+
Aa
-
like
comment

Đòi xử tử bọn lâm tặc nhưng ra yêu cầu cấm chặt cây rừng lại phẫn nộ?

28/12/2020 16:08

Chúng ta ai cũng nhìn thấy những mất mát, đau thương chồng lấp đau thương của khúc ruột miền Trung trong hàng loạt cơn bão vừa qua. Chúng ta ai cũng căm ghét lũ người mất nhân tính, vì lợi ích cá nhân mà chặt hạ hàng chục nghìn ha rừng, phá đi lớp bảo vệ tự nhiên, khiến hàng chục triệu đồng bào mỗi năm phải oằn lưng gánh chịu. Từng mạng người vô tội ngã xuống là từng ấy căm tức được nhân lên. Ấy thế mà lạ lùng thay, khi ra quy định cấm chặt cây tự nhiên thì một số người lại vội la làng phản đối?

Mỗi khi Tết đến là hàng loạt người miền xuôi lên miền núi săn đào cổ rừng chơi Tết

Cụ thể, tại hội nghị của ngành nông nghiệp chiều 24/12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mạnh mẽ chỉ đạo: “Phải cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết. Hôm nay tôi tuyên bố, ai chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm”.

Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ vừa đưa ra, Văn phòng Chính phủ vẫn còn chưa kịp gửi văn bản xuống những địa phương vùng sâu vùng xa nhưng đã xuất hiện một bộ phận chủ yếu là người thành thị nhanh nhảu lên mạng phê phán. Thậm chí, “tát nước theo mưa”, các trang mạng, tổ chức chống phá thù địch cũng “lên đồng” xuyên tạc, quyết định này là “bàn giấy, thiếu thực tế”. Hỡi ơi nghe mà thấy chán!

Đầu tiên, xin mấy anh chị có tay nhanh hơn não hãy lắng lòng, bình tâm, đọc thật chậm chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Có quy định nào yêu cầu cấm mua bán đào do người dân miền núi tự trồng không, mà mấy anh chị vội lu loa khóc mướn, “cướp mất cái tết của người dân vùng bản”? Hay là cứ thấy người ta thể hiện cái trình độ tay nhanh, mình cũng không chịu thua, nhanh hơn nữa, cuối cùng tạo ra một làn sóng phê phán một chỉ đạo không hề tồn tại! Đến nực cười!

Cũng nói luôn, chắc một số anh chị thành phố nghĩ bứng một gốc đào rừng về xuôi chơi tết, thì có quái gì là phá rừng. Ô hay, thế cây đào rừng không phải là cây tự nhiên sao? Bọn lâm tặc phá rừng cưa cây còn lén la lén lút, đây anh chị bứng cả cái gốc của nó đi, mang về xuôi trưng bày, khoe khoang trắng trợn, công khai buôn bán, thế thì xin thưa phải gọi là “cha của lâm tặc”. Ngay chính người trong nghề tiết lộ, việc buôn bán đào rừng chơi Tết trong những năm qua đã làm biến mất nhiều vạt đào rừng, đặc biệt những cây đào cổ thụ ở Tây Bắc. Đội quân buôn đào thậm chí còn cưa cả cây lớn, sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng thuê trai bản đào. Ấy thế mà anh chị vẫn leo lẻo cái thú chơi ngông ấy là thú vui tao nhã. Đến chịu!

Những biệt phủ gỗ như vậy không hề ít

Điều đáng buồn ở đây là vô số những người có nhiều tiền ở khắp nơi trên đất nước này cũng đang suy nghĩ như thế. Họ muốn sở hữu thiên nhiên cho riêng mình, muốn đưa cả núi rừng vào trong phòng khách, để thỏa mãn lạc thú “chiếm hữu của lạ”. Thử hỏi, lớp cây thì bị đem về cưa đục mổ xẻ để bày ra sự trọc phú, lớp cây thì bị đem về để trưng bày thú “tao nhã” rợn người, lớp thú thì bị đem về lột da treo lấy tiếng, thì còn gì là rừng? Vì vậy, việc Thủ tướng nghiêm cấm chặt cây rừng về chơi tết là một yêu cầu quá cấp bách. Nó không những thể hiện được tầm nhìn của người đứng đầu Chính phủ mà còn thể hiện được chiều sâu khi tìm ra biện pháp ngăn chặn gốc rễ của vẫn nạn này.

Còn nhớ, tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên được tổ chức vào ngày 20-6-2016 ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng tất cả rừng tự nhiên và Văn phòng Chính phủ ngay sau đó đã ban hành Thông báo 191/TB-VPCP, trong đó có thực hiện nghiêm túc đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, sau chỉ đạo của Thủ tướng, tình trạng phá rừng vẫn ngang nhiên diễn ra.

Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tại hội nghị này, mặc dù rừng đã được giao trách nhiệm quản lý nhưng thực tế đang rơi vào tình trạng vô chủ, “cha chung không ai khóc” vì không quy rõ trách nhiệm đến từng tập thể, cá nhân mỗi khi mất rừng. Thủ tướng cũng cho rằng lực lượng chức năng chưa làm tốt nhiệm vụ, số lượng vụ việc được điều tra, xét xử liên quan đến xâm phạm rừng còn rất ít. Tình trạng bảo kê lâm tặc của những người có nhiệm vụ đang diễn ra phổ biến. Nhận định này của Thủ tướng đến nay vẫn nguyên giá trị.

Bạn đọc Hạnh Nhân

Bài mới
Đọc nhiều