+
Aa
-
like
comment

Đời sống dân sự và quyền tự quyết

18/09/2019 16:25

Những ngày này, phong trào bãi công, bãi khóa của người dân Hongkong đang trở thành tâm điểm khiến cả thế giới phải chú ý.

Người Hongkong đang tranh đấu cho tương lai của họ. Ảnh: SCMP.
Người Hongkong đang tranh đấu cho tương lai của họ. Ảnh: SCMP.

Căn nguyên của làn sóng bất tuân dân sự (civil disobedience) bắt nguồn từ việc giới trẻ và trí thức Hongkong không chấp nhận để nền tư pháp mang đậm ảnh hưởng phương Tây của họ (di sản từ thời thực dân Anh) vốn đề cao tự do, minh bạch và công chính … bị cải biến theo hướng mà họ cho ngày càng suy đồi do sự can thiệp và thao túng của Bắc Kinh. Dự luật dẫn độ (cho phép chính quyền Hongkong dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc) mà bà trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) dự kiến thông qua rồi phải hủy bỏ, thực chất cũng chỉ là “giọt nước làm tràn ly”.

Phần lớn người Hongkong đều nhận thức rằng, nếu nền tư pháp lành mạnh mà họ đã dày công xây dựng (hay do thừa hưởng từ người Anh) bị Bắc Kinh thao túng thì các giá trị cốt lõi, trong đó có tinh thần dân chủ, thứ làm nên bản sắc (ADN) của Hongkong sẽ mất đi mãi mãi. Đó cũng là tình trạng trên thực tế đang xảy ra đối với nền giáo dục nổi tiếng là khai phóng và tôn trọng quyền tự do biểu đạt ý kiến cá nhân của xứ này. Ý đồ lồng ghép ý thức hệ Mác-xít vào chương trình giáo dục, hay việc tìm cách thay thế tiếng Quảng Đông (ngôn ngữ chính của ngươi Hongkong) bằng tiếng Quan Thoại đã khiến giới trẻ cực kỳ tức giận.

Năm 1997, khi người Anh bàn giao lại Hongkong cho Trung Quốc, cả hai bên đã cùng ký một cam kết, tôn trọng nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, để Hongkong tự do phát triển trong 50 năm trước khi tiến tới hoàn toàn hợp nhất. Thế giới phương Tây khi ấy cũng kỳ vọng mô hình thịnh vượng của Hongkong sẽ trở thành một kiểu mẫu cho những cải cách ở Đại lục. Trên thực tế, Trung Quốc đã tận dụng vô cùng tốt nguồn vốn tư bản từ Hongkong cho quá trình hiện đại hóa, đồng thời tạo nên nhiều trung tâm kinh tế – tài chính mới nổi như Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu, Bắc Kinh … cạnh tranh với chính Hongkong và khiến vai trò của Hongkong suy giảm. Chỉ sau 22 năm, mô hình này bắt đầu bộc lộ nhiều bất ổn, dẫn tới sự bất mãn tất yếu như hôm nay.

Nhiều năm liền, Hongkong liên tục giữ ngôi vị nền kinh tế tự do nhất thế giới.
Nhiều năm liền, Hongkong liên tục giữ ngôi vị nền kinh tế tự do nhất thế giới.

Có thể thấy sau 150 năm (1842 – 1997), mặc dù đã rời đi nhưng người Anh đã kịp cài lại cái gen yêu dân chủ, chuông công bình và căm ghét cường quyền bám rễ trong huyết quản của hàng triệu dân Hongkong. Chính điều đó đã thôi thúc họ đấu tranh để đòi hỏi một chính quyền thực sự đại diện cho mình, muốn Hongkong trở lại là Hongkong (Let Hongkong be Hongkong).

Trên mạng hiện đang lan truyền bài hát Nguyện vinh quang quy Hương Cảng (願榮光歸香港) hay Glory to Hong Kong (bản tiếng Anh) và nhận được rất nhiều ngợi khen xen lẫn đồng cảm. Trong lời tiếng Anh có câu: “The pearl we hold will always shine” (Viên ngọc chúng ta nắm giữ sẽ mãi sáng ngời), chữ “pearl” ở đây mang nghĩa là ngọc, dùng để chỉ Pearl of the Orient (tức hòn ngọc Viễn Đông). Người Hongkong tự hào gọi mảnh đất của họ là “viên ngọc”, không phải chỉ bởi sự thịnh vượng (nhiều năm liền nền kinh tế Hongkong được xếp số 1 thế giới về môi trường kinh doanh tự do, nằm trong top 3 thị trường tài chính lớn nhất thế giới, nơi được hàng trăm tập đoàn đa quốc gia lựa chọn đặt văn phòng …) mà còn nằm ở tinh thần tự do, cởi mở, phóng khoáng và bao dung – cái chất “ngọc” mà không phải mảnh đất nào ở vùng Viễn Đông cũng có. Câu khẩu hiệu cuối bài hát: Quang Phục Hương Cảng – Thời Đại Cách Mệnh (光復香港 – 時代革命) cũng gợi nhớ cho chúng ta rất nhiều điều về tinh người yêu nước của người Việt Nam hồi cuối thế kỷ 19 – đầu 20 (các nhà cách mạng Việt Nam đã từng có nhiều mối liên hệ với Hongkong, và Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được tổ chức tại đây năm 1930).

