Đổi mới tư duy
Lịch sử chứng minh, khi thay đổi tư duy hay đổi mới tư duy, chúng ta luôn tạo ra động lực lớn và phương pháp mới vượt qua khó khăn, thách thức, mang lại thành công vang dội mà trên nền tảng tư duy cũ khó hình dung được.
Chuyện mạng internet
Một ngày trong tháng 12 năm 1996, Chủ tịch HĐQT VNPT Đỗ Trung Tá khệ nệ đưa hơn 10 chiếc máy tính vào một phiên họp của Ban chấp hành Trung ương. Ông thuyết trình trước cơ quan lãnh đạo cao nhất về sự tiện lợi cũng như bất cập của mạng internet. “Tôi nói, internet là mạng chứa trí tuệ của nhân loại. Việt Nam kết nối thì được lợi rất nhiều”, ông kể lại.
Lúc đó, internet mới phổ biến được khoảng 10 năm ở Mỹ, và ở Việt Nam vẫn còn e dè vì sợ những thông tin “xấu, độc”. Đất nước vừa ra khỏi bao vây, cấm vận được vài năm. Tổng Bí thư Đỗ Mười hỏi, nếu có nhiều thông tin “khói lửa” thì “tường lửa” của các ông có chặn được không? Ông Tá khẳng định là có. Để thuyết phục Trung ương, ông nói thêm: “Chúng ta không sợ việc đó. Quản lý đến đâu phát triển đến đó”. Rất may, bài thuyết trình của ông Tá – lúc đó là ủy viên trung ương – được Tổng Bí thư Đỗ Mười và Trung ương đồng ý để một năm sau, tháng 12 năm 1997 Việt Nam chính thức kết nối internet toàn cầu.
Nhưng 2-3 năm sau đó, internet không phổ biến lan tỏa được vì nhiều lý do. Lúc đó, ông Tá và nhiều lãnh đạo các cơ quan khác đã nhiều lần thảo luận để đến năm 2000 Trung ương ra Chỉ thị 58 về ứng dụng công nghệ thông tin với tinh thần “quản lý phải theo kịp tốc độ phát triển”.
Internet là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ XX và có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế toàn cầu. Những lãnh đạo thời đó nếu không nắm bắt được cơ hội, không đủ dũng khí để đưa ra quyết định kết nối internet lúc đó thì có thể Việt Nam phải chậm thêm vài năm. Mà mất cơ hội là mất thêm rất nhiều thứ khác đi kèm.
“Quan trọng nhất là phải thay đổi được tư duy và có những người dám quyết”, ông Tá nói.
Đổi mới từ cơ sở
Năm 1966, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ông Kim Ngọc họp tỉnh ủy để ra được văn bản triển khai khoán hộ. Ông nhận thấy, mô hình hợp tác xã – đang triển khai rầm rộ lúc đó – đã làm bần cùng hóa xã viên, những người chỉ được được 2 đến 3 lạng thóc/1 công. Lúc đó, nông nghiệp đình đốn, hợp tác xã tan rã, đời sống nông dân ngày càng khó khăn, thiếu lương thực trầm trọng.
“Khoán hộ” đã ngay lập tức mang lại hiệu quả cho Vĩnh Phú nhưng bị coi là “đốt cháy giai đoạn”, không phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa của Trung ương và được coi là một sự “vượt rào”, vi phạm “nghiêm trọng” đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp “cải tạo dần dần nền nông nghiệp theo chủ nghĩa xã hội”. Thực hiện quy luật này, hợp tác hóa nông nghiệp được tiến hành trên diện rộng, làm cả nươc thiếu đói.
Mãi sau này, năm 1981 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW và năm 1988 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW (Khoán 10) coi hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, làm thay đổi căn bản nền kinh tế nông nghiệp của cả nước.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, Việt Nam đã chuyển từ nước nhập khẩu lương thực sang nước xuất khẩu lương thực. Và nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trong khi mỗi năm dân số tăng thêm trên 1 triệu người, đất canh tác nông nghiệp hẹp lại do phát triển đường giao thông, công nghiệp và đô thị.
Nếu không thay đổi tư duy, khăng khăng “cải tạo dần dần nền nông nghiệp theo chủ nghĩa xã hội” thì Việt Nam làm gì trở thành nước sản xuất nông sản hàng đầu thế giới như hiện tại?
Trong cả quá trình lịch sử của Đổi mới, xuất hiện rất nhiều những ví dụ về đổi mới tư duy dẫn đến những thành tựu kinh tế vô cùng to lớn, trong đó, đáng kể nhất là thông qua đường lối phát triển nền kinh tế đa thành phần từ đơn thành phần, thu hút và cổ vũ được toàn thể người dân phát triển kinh tế.
