Đổi tên nước ngay tại G20, Ấn Độ đang muốn thể hiện điều gì?
Chính phủ của Thủ tướng Modi đã thay tên Ấn Độ bằng Bharat trong thiệp mời tiệc tối gửi khách tham dự hội nghị G20, làm dấy lên tranh cãi.
Trong thiệp mời tiệc tối bằng tiếng Anh của hội nghị G20, bà Droupadi Murmu được gọi là “Tổng thống Bharat” (President of Brahat) thay vì “Tổng thống Ấn Độ” (President of India).
“Bharat” được sử dụng để chỉ Ấn Độ trong nhiều thế kỷ, ngay cả trước khi người Anh đến. Nó có nguồn gốc từ tiếng Phạn cổ mà nhiều nhà sử học tin rằng có nguồn gốc từ các văn bản đầu tiên của người Hindu, có nghĩa là “con trai của Bharata”, một vị vua huyền thoại của Ấn Độ. Trong quá khứ, Ấn Độ còn được gọi là Bharata và Hindustan, những cái tên thời tiền thuộc địa, trong ngôn ngữ và văn hóa đại chúng. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước thường sử dụng “India” khi giao tiếp bằng tiếng Anh.
Các quan chức đảng Bharatiya Janata (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi ủng hộ thay đổi này. Họ cho rằng cái tên “Ấn Độ” do thực dân Anh đặt và là “biểu tượng của chế độ nô lệ”. Anh cai trị Ấn Độ khoảng 200 năm cho đến khi nước này giành độc lập năm 1947.
BJP từ lâu cố gắng xóa bỏ những tên gọi liên quan tới đế chế Mughal và quá khứ thuộc địa của Ấn Độ. Năm 2015, đường Aurangzeb nổi tiếng của New Delhi, đặt tên theo một vị vua Mughal, được đổi thành đường Dr APJ Abdul Kalam. Năm ngoái, chính phủ cũng đổi tên một đại lộ thời thuộc địa ở trung tâm New Delhi, nơi thường sử dụng cho những lễ duyệt binh.
Chính phủ của ông Modi cho biết việc thay đổi tên là nỗ lực khôi phục quá khứ Ấn Độ giáo của nước này. Tuy nhiên, các đảng đối lập ở Ấn Độ chỉ trích động thái, cho rằng nó nhằm làm lu mờ liên minh chính trị INDIA mới thành lập hai tháng. Họ cho biết đây là viết tắt của Liên minh Toàn diện Phát triển Quốc gia Ấn Độ.
“Cái tên Ấn Độ được cả thế giới biết đến. Điều gì đã xảy ra khiến chính phủ phải đổi tên nước”, Mamata Banerjee, lãnh đạo phe đối lập, nói.
Shashi Tharoor của đảng Quốc đại đối lập ngày 5/9 đăng trên X, tên gọi mới của Twitter, rằng “tôi hy vọng chính phủ sẽ không ngớ ngẩn đến mức loại bỏ hoàn toàn ‘Ấn Độ’, cái tên có giá trị thương hiệu không thể đong đếm qua nhiều thế kỷ”.
Động thái của Ấn Độ cho thấy họ đang muốn khẳng định lại bản sắc và lịch sử của mình và từ bỏ quá khứ thuộc địa và mong muốn trở thành một quốc gia tự cường, có tiếng nói trên trường quốc tế.
Tham vọng trở lại vị thế cường quốc của Ấn Độ có thể được nhìn thấy rõ qua những chính sách của chính phủ Narendra Modi. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tăng cường đầu tư vào quân đội và công nghệ, mở rộng ảnh hưởng của mình trên thế giới. Đặc biệt là trong những năm gần đây, nước này liên kết ngày càng chặt chẽ với Nga và Trung Quốc mà đỉnh điểm là việc đồng sáng lập khối BRICS. Với động thái muốn xóa bỏ cái tên “India”, Ấn Độ đang thể hiện ngày càng rõ ý chí bỏ lại quá khứ thuộc địa phía sau và giảm bớt sức ảnh hưởng của phương Tây mà đặc biệt là “ông chủ” cũ Anh Quốc.
Đông Duy