Đội tàu hộ vệ tên lửa – Niềm tự hào của Hải quân Việt Nam
Kể từ khi tiếp nhận đội tàu hộ vệ tên lửa từ Nga về Việt Nam, các cán bộ chiến sĩ đã nhanh chóng làm chủ các trang thiết bị, vũ khí hiện đại trên tàu.
Trước yêu cầu đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, thời gian qua, Hải quân nhân dân Việt Nam đã được trang bị nhiều loại tàu chiến hiện đại, có sức tấn công lớn, trong đó phải kể đến đội tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9. Đây là tàu chiến đấu được sản xuất tại Nga, có thể hoạt động tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng không quân, tàu ngầm để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển.
Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 có khả năng tìm kiếm tiêu diệt tàu ngầm, tàu mặt nước, máy bay địch; ngoài ra tàu còn có khả năng thả thủy lôi, bảo vệ cho đoàn tàu vận tải và chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ.
Kể từ khi tiếp nhận những con tàu này từ Nga về Việt Nam, các cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 162, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã không ngừng học tập, nhanh chóng làm chủ các trang thiết bị, vũ khí hiện đại trên tàu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có lệnh.
Đại tá Nguyễn Thiên Quân, Lữ trưởng Lữ đoàn 162 cho biết, ngay sau khi 2 tàu hộ vệ tên lửa 011 Đinh Tiên Hoàng và 012 Lý Thái Tổ cập cảng Cam Ranh vào tháng 3 và tháng 8/2011, Lữ đoàn 162 được Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ quản lý, huấn luyện, khai thác, sử dụng làm chủ các vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.
Hơn 6 năm sau (tháng 2/2017 và năm 2018 ) Tàu 015 Trần Hưng Đạo và Tàu 016 Quang Trung tiếp tục được biên chế về Lữ đoàn 162. Được Quân chủng Hải quân và Vùng 4 Hải quân tin tưởng giao quản lý, khai thác sử dụng các tàu hộ vệ tên lửa hiện đại bậc nhất hiện nay, đó là niềm vinh dự, tự hào của mỗi cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 162, song đó cũng là một trọng trách rất lớn.
Chính vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận tàu, mỗi cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn luôn nỗ lực rèn luyện, học tập cùng chuyên gia Nga để nhanh chóng làm chủ các trang thiết bị hiện đại tối tân và làm chủ hoàn toàn con tàu.
Mặc dù dưới cái nắng như nung tại Quân cảng Cam Ranh những ngày tháng 8, nhưng các cán bộ chiến sĩ các tàu hộ vệ tên lửa của Lữ đoàn 162 vẫn miệt mài huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại và các bảng bố trí chiến đấu, nêu cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi khi có tình huống xảy ra.
Trung úy Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng ngành– Tên lửa pháo, tàu 012 chia sẻ, không kể mưa hay nắng, ban ngày hay ban đêm, công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của tàu được tiến hành thường xuyên. Chính vì vậy, mỗi tiểu đội, mỗi ngành luôn phải tập trung, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Để làm chủ được con tàu hiện đại này, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải trải qua một quá trình học tập, nghiên cứu không mệt mỏi để điều khiển con tàu ngày càng vững vàng vượt trùng khơi, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Tàu hộ vệ tên lửa 011 Đinh Tiên Hoàng và 012 Lý Thái Tổ được Nga đóng theo đơn đặt hàng của Việt Nam. Tàu có chiều dài 102,4 m, rộng 13,7 m, lượng dãn nước toàn phần khoảng 2.100 tấn, tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ, tầm hoạt động khoảng 5.000 hải lý, thời gian hoạt động liên tục trên biển 20 ngày đêm, có thể chịu được sóng gió cấp 10-12.
Trên tàu được trang bị hệ thống vũ khí tấn công như tên lửa chống tàu Uran-E (Kh35) có khả năng tiêu diệt các tàu mặt nước của đối phương từ xa ở cự ly đến 130 km; Tổ hợp pháo hạm đa năng AK – 176 có tốc độ bắn 60-120 phát/phút và tổ hợp pháo AK – 630 tốc độ bắn từ 4500 – 5000 phát/phút có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển, ven bờ và trên không; tổ hợp pháo – tên lửa phòng không đa năng (Palma); ống phóng ngư lôi, boong tàu có bãi đáp cho trực thăng chống ngầm…
Thiếu úy Hoàng Đình Tiệp- Trưởng ngành hàng hải, tàu 012 Lý Thái Tổ cho biết, so với các tàu mặt nước khác thì lớp tàu Gepard 3.9 có nhiều vũ khí trang thiết bị mới, sử dụng kỹ thuật số và công nghệ thông tin, bên cạnh đó tài liệu chủ yếu là tiếng Nga nên để vận hành thành thục và làm chủ con tàu, mỗi cán bộ chiến sĩ ở mỗi ngành, mỗi bộ phận của tàu đã phải nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên đến nay, anh và các cán bộ, thủy thủ ở mỗi vị trí đều đã đảm nhận tốt công việc của mình.