Một thế giới mới
Hiện nay, khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu về đổi mới tư duy lại tiếp tục xuất hiện để Việt Nam vương lên vượt bậc. Cơ hội của Việt Nam là có. Theo phân tích của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Internet vạn vật (IoT) là một công nghệ nền tảng của cuộc CMCN lần thứ 4. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những vật vô tri vô giác cất tiếng nói và giao tiếp với nhau và với con người. Chúng ta đã quen với thế giới 7 tỷ người, nhưng thế giới với hàng ngàn tỷ sự vật tham gia thì quả là chưa thể tưởng tượng được. “Nhưng đây lại là cơ hội to lớn cho những ai dám chấp nhận một thế giới mới khác biệt, dám làm chủ nó và đi đầu. Một cách tiếp cận khác biệt, một cách nhìn khác biệt, rất Việt Nam, sẽ giúp Việt Nam đi đầu về IoT”, ông Hùng nói.
Ông hình dung, về cơ bản, mỗi hộ gia đình Việt Nam một đường truyền cáp quang, mỗi người dân một máy smartphone và hạ tầng di động 5G phủ rộng, ưu tiên cho IoT trước, thì Việt Nam chúng ta sẽ là một trong số ít nước đảm bảo tốt hạ tầng kết nối IoT. Ông nói, “đi sau thì có thể đi trước và phải đi trước. Xã hội chúng ta chưa được tự động hoá nhiều, chưa ảo hoá nhiều. Các nước phát triển thì mức độ ảo hoá cao hơn nhiều, nhưng lại là sử dụng công nghệ cũ, chưa phải IoT, không dễ để bỏ đi hạ tầng đã đầu tư rất lớn. IoT thì rẻ hơn, dễ triển khai hơn, và vì thế chúng ta có thể và nên đi thẳng vào IoT để ảo hoá thế giới vật lý, bằng cách này, chúng ta sẽ đi trước, cũng giống như các nước Châu Á vì đi sau về ngân hàng, về Banking theo cách truyền thống nên lại thành công nhất về sử dụng Mobile Banking. Nên coi IoT là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng ICT trên thế giới”.
Tư duy của ông Hùng được nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đặc biệt thích thú”. Ông Cung nói: “Tôi rất chú ý đến cách tiếp cận Sandbox: Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển, nhưng trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định. Nếu nhà nước chưa nhận diện được những vấn đề mới mà lại cố áp đặt cách quản lý cũ vào thì sẽ kìm hãm phát triển”.
Lý do, ông Cung phân tích, lâu nay Việt Nam vẫn luôn duy trì cách tiếp cận là năng lực quản lý đến đâu thì mở cho thị trường đến đó; hay luôn nhấn mạnh là phải nâng cao hiệu quả quản lý. Cách tiếp cận này phải thay đổi. Làm sao không nghĩ là năng lực quản lý phải theo kịp với tốc độ phát triển; không theo kịp mà vẫn cố gắng quản lý nó là kìm hãm, bóp nghẹt phát triển.
Đổi mới tư duy
Nhu cầu đổi mới tư duy ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng 4.0 tràn làn trên thế giới cũng được nhiều lãnh đạo nhìn nhận. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong bài viết mới đây: “Bất cứ quốc gia dân tộc nào muốn trở nên thịnh vượng đều phải huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phục vụ cho phát triển. Đối với Việt Nam, để hoàn thành tốt các mục tiêu Đại hội XII của Đảng đã đề ra và tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thập niên tới đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực”.
Không như trước đây, những cải cách, đổi mới thường xuất hiện ở cơ sở, cụm từ “đổi mới tư duy” đã xuất hiện ở lãnh đạo quốc gia. Theo Thủ tướng, thực tiễn hơn ba thập niên đổi mới đất nước cho thấy, mỗi khi nguồn lực của đất nước được giải phóng tối đa và sử dụng có hiệu quả thì tạo được thành tựu bứt phá trong phát triển. Ngược lại, những thời điểm nguồn lực không được khai thông, các tiềm năng, lợi thế không được phát huy đầy đủ, khi đó nền kinh tế bị rơi vào trì trệ, suy giảm động lực phát triển.
Đó là những tổng kết rất đúng và trúng xét trong suốt chiều dài lịch sử.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định đến lúc cần “đổi mới tư duy” để phát triển đất nước. Ông nói: “Chìa khóa để làm đất nước trở nên thịnh vượng là cải cách thể chế. Chúng ta cần tiếp tục cải cách, đổi mới để tiếp cận đến những giá trị của kinh tế thị trường, và nắm bắt được các xu hướng mới của thế giới, nếu không làm sẽ mất đi cơ hội. Điều quan trọng nhất là luật pháp, chính sách phải lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể để cùng đồng hành; hỗ trợ sao cho người dân, doanh nghiêp tin tưởng đầu tư kinh doanh và phát triển được hết các tiềm năng”.
Những ví dụ như trên, từ kết nối Internet đến Khoán 10, và còn nhiều nữa của thực tế cuộc sống, của nhiều lãnh đạo cho thấy, đổi mới tư duy sẽ mang lại động lực lớn cho phát triển. Mọi đường lối, chính sách lớn, nhỏ của quốc gia đều do con người nghĩ ra, phụ thuộc vào tư duy của con người.
Tư Giang/VNN