Đòi nợ kiểu OCB: Biết tin vào ai bây giờ?
Thông tin về đường dây đòi nợ thuê cho các ngân hàng, tổ chức tài chính dưới mác Công ty Luật TNHH Pháp Việt gây chấn động dư luận. Chưa kịp hoàn hồn, những phương thức mà tổ chức đòi nợ thuê thực hiện để xử lý đơn hàng của ngân hàng OCB (Ngân hàng TMCP Phương Đông) càng khiến dư luận khiếp sợ. Vay ngân hàng giờ có khác gì cho vay nặng lãi đâu?
Có ai không rùng mình khi đọc những tin tức này, để đòi được món nợ xấu từ một người dân ở Tiền Giang nhóm người Pháp Việt đã dùng rất nhiều số điện thoại để gọi điện khủng bố khách hàng. Sau khi lấy được 10 triệu lại tiếp tục gọi điện, nhắn tin cho giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường nơi con gái khách hàng theo học. Sau đó, yêu cầu cho cháu bé “nghỉ học để gia đình giải quyết nợ” nếu không sẽ “không để yên cho gia đình các giáo viên”. Khủng khiếp hơn nữa, nhóm đối tượng này còn mua một bình gas, yêu cầu giao đến trường con khách hàng theo học và gọi điện, buộc cô giáo ra nhận nếu không “sẽ cho nổ cả trường”. Chưa hết, nhóm người ở công ty Pháp Việt còn bắt buộc khách hàng phải trả hơn 100 triệu đồng cho khoản vay 50 triệu trước đó. Thật khó có thể tưởng tượng nếu không có sự vào cuộc của cơ quan công an bao nhiêu nạn nhân sẽ bị dùng luật giang hồ đòi nợ như vậy? Người lớn đã đành, còn những đứa trẻ vô tội cũng bị liên lụy theo. Họa may vô tình mà nổ cả trường thì không biết hậu quả sẽ thế nào! Quá bất nhẫn!
Thực ra việc khách hàng không có khả năng thanh toán cũng là một áp lực rất lớn đối với những ngân hàng thương mại. Và việc thuê một bên thứ ba để thanh khoản những khoản nợ xấu là điều đã từng xuất hiện. Tuy nhiên, đòi nợ như đơn hàng từ OCB thì rất đáng bị lên án. Bởi đây không phải là lần đầu tiên OCB bị tố cáo thuê giang hồ đòi nợ. Đơn thư tố cáo của nạn nhân vẫn còn khắp các trang báo chỉ cần vài thao tác gõ là ra. Lãnh đạo OCB cũng từng thừa nhận thuê bên đối tác thứ ba đòi nợ và khẳng định chắc nịch, nếu trường hợp OCB nhận được khiếu nại của khách hàng rằng phía đối tác đe dọa, vu khống… thì ngân hàng sẽ phải làm việc lại với phía đối tác. Tuy nhiên, sau 2 năm khi cơ quan công an vào cuộc thì những lời tố cáo vẫn y nguyên!? Lời khẳng định của lãnh đạo ngân hàng chỉ để trấn an dư luận chăng?
Đúng là khách hàng cũng có một phần lỗi trong sự việc này, nhưng mỗi khi vay trong hợp đồng giữa ngân hàng và khách hàng đều đã có những cam kết rõ ràng về trường hợp xử lý nợ xấu. Có nghĩa là ngân hàng cũng đã nắm phần nào đằng chuôi. Tại sao vẫn có những kiểu hành xử giang hồ như thế? Và có phải chăng là chỉ mỗi OCB hay còn rất nhiều ngân hàng khác nữa mà cơ quan chức năng chưa công bố?
Mọi thắc mắc trước sau cũng sẽ được cơ quan chức năng giải đáp. Và việc xử lý các đối tượng có hành vi khủng bố coi thường pháp luật là điều tất nhiên nhưng thiết nghĩ trong trường hợp này cũng nên xem xét trách nhiệm của các ngân hàng, tổ chức tài chính khi gửi đơn hàng cho Pháp Việt. Đồng thời, đây cũng là một lỗ hổng pháp luật cần được quy định lại để đảm bảo đúng và đủ chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh của mỗi ngân hàng. Đừng để người dân phải lắc đầu ngán ngẩm mà thốt lên rằng, giờ biết tin ai? Và cũng từ đó tăng thêm những quy định chặt chẽ để đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi của khách hàng và ngân hàng.
Công Luân