+
Aa
-
like
comment

Đôi tay rướm máu đánh tan lũ côn đồ & màn minh oan kỳ lạ ở sân bay của huyền thoại Công an

22/09/2020 16:36

Có nội công phi phàm, Thiếu tá công an Vũ Văn Sích từng làm lũ côn đồ ở ga Trần Quý Cáp phải bỏ chạy mất dạng. Ông cũng khiến các học trò ở trường Công an phải tâm phục, khẩu phục.

Đôi tay rướm máu đánh tan lũ côn đồ & màn minh oan kỳ lạ ở sân bay của huyền thoại công an

NGƯỜI THẦY HUYỀN THOẠI CỦA NGÀNH CÔNG AN

Thiếu tá Vũ Văn Sích (đã nghỉ hưu) là một trong những thầy giáo đầu tiên của bộ môn võ thuật trong ngành Công an. Ông có tuổi thơ cơ cực, chỉ còn lại mẹ trong khi những người thân khác mất hết do nạn đói năm Ấu Dậu.

Ban đầu, ông làm công nhân ở một xí nghiệp gỗ, nhưng rồi số mệnh lại bất ngờ hướng đến ngành Công an vào năm 1965 khi đăng ký thành công ở một đợt tuyển quân. Vốn cơ thể không khỏe, nhưng chính việc tham gia tập luyện ở ngành Công an đã khiến chàng trai Vũ Văn Sích như “thoát thai hoán cốt”.

Từ những bài tập ban đầu là các thế đứng tấn, tới các loại võ Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Liên Xô… ông Vũ Văn Sích đều đạt thành tích cao, rèn nên một thân công phu đầy lợi hại. Nhờ thế, ông là một trong những người được lựa chọn làm công tác tối quan trọng, bảo vệ các lãnh đạo của đất nước.

Tới năm 1976, ông được phân về cục Cảnh vệ. Cũng từ đây, ông bắt đầu bước theo nghiệp đào tạo võ thuật. Ban đầu, ông Vũ Văn Sích được bố trí làm trợ giảng cho ông Phạm Long, nguyên cán bộ phụ trách Phòng Thể thao của Bộ Công an. Ở giai đoạn đầu tiên, những trợ giảng như ông Vũ Văn Sích cũng phải trải qua huấn luyện cực kì khắc nghiệt.

Đôi tay rướm máu đánh tan lũ côn đồ & màn minh oan kỳ lạ ở sân bay của huyền thoại công an - Ảnh 1.
Quá trình rèn luyện võ thuật của Công an Việt Nam rất gian khổ.

Ví dụ bắt đầu ngày mới, nhóm trợ giảng sẽ phân thành 2, đứng đối diện nhau. Từng bên một sẽ phải đứng yên cho bên còn lại đánh vào người trong khoảng 15 phút để rèn sức chịu đựng của thân thể. Phương pháp này khi kết hợp với tập luyện nội công là cực kỳ tác dụng, song không phải ai cũng chịu được và thành công.

Vũ Văn Sích, nổi bật, chính là người chịu đựng và đạt được nhiều thành tựu qua những giai đoạn huấn luyện gian khổ ấy. Theo nhiều lời truyền miệng, so với những người tập võ công an, không ai hơn được ông Vũ Văn Sích về khả năng chịu đòn. Chỉ sau 2 năm tập nội công, ông đã có thể để cho người khác đấm đến… mỏi tay vào ngực mà chẳng bị “sứt mẻ” chút nào.

Có một lần, đám học trò mới nghe tin đồn về thầy Vũ Văn Sích nhưng chưa tin. Đám thanh niên khi gặp thầy đã đưa ra những sự nghi ngờ. Đáp lại, thầy Vũ Văn Sích đưa cả nhóm đến sân tập, rồi cởi áo ra, cho tất cả thay phiên đấm mạnh vào bụng và ngực của mình. Kết quả, đám thanh niên dù cố hết sức vẫn không thể làm ông thầy bị tổn thương chút nào.

Có một học viên người Tiền Giang “thách đố” thầy nhảy dây. Và khi học trò chỉ được có hơn 100 vòng thì thầy đã thực hiện 2.200 vòng, không sai, không vấp và không ngừng nghỉ. Vào những ngày thứ 7, khóa học thường tổ chức đấu quyền để rèn phản xạ của học viên. Nhiều học viên đề nghị thầy đấu mẫu như một sự kiểm chứng “lời nói đi đôi với việc làm”. Vũ Văn Sích bước ra sàn, khởi động. Ông nói với trợ giảng: “Hôm nay tôi sẽ hạ anh trong vòng 30 giây”. Tiếng reo hò vang vọng cả sàn đấu.

Thật khó tin chuyện một ông thầy thấp bé, dáng đứng mong manh nhường kia lại có thể hạ “nốc ao” một thanh niên cường tráng, cao hơn một cái đầu và sải tay cũng dài gấp rưỡi. Thế nhưng, trận đấu đã kết thúc ở giây thứ 27, một võ sĩ nằm dài trên sàn, khóe mép ri rỉ máu. Người còn lại là ông, miệng cười mỉm, tay đỡ học trò dậy. Đó có lẽ là sự kiện ám ảnh anh rất lâu dài, người công an đánh võ không chỉ đơn thuần là sức mạnh võ biền mà phải bao gồm cả sự linh hoạt. Bài học đầu tiên ông Sích truyền lại cho học trò của mình chính là đấu võ phải có chiến thuật và lấy nhu thắng cương. Và bằng sự khổ công, ông cùng đồng đội đã sáng tạo ra nhiều thế võ mới để làm sao các chiến sĩ luyện tập ít công nhất mà chiến đấu có hiệu quả cao nhất. Đó cũng chính là tinh thần chủ đạo của võ học công an hiện nay.

