Đón lời mời từ Mỹ, Việt Nam hành động nắm lấy ‘cơ hội vàng’
Thủ tướng mới đây đã cho thành lập tổ công tác đặc biệt đón sóng chuyển dịch đầu tư. Theo các chuyên gia, đây chính là hành động cần thiết để nắm lấy cơ hội vàng của Việt Nam trong việc đón lỏng dòng vốn đầu tư dịch chuyển sau dịch COVID-19.
“Cơ hội vàng” cho Việt Nam
Theo chuyên gia trong nước và Quốc Tế, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội vươn lên mạnh mẽ nhờ thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế nhờ thành công lớn trong công tác chống dịch COVID-19.
Mới đây, truyền thông thế giới thông tin Mỹ và nhóm “bộ tứ mở rộng” với mục đích chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc để giảm rủi ro. Nhiều khả năng, Việt Nam sẽ nằm trong danh sách những quốc gia được Mỹ hướng đến nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu bên cạnh Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Nói về “cơ hội vàng” của Việt Nam vươn lên mạnh mẽ nhờ thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế, đón dòng vốn dịch chuyển “không thể đảo ngược” ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn từ Mỹ, chuyên gia cho rằng, cơ hội là có nhưng không chỉ dành riêng cho Việt Nam, mà còn cả cho Ấn Độ, Indonesia…
Thế nên, điều mà chuyên gia lo ngại, đó là khi các nước đã dành ưu tiên và mục tiêu rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư, trong khi đó, Việt Nam vẫn còn tình trạng hô khẩu hiệu nhưng chưa có những hành động cụ thể để thay đổi và nắm bắt cơ hội này. Điều này vốn đã nhiều lần diễn ra trong quá khứ.
Theo đó, mặc dù các khảo sát đã chỉ ra rằng, các nhà đầu tư đang coi Việt Nam là điểm đến an toàn, các nhà đầu tư lớn cũng đã liên tiếp đầu tư mở rộng và triển khai các dự án mới. Nhưng để đón đầu làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ này, thu hút các “đại bàng” đến làm tổ, cần có các giải pháp thích hợp.
Chờ đợi ‘Chính phủ hành động’
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư ngoài việc quan tâm đến hạ tầng, lao động, họ mong muốn chính sách phải nhất quán, ổn định, lãnh đạo các cấp thực hiện đúng cam kết và ra các quyết định, quyết sách nhanh chóng hơn.
Trước những trăn trở của các chuyên gia và cộng đồng nhà đầu tư quốc tế, một thông tin tích cực về hành động nhằm thu hút vốn đầu tư đã được Chính phủ phát đi vào cuối tuần qua.
Thông tin từ Báo Chính phủ, chiều ngày 22/5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài hậu COVID-19.
Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào các biện pháp, cách làm thiết thực, cụ thể để tranh thủ luồng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng.
“Các nước đang cạnh tranh quyết liệt, chúng ta phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh. Thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Với những yêu cầu này, Thủ tướng nêu rõ, phải xây dựng ngay đề án để Thủ tướng có sự chỉ đạo chung trên tinh thần là nhanh và mạnh hơn, rõ hơn. Đặc biệt, đề án phải giải quyết các điểm nghẽn của nhà đầu tư như vấn đề mặt bằng, nguồn nhân lực.
Nội dung quan trọng được Thủ tướng thông qua đó là việc đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để đón sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tổ công tác sẽ do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT chủ trì, cùng lãnh đạo một số cơ quan nhằm giải quyết nhanh các thủ tục, nhu cầu mà nhà đầu tư đặt ra.
Về đối tượng cần thu hút đầu tư, theo Bộ KH-ĐT, chúng ta cần lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, năng lượng sạch…
Các chuyên gia kinh tế đều nhận định rằng, dịch COVID-19 vừa qua mặc dù thiệt hại lớn đến nền kinh tế. Song, những gì xảy ra tại Việt Nam cho thấy bài học tốt: “Khi chúng ta chọn một mục tiêu và ưu tiên cao nhất để tập trung làm sẽ làm được”, nhưng làm sao nuôi dưỡng được tinh thần đó về sau là điều còn được quan tâm hơn.
Theo bà Phạm Chi Lan, một bộ máy điều hành cương quyết, các bộ ngành phối hợp tốt, người đứng đầu hiểu việc và áp dụng những cái tiến bộ vào xử lí tình thế khó khăn đã cho kết quả tích cực.
“Chính sách thời gian qua là rõ ràng, chính phủ cần minh bạch, cập nhật thông tin thường xuyên, thông suốt. Nếu làm được theo cách ta đã làm trong phòng chống dịch thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển rất tốt”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
Hoàng Trung/KT