+
Aa
-
like
comment

“Đối với thanh niên, theo Bác đừng học Bác 2 điều này”

15/12/2020 16:50

Hút thuốc lá, từ lâu đã trở thành một thói quen trong sinh hoạt thường ngày của Bác Hồ. Bác tự nhận ra đó là một khuyết điểm. Bác khuyên thanh niên đừng học Bác điều ấy, cũng như chuyện Bác không lập gia đình, theo Bác, đó cũng là một khuyết điểm. Biết mọi người lo lắng cho sức khỏe của Bác nên vào những năm cuối đời Bác kiên quyết bỏ hẳn thói quen hút thuốc. Bác giữ đúng lời hứa và bằng nghị lực của mình để bỏ thuốc, vượt qua một thói quen xấu nêu gương đạo đức cho chúng ta noi theo từ những việc nhỏ, rất đỗi đời thường. Chuyện thuốc lá của Bác Hồ trong những năm cuối đời cho ta thêm một lần hiểu Bác, cảm động, kính phục và thương yêu Bác hơn.

1. Bác bỏ thuốc lá từ bao giờ?

Một trong những thói quen trong cuộc sống thường ngày của Bác Hồ là hút thuốc lá.

Bác từng nói, ở đời, ai cũng là người thường, không có ai là thần thánh, nghĩa là “nhân vô thập toàn”, không có ai là hoàn toàn. Đã sống ở đời thì ai cũng có khuyết điểm. Bác tự nhận mình có hai khuyết điểm lớn là hút thuốc lá và không lấy vợ.

Chuyện đời thường của Bác, tất cả chúng ta đều biết, nhất là chuyện Bác hút thuốc, cuối cùng Bác đã bỏ thói quen này, theo lời khuyên của các bác sỹ chăm sóc sức khỏe cho Bác và theo đề nghị của Trung ương mà cũng là nghị lực phấn đấu của Bác, quyết bỏ một thói quen xấu để nêu gương cho mỗi chúng ta. Bắt đầu từ khi viết Di chúc mà Bác ghi rõ ở trang đầu “Tài liệu tuyệt đối bí mật” là Bác bắt đầu bỏ thuốc lá. Bác lại khiêm nhường, dung dị, khong coi là Di chúc mà chỉ xem đó là một bức thư, là mấy lời để lại cho đồng bào, đồng chí trước lúc đi xa.

Từ chuyện thuốc lá của Bác ta càng thương Bác hơn. Cũng từ chuyện nhỏ này, nếu lòng ta thấu hiểu và thấu cảm với Bác, ta có thể nhận ra bài học lớn về đạo đức, nét tinh tế trong ứng xử văn hóa cũng như chất nhân văn thấm đẫm tình người trong phong cách của Người.

Bác đã từng nói, “thói quen rất khó đổi”, vậy mà Bác vẫn quyết đổi, quyết sửa bằng được. Ai cũng thông cảm với Bác, nhưng ai cũng mong Bác bỏ thuốc, cũng lo lắng cho sức khỏe của Bác, nhất là những năm cuối đời, Bác yếu nhiều, về chiều tối và đêm khuya, các đồng chí phục vụ thấy Bác ho nhiều, ai cũng xót xa thương Bác. Hiểu thấu tâm trạng, nỗi lòng của chúng ta, Bác càng quyết tâm bỏ hẳn thói quen hút thuốc. Tình thương yêu con người và trách nhiệm trước cuộc đời luôn là cội nguồn nuôi dưỡng và thúc đẩy nghị lực của Người, nhất quán giữa nói và làm, như Người thường tự nhủ mình “đã nói thì phải làm”.

Khi còn khỏe, trong mỗi bữa ăn, Bác cũng thường dùng một ly rượu – một ly nhỏ thôi, nhưng rồi Người cũng bỏ luôn thói quen đó. Người tâm sự với chúng ta, Bác chỉ có “nhị vật” (thuốc và rượu) làm vui, bây giờ các chú bảo Bác bỏ hết thì Bác còn gì nữa.

Đừng bao giờ quên Bác là một con người đời thường như mỗi chúng ta, hơn nữa Bác còn là một nhà thơ, có trái tim thi sỹ và “tâm hồn lộng gió bốn phương của thời đại” (Phạm Văn Đồng). Bác có niềm vui, có nỗi buồn, có ý thức và tâm trạng về sự cô đơn, có nỗi đau nhân thế, nỗi đau đời. Chính từ đây, ta cảm nhận được tâm hồn cao thượng và nhân cách vĩ đại của Bác.