Từ những lời truyền miệng đến những thực tế kiểm chứng như vậy mà danh tiếng của thầy Vũ Văn Sích ngày một cao, luôn được các học trò kính trọng.

ĐÊM MƯA “LẠNH TOÁT” VỚI LŨ CÔN ĐỒ Ở GA TRẦN QUÝ CÁP

Một câu chuyện khác kịch tính hơn được kể về Thiếu tá Vũ Văn Sích. Mùa Hè 1978, khi vội về thăm vợ, ông vướng phải rắc rối ở ga Trần Quý Cáp (Hà Nội). Một nhóm côn đồ hung hãn với gậy gộc trong tay muốn hành hung người đàn ông bé nhỏ mà không biết đấy là bậc thầy võ công an.

Với lợi thế đông người, lại có vũ khí, chúng vây ông lại rồi liên tục ra đòn. Tuy nhiên, bằng thân pháp nhanh nhẹn, lại có khả năng chịu đòn cực tốt, Thiếu tá Vũ Văn Sích hết né lại dùng tay gạt, đỡ các cú đập của đối phương. Ông len vào gần người từng tên côn đồ, vung tay, đá chân khiến chúng phải lăn lê trên mặt đất. Khi biết mình đã đụng phải thứ dữ, đám côn đồ bỏ chạy trong sự hậm hực.

Đến khi đám côn đồ bỏ chạy, còn lại một mình, ông bước đi giữa trời mưa gió với đôi cánh tay bị vằm xéo, máu chảy thành vệt dài. Sau vụ đó, đám côn đồ có theo dõi ông và biết được rằng, ông chính là Sích “vồ”, dạy võ ở lực lượng Công an và mỗi ngày ông “tự thưởng” vào ngực, vào bụng mình 500 nhát vồ. Cái vồ ấy đã theo ông nhiều năm, giờ đã lên nước đen bóng…

NHỮNG THÓI QUEN KỲ LẠ & MÀN MINH OAN ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ TẠI SÂN BAY

Như đã kể ở trên, chịu đòn là một trong các phương pháp rèn luyện hàng ngày của ông Vũ Văn Sích để tăng cường sức chịu đựng cho cơ thể. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có người chịu mất thời gian và công sức… đấm ông.

Thế là ông Vũ Văn Sích nghĩ tới việc dùng một chiếc vồ (giống như đòn gánh) để… tự đánh mình. Từ khi nghĩ ra ý tưởng này, chiếc vồ trở thành vật không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của ông. Nhưng nó cũng sinh ra lắm oái oăm.

Một lần, ông đi công tác sang Lào và bị Hải quan thu chiếc vồ vì nghĩ nó được mang theo với mục đích xấu. Giải thích bằng miệng không được, ông Vũ Văn Sích buộc phải thực hành ngay tại chỗ để chứng minh đấy chỉ là một dụng cụ tập luyện. Thế là giữa sân bay diễn ra một phần biểu diễn khí công kỳ lạ và chắc hẳn vô cùng khó quên với những ai có mặt hôm ấy.

Ngược về những ngày đầu mới sử dụng chiếc vồ để tự đánh vào người mình, Thiếu tá Vũ Văn Sích cũng khiến vợ phát hoảng vì lo rằng ông sẽ bị thương. Nhưng rồi sao này bà cũng hiểu đấy là cách tập luyện của chồng. Thậm chí, ông Sích còn có biệt danh Sích “vồ” vì phương pháp này. Ông cũng hướng dẫn thành công cả nhà tập khí công, tất nhiên theo cách ôn hòa hơn và giúp người thân tránh được nhiều bệnh tật.

Đôi tay rướm máu đánh tan lũ côn đồ & màn minh oan kỳ lạ ở sân bay của huyền thoại công an - Ảnh 3.
Thiếu tá Vũ Văn Sích là một trong những người thầy dạy võ có công lớn với ngành Công an Việt Nam.

Liên quan đến thói quen rèn luyện võ thuật của ông Vũ Văn Sích còn một giai thoại khác. Ông rất thích rèn luyện đấm, đá vào những cái… cây ở trường và ở nhà. Năm 1991, khi ông hoàn thành sự nghiệp của mình với hàng trăm khóa huấn luyện, cả ngắn hạn và dài hạn cho các lớp học viên công an, một người trong cùng đơn vị với ông mới bảo: “Tôi biết ai là người “giết chết” cây chò chỉ ở sân trước”. Lúc đó ông mới giật mình rồi cười xòa. Đúng, ông là người đã làm cho cây chò chỉ hiện thời trước sân CATP Hà Nội bị lẻ bạn. Khi ấy chúng mới chỉ to cỡ bắp đùi, hằng đêm ông ra đó mà đấm, mà chặt. Ông cứ nghĩ nó không hề hấn gì, gỗ quý rễ sâu cơ mà. Ba năm ông “chiến đấu” với nó liên tục, bỗng một ngày người ta nhìn lên thấy cây chò chỉ trọc lốc và từng lớp vỏ đang bị lột dần. Ông kể đến đó thì vợ ông cả cười mà bảo: “Tôi cũng phải hy sinh cả một hàng cau lớn vì cái thói thích “chặt chém” của ông ấy rồi”. Thế nên cái chuyện ông luôn cả gan làm cây “chết đứng” chẳng phải chuyện đùa tếu.

Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người. Làm hỏng nhiều cây để tập võ, bù lại Thiếu tá Vũ Văn Sích đã góp phần đào tạo nên những chiến sĩ công an xuất sắc cho đất nước, cũng như để lại một huyền thoại, một tấm gương đẹp để thế hệ công an sau này noi theo.

Thành Nhân

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều