trang Đa Chiều chỉ ra, dù Lầu Bát Nhất cáo buộc nhóm tàu sân bay Mỹ “diễu võ dương oai” tại biển Đông, song hình ảnh vệ tinh cho thấy chiếc USS Ronald Reagan hoạt động đơn lẻ, trong khi các tàu khác thuộc biên đội được cho là chấp hành nhiệm vụ tại Trung Đông.
Thời gian qua, Mỹ và nhiều nước đã lên tiếng phản ứng trước những hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên biển Đông.
Hồi tháng 8, Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng Mỹ lần lượt lên án các hành động “cưỡng ép” của Trung Quốc trên biển Đông – bao gồm hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam và cản trở hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp, lâu đời của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế.
Liên minh châu Âu (EU), nhóm E3 – gồm Anh, Pháp, Đức – cùng các nước khác như Ấn Độ, Australia,… cũng lên tiếng cảnh báo những hành động đơn phương ở biển Đông làm leo thang căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình ổn định và trật tự khu vực.
Ngọc Hoàng