Đòi tiền bảo hiểm xe máy: Nghe khâu thủ tục lùng bùng lỗ tai
Quy định mới từ ngày 15-5, cảnh sát giao thông được dừng xe dù không có dấu hiệu vi phạm ban đầu khiến nhiều người nhốn nháo chuẩn bị đủ mọi loại giấy tờ. Và câu chuyện về bảo hiểm xe máy lại thành đề tài thời sự những ngày này.
Vậy bảo hiểm xe máy (BHXM): mua hay không, mua loại nào, dùng vào việc gì, người mua được quyền lợi đến đâu?
Thủ tục bất khả thi
Mẹ tôi là một công dân mẫu mực, bà rất quan tâm tuân thủ thông tư 22/2016/TT-BTC về quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Bà cho rằng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũng quan trọng như giấy phép lái xe, đi đâu cũng mang theo người cùng cà-vẹt xe và dặn cả nhà giữ thói quen này. May mắn là chúng tôi chưa bao giờ bỏ tờ BHXM ra khỏi ví…
Cho đến khi em rể tôi chẳng may bị va quẹt trên đường. Cũng định bụng tự thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ việc sao cho gọn lẹ, đơn giản nhất. Nhưng cậu em tôi xót chiếc xe mới mua bị hư hỏng nhiều đã gọi điện lên hãng bảo hiểm để yêu cầu được bồi thường.
Và em tôi được thông báo: muốn được bồi thường thì phải có biên bản của cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc giấy xác nhận của công an khu vực (nơi xảy ra tai nạn). Nếu người bị thương tích phải nhập viện thì phải có giấy ra viện, đơn thuốc. Nếu xe bị hư hỏng phải có hóa đơn của tiệm sửa chữa và xác nhận vụ việc của công an.
Tất cả giấy tờ phải có mộc đỏ của công an cùng sự ghi nhận của công ty bảo hiểm.
Nghe xong thì “lùng bùng” lỗ tai khi nghĩ đến công đoạn tìm cho đủ các loại giấy tờ kể trên. Chúng tôi hiểu khi yêu cầu nhận quyền lợi bảo hiểm hẳn nhiên phải chứng minh sự việc và các giấy tờ liên quan. Quy định này hẳn không phải riêng với mỗi loại hình BHXM.
Nhưng thực tế xử lý các vụ va chạm trên đường, người Việt hiện nay không dễ có thể đáp ứng được các yêu cầu từ công ty bán bảo hiểm. Tai nạn xảy ra, hầu hết mọi người tự xử lý, tự thỏa thuận, không báo CSGT lập biên bản (vì ngại những rắc rối khác).
Một người bạn tôi bị xe máy đi ngược chiều quẹt vào xe hai vợ chồng khiến chị bị thương khá nặng. Cả hai đều có mua BHXM nên quyết định gọi cho công ty bảo hiểm, nhân viên tiếp cuộc gọi báo: người ngồi sau mua bảo hiểm tự nguyện phải bị tai nạn chết người mới được chi trả.
Chị nói thật: “Tôi không hiểu về bảo hiểm này, nhờ bạn giải thích”, nhưng đáp lại chỉ là sự thờ ơ.
Quyền lợi người mua đến đâu?
Thực tế là nhiều người chưa quan tâm điều khoản trong BHXM, chưa ghi nhớ và thực hiện những việc cần thiết để được hưởng bảo hiểm hoặc chẳng còn đủ bình tĩnh vừa gọi cứu thương cấp cứu nạn nhân nặng vừa thông báo cho công ty bảo hiểm.
Ở những thành phố đông người, kẹt xe nghìn nghịt, tôi chưa từng thấy chủ xe máy kiên nhẫn đợi CSGT, công ty bảo hiểm đến ghi nhận sự việc. Điều này chỉ mới thấy ở xe ôtô. Nếu ai đi xe máy cũng đứng chờ biên bản để hưởng BHXM là điều bất khả thi.
Người đi xe máy vẫn tự thỏa thuận, tự bỏ tiền sửa xe, chữa thương tật. Kiểu “dĩ hòa vi quý” cũng có nguồn gốc từ việc ngại sự cố đường dây nóng không ai nhấc máy, nhân viên tư vấn BHXM trả lời qua quýt.
Lâu dần người Việt mua BHXM để đối phó do sợ phải đóng phạt, vì số tiền phạt lớn hơn tiền mua BHXM. Giấy BHXM nếu có cũng chỉ để cất ví cho tới ngày hết hạn.
Mua BHXM thì dễ, nhưng muốn nhận được quyền lợi thì không dễ, bởi những vụ việc như trên không phải cá biệt. 66.000 đồng cho một cái BHXM trong vòng một năm là số tiền không nhiều với mỗi người, nhưng nhân với hàng chục triệu xe máy thì sẽ rất lớn.
Nguyễn Hải/TTO