Nỗi đau và muôn sự dằn vặt về nhân sinh thế sự Người dấu kín, nén chặt ở trong lòng, bởi Người lúc nào cũng chỉ muốn ta vui để làm việc tốt hơn, để sống đúng hơn. Vậy mà, trước lúc đi xa, trong Di chúc 1000 từ để lại, Người đã viết một chữ “đau”. Người nói rõ “sự đau lòng” bởi những mối bất hòa giữa các Đảng anh em trong phong trào cộng sản quốc tế mà hơn ai hết, Người cảm nhận trực tiếp điều ấy. Người cũng đã nỗ lực hết mình để giải quyết những bất đồng mà chưa được, chưa xong nên Người căn dặn Đảng ta làm tiếp cho Người. Người cũng tin vào điều có thể trở nên tốt đẹp hơn, nhất định sẽ đến. Vào một dịp khác, ta sẽ bàn kỹ chủ đề này. Trở lại câu chuyện thuốc lá của Bác. Lo nghĩ bộn bề ngổn ngang những chuyện lớn như thế, nhiều lúc căng thẳng, Bác hút nhiều cũng là điều dễ hiểu. Các bác sỹ cho biết, ở Bác có dấu hiệu tái phát bệnh phổi, áp huyết, tim mạch lại không ổn định. Xót xa hơn, ở thời điểm viết Di chúc, bên trong đáy mắt của Bác đã có dấu hiệu chảy máu. Bác sỹ Đào Xuân Trà, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Quân đội Trung ương được điều động khẩn cấp tới Nhà sàn – nơi Bác ở – để chữa cho Bác với sự hỗ trợ của Bộ trưởng Y tế, Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch và Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân hồi đó.

“Cái gạt tàn thuốc lá từ lâu đã không còn nóng nữa trên bàn” như lời thơ của Việt Phương cho ta rõ hoàn cảnh bỏ thuốc của Bác.

2. “Nghị quyết” về thuốc lá của Bác Hồ

Các đồng chí lãnh đạo cấp cao thường làm việc hàng ngày bên Bác. Để Bác có thể bỏ thói quen hút thuốc dễ hơn và nhanh hơn, các đồng chí đó thống nhất với nhau một quy định: “Cấm tuyệt đối không ai được hút thuốc trước mặt Bác”. Lại giao ước với nhau, tuyệt đối bí mật không được để Bác biết, sợ Bác buồn. Đó là nội dung “Nghị quyết” về thuốc lá của Bác. Ai cũng thương Bác nên “Nghị quyết” được thông qua rất nhanh và thực hiện ngay lập tức. Chuyện tưởng đơn giản nhưng lại không đơn giản, càng không dễ chút nào. Nhiều người hút thuốc đã lâu, thành ra nghiện, bây giờ suốt ngày cùng làm việc bên Bác, không được hút thuốc nên rất thèm, thương Bác mà cố nhịn thôi, cũng không một ai nói ra điều ấy vì đã hứa với nhau không được để Bác biết.

Song Bác biết, bởi Người quan sát rất tinh và phát hiện ra ngay tình huống không bình thường này. Tại sao mấy ngày, mấy tuần nay trong phòng họp tuyệt không có ai hút thuốc cả, tuyệt không có làn khói thuốc nào nhưng nét mặt mọi người ai cũng có vẻ buồn. Thế là đã rõ.

Bác gặp đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Người. Bác nói:

– Chú Kỳ ạ! Bác có một việc riêng, muốn nhờ chú, chẳng biết chú có giúp được không?

– Xin Bác cứ nói, cháu sẽ làm ngay mà! Vốn rất hồn nhiên, đồng chí Vũ Kỳ trả lời Bác.

– Bác muốn xin chú bao thuốc.

Nghe Bác nói vậy đồng chí Vũ Kỳ mới thấy khó xử quá. Đã chót hứa với Bác rồi mà Trung ương lại dặn, không được để Bác hút thuốc, biết làm sao bây giờ.

Không đi lấy thuốc cho Bác thì thương Bác, mà để Bác hút thì có lỗi với Trung ương. Thôi đành nói lảng sang chuyện khác để Bác quên nhưng Bác có quên đâu. Bác nhắc lại: “Bác muốn xin chú bao thuốc, chú nghe có rõ không?”. Rồi Bác giải thích: “Bác không hút đâu vì Bác quyết giữ lời hứa với Trung ương, với chú nữa. Nhưng Bác có việc, chú có giúp Bác được không?”.

Khi đã rõ rồi, đồng chí Vũ Kỳ mới yên tâm, vội đi lấy ngay bao thuốc đưa Bác.

Sáng hôm sau, Bác chủ trì buổi làm việc với các đồng chí trong Ban Bí thư. Bác bóc bao thuốc lá và nói: “Bác đã biết cái “Nghị quyết” của các chú rồi. Bây giờ Bác mời các chú hút thuốc. Bác mong các chú cứ thoải mái, tự nhiên như trước đi, đừng vì Bác mà khổ thế”.

Bác lại ân cần đưa từng điếu thuốc cho từng người, còn Bác, Bác không hút. Cầm điếu thuốc Bác cho mà ai cũng chỉ muốn khóc vì thương Bác quá. Về sau rất nhiều đồng chí đã bỏ hẳn thuốc, từ tác động tấm gương của Bác.

3. “Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần”

Những ngày đầu bỏ thuốc lá, với Bác cũng vất vả lắm. Bác bỏ thuốc bằng ý chí, nghị lực của mình dù Bác vẫn rất thèm. Có lần trong giấc ngủ, Bác nằm mơ thấy thuốc lá và rượu. Vậy là Bác vẫn được thưởng thức “nhị vật” ở trong mơ.

Tứ thơ đó đến với Bác rất nhanh. Bác làm luôn bài thơ về đề tài “Nhị vật”.

“Thuốc không rượu chẳng có mừng Xuân

Bỗng chốc thi nhân hóa tục nhân

Mơ thấy thuốc thơm và rượu ngọt

Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần”.

Bác Hồ của chúng ta như vậy đó, trong đời sống thường nhật của Người – một con người và một tâm hồn thơ.

4. Bài thơ chữ Hán cuối cùng về thuốc lá của Bác

Năm 1968, Tết Mậu Thân thật đặc biệt với sự kiện tổng tiến công miền Nam, rung chuyển cả đô thành Sài Gòn, nhất là ở các tòa nhà của sứ quán Mỹ hồi đó.

Cũng như mọi cái Tết khác, ai cũng hồi hộp và xúc động lắng nghe thơ chúc mừng năm mới của Bác lúc giao thừa Tết Mậu Thân – thời khắc thiêng liêng đánh dấu năm mới bắt đầu. Câu thơ của Bác “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”, như “mật khẩu” nổ súng toàn chiến trường miền Nam.

Vào lúc ấy, Bác thèm lắm một điếu thuốc lá mà không có. Thi hứng đến, Bác làm luôn bài thơ chữ Hán về thuốc lá. Đây là bài thơ chữ Hán cuối cùng của Bác. Chỉ bốn câu thôi, đúng phong vị cổ điển, toát lên tinh thần lạc quan, niềm tin yêu mãnh liệt của Người đối với con người và cuộc sống.

“Tam niên bất ngật tửu suy yên

Nhân sinh vô bệnh thị thần tiên

Hỷ tín Nam phương liên đại thắng

Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên”.

Dưới đây là bản dịch:

“Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm

Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần

Mừng ấy miền Nam vui thắng lớn

Một năm là cả bốn mùa Xuân”.

Bác đi vào cõi vĩnh hằng đã gần nửa thế kỷ. Vậy mà lòng ta nhớ Bác khôn nguôi, không bao giờ ta cảm thấy Bác đi xa. Bác vẫn ở bên ta, gần gũi, thân thương, trong mỗi lúc vui buồn, cổ vũ chúng ta làm nhiều việc tốt, nhắc nhở dặn dò và góp ý phê bình giúp ta sửa chữa những lỗi lầm.

Bác cho ta thêm niềm tin yêu và hy vọng, từ những điều cao cả thiêng liêng đến những điều giản dị hàng ngày.

Hãy tự vượt lên những hạn chế, những nhược điểm và khiếm khuyết của chính mình để sống đúng hơn, tốt hơn, sao cho xứng đáng với ơn sâu nghĩa nặng của đời và tình thương bao la của Bác.

GS, TS Triết học Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Bài mới
Đọc nhiều