Trung tá Hoàng Anh, Thuyền trưởng tàu 016- Quang Trung chia sẻ, mặc dù tàu mới được biên chế về Lữ đoàn 162 được hơn 1 năm, nhưng trong quá trình huấn luyện thực hiện nhiệm vụ, tàu Quang Trung luôn phối hợp, hiệp đồng tốt với các tàu khác trong lực lượng để triển khai các phương án tác chiến.
Những buổi diễn tập phối hợp hiệp đồng đã giúp cán bộ, thủy thủ tàu nâng cao trình độ, khả năng tác chiến và sẵn sàng chiến đấu cao. Bên cạnh đó tàu đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng. Chuyến thăm Liên bang Nga của tàu 016-Quang Trung mới đây với hải trình khoảng 4.600 hải lý có thể coi là một chuyến đi kỷ lục mới đối với các chiến hạm khác trong lực lượng.
Trong suốt hải trình đi và về qua các vùng biển Việt Nam, Trung Quốc, eo biển Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Liên bang Nga, mặc dù thời tiết phức tạp, sóng to gió lớn nhưng tàu đã đảm bảo tốt công tác tổ chức hành quân đúng thời gian, kế hoạch, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Cán bộ, thủy thủ Tàu 016-Quang Trung duy trì nghiêm túc công tác trực canh đi ca, trực quan sát, nhận dạng, đăng ký mục tiêu trên không, trên biển.
Đây là minh chứng cho quá trình rèn luyện, học tập không mệt mỏi của mỗi cán bộ thủy thủ tàu 016- Quang Trung và làm chủ hoàn toàn con tàu hiện đại. Chuyến đi này cũng là minh chứng cho nước chủ nhà và Hải quân các nước thấy sự tinh nhuệ, chính quy và khả năng làm chủ vũ khí, thiết bị kỹ thuật, cũng như khả năng hoạt động độc lập xa căn cứ dài ngày của Hải quân Việt Nam.
Là đơn vị nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển đảo của Vùng 4 Hải quân, cũng là đơn vị có đội tàu chiến hùng mạnh, trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ trên giao cho Lữ đoàn 162 ngày càng nặng nề. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đại tá Nguyễn Thiên Quân – Lữ trưởng Lữ đoàn 162 cho biết, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 162 đã tập trung huấn luyện chiến đấu, có nhiều đổi mới trong phương pháp huấn luyện để đạt kết quả cao nhất. Bên cạnh đó không ngừng giáo dục, xây dựng bồi đắp lòng trung thành, bản lĩnh, ý chí chiến đấu của cán bộ chiến sĩ trong toàn Lữ đoàn, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; bình tĩnh, tự tin giải quyết tốt các tình huống diễn ra trong quá trình tuần tra, tuần tiễu trên biển, bảo đảm đúng đối sách, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo được phân công quản lý.
Trong những năm qua, đội tàu hộ vệ tên lửa đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ như: việc độc lập thử tên lửa chống hạm, tổ chức huấn luyện đường dài, huấn luyện cất, hạ cánh trực thăng K28 trên tàu khi neo đậu và khi tàu đang hành trình, đặc biệt trong đợt diễn tập bắn đạn thật năm 2017, tàu 012 Lý Thái Tổ đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ bắn tên lửa, được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen.
Bên cạnh đó, đội tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 còn tham gia các sự kiện đối ngoại quốc phòng ở nhiều quốc gia tại nhiều vùng biển khác nhau. Những hoạt động này đã giúp tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, phát triển với hải quân, quân đội và nhân dân các nước trên thế giới, khẳng định năng lực, vị thế của Hải quân nhân dân Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Các tàu hộ vệ tên lửa Gepard của Việt Nam đã lần lượt thực hiện các chuyến thăm lịch sử tới Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2016, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 011-Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Việt Nam đã vượt gần 5.000 hải lý từ biển Đông qua eo biển Malacca tới Ấn Độ Dương để tham gia Lễ duyệt binh tàu hải quân quốc tế tại căn cứ hải quân Vishakhapatnam (Ấn Độ).
Năm 2018, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 015-Trần Hưng Đạo đã lập thêm một kỷ lục mới khi vượt qua hơn 5.000 hải lý đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Chuyến thăm Nga từ ngày 17/7-7/8 vừa qua của tàu 016-Quang Trung với hải trình 4.600 hải lý. Các chuyến đi của đội tàu hộ vệ tên lửa, Lữ đoàn 162 không chỉ làm nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng mà còn góp phần đánh giá năng lực chỉ huy hiệp đồng, trình độ thao tác làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật của cán bộ thủy thủ.
(Theo Thu Lan/VOV)