Trong quá khứ, để cạnh tranh với nhau, cả thực dân Anh và Pháp đều gọi các thuộc địa của mình bằng những mỹ từ như Pearl of the Orient (tiếng Anh, dùng để chỉ Hongkong) hay la perle de l’Extrême-Orient (tiếng Pháp, chỉ Sài Gòn). Tại Đông Dương, trong tầm nhìn xây dựng Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn, người Pháp khi ấy đã rất kỳ vọng những nơi này có thể cạnh tranh và vượt qua Hongkong hay Singapore (hai trung tâm thương mại lớn của người Anh ở hải ngoại). Tại Hongkong hôm nay cũng đang có những con đường mang tên 3 địa danh nổi tiếng của Việt Nam (Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn) tại khu phố trung tâm sầm uất.

Nhiều tài liệu nghiên cứu có giá trị, như cuốn Lịch sử Doanh nghiệp và Công nghiệp ở Sài Gòn và Nam Kỳ từ giữa thế kỷ XIX đến 1945 của TS. Nguyễn Đức Hiệp (Úc) cho thấy, trong thời Pháp thuộc và trước năm 1975, mặc dù chưa thịnh vượng và có mức độ tập trung tư bản cao như Hongkong, song Sài Gòn lại sở hữu một nền tảng cơ sở hạ tầng và công nghiệp rất tốt, nếu không phải do chiến tránh tàn phá và những sai lầm sau đó trong thời bao cấp thì chắc chắn đã thịnh vượng hơn bây giờ rất nhiều.

Mặc dù đang bị bỏ khá xa, nhưng cái chất “ngọc”, tinh thần phóng khoáng, cởi mở và bao dung của mảnh đất này hãy vẫn còn đó, chỉ cần gặp chính sách tốt là hoàn toàn có thể cất cảnh. Trên thực tế, những bất ổn mà Trung Quốc Đại lục, Hongkong và Đài Loan đang gặp phải rất có thể sẽ trở thành cơ hội lớn cho Việt Nam vươn lên, chí ít là để đón đầu làn sóng đầu tư mới cùng sự chuyển dịch chuỗi cung ứng. Vấn đề chính nằm ở Việt Nam, làm sao để tận dụng tốt vận hội này?

Các khảo cứu của TS Nguyễn Đức Hiệp cho thấy Sài Gòn đã từng có một nền tảng công nghiệp và cơ sở hạ tầng vượt trội so với phần còn lại của khu vực Đông Nam Á. Ảnh: NXB Tổng hợp TP HCM.
Các khảo cứu của TS Nguyễn Đức Hiệp cho thấy Sài Gòn đã từng có một nền tảng công nghiệp và cơ sở hạ tầng vượt trội so với phần còn lại của khu vực Đông Nam Á. Ảnh: NXB Tổng hợp TP HCM.

Trong tâm trạng khát khao đổi đời, nhiều cuộc đối thoại nhằm khơi dậy tiềm năng của đất nước đã thường xuyên được tổ chức ở Việt Nam. Mới đây, tại Hội thảo “Thúc đẩy đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển” hôm 13/9 tại Hà Nội, TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright – đã thẳng thắn phát biểu, rằng một số thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ không thể có động lực phát triển trước những bất cập hiện nay trong chính sách tài khóa, thu chi, phân bổ ngân sách, … (chẳng hạn TP. HCM, thu 100 đồng nhưng chỉ được giữ 18 đồng, không thể đủ vốn đầu tư cho hạ tầng), từ đó đề xuất nhà nước cần sớm điều chỉnh, trao nhiều nguồn lực và quyền tự quyết hơn cho các cực tăng trưởng quan trọng này. Tuy nhiên chỉ những sửa đổi về mặt kỹ thuật thôi là chưa đủ, Việt Nam cần cải cách nhiều hơn thế, nhất là từ thượng tầng thể chế, một cách toàn diện và sâu rộng … để thật sự “hoá rồng”.

Nhìn vào những gì đang diễn ra ở Hongkong, giới lãnh đạo Việt Nam có lẽ sẽ phải suy ngẫm nhiều. Nhưng điều quan trọng hơn là cần biết vận dụng, vừa duy trì được sự ổn định song cũng cần phải đưa đất nước phát triển đột phá. Trước đòi hỏi thực tiễn đó, cơ chế tản quyền (ủng hộ và sớm thiết lập các chính quyền đô thị, cải cách bầu cử để người dân địa phương tự chọn ra người tài lãnh đạo mình) và checks and balances (kiểm soát – cân bằng) nên được xem xét. Chỉ khi đời sống dân sự lẫn quyền tự quyết được nới lỏng thì bản sắc của một đô thị (hay cả quốc gia) mới được phát huy và thăng hoa.

Phạm Nhật

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều