Đổi mới giáo dục hướng ‘chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa’ thiếu tính thời đại
Góp ý cho dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, GS.TS Phạm Tất Dong đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến sự sống còn của công tác đổi mới giáo dục và đào tạo.
GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương đánh giá, một số vấn đề trong các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng khoá XIII vẫn thiên về định tính khái quát hơn là làm rõ thực trạng của sự kiện, hiện tượng đã và đang diễn ra, bổ sung thêm các xu thế phát triển của GD&ĐT trong giai đoạn tới.
BBT giới thiệu bài viết góp ý thêm cho Văn kiện Đại hội XIII các nội dung nêu trên của GS.TS Phạm Tất Dong.
Nhìn nhận đúng, dám nêu lên hạn chế
Trong tuần qua (từ 22 đến 28/10/2020) tôi đọc 4 văn kiện dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030; dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025; dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Các văn kiện là khối tư liệu đồ sộ về các số liệu, các quan điểm chỉ đạo, các nhận định mang tính chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ công tác Đảng giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 10 năm sắp tới. Qua các tư liệu Đại hội, tôi ấn tượng nhất là nhiệm kỳ 2016 – 2020 đã có những thành công lớn lao, nâng tầm quốc gia trên thang phát triển của thế giới hiện đại. Mặt khác, cũng thấy rất rõ những nguyên nhân thành công và chưa thành công, nhiều thách thức mà quốc gia đang đối diện, những việc toàn Đảng, toàn dân phải làm để bảo vệ chủ nghĩa xã hội, bảo vệ và phát triển Đảng trong thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, đi sâu vào những đánh giá, những nhận định và những chủ trương chính sách phát triển đất nước, phát triển Đảng, tôi nhận thấy, cách viết vẫn thiên về định tính khái quát hơn là làm rõ thực trạng của những sự kiện, hiện tượng đã và đang diễn ra.
Ví dụ tại trang 3, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII, nêu: “Chương trình và sách giáo khoa phổ thông đang được triển khai đúng lộ trình”.
Nếu chỉ đánh giá như vậy thì hoàn toàn là ưu điểm. Nhưng, việc đúng lộ trình này không suôn sẻ, bởi vừa mới cho triển khai đã phải “tu sửa”, ảnh hưởng đến tiến trình dạy học ở lớp 1. Điều đáng nói là dư luận cũng không đồng tình với Hội đồng viết sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Uy tín của ngành giáo dục một lần nữa bị suy giảm.
Cùng với đó, trước thềm Đại hội XIII, Đảng và Nhà nước có một số Nghị quyết, Quyết định hết sức quan trọng đối với sự phát triển giáo dục. Cụ thể là, với việc xây dựng mô hình nhân cách và nhân lực trong quốc gia chuyển đổi số. Các chủ trương đó được ra trong Kết luận 49-KL/TW (10/5/2019) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW (13/4/2007) của Bộ Chính trị “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” tới năm 2030; Quyết định 489/QĐ-TTg (08/4/2020) của Thủ tướng phê duyệt những Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có rất nhiều vấn đề về con người và nhân lực xây dựng mô hình “Công dân học tập”, mô hình “Đơn vị học tập” … Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định 749/QĐ-TTg (03/6/2020) của Thủ tướng, phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia…
Nếu trong các văn kiện của Đại hội XIII không đặt phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2025 theo những Nghị quyết và Quyết định trên thì định hướng kinh tế – xã hội, giáo dục – đào tạo có làm theo các văn bản này không? Chúng ta cần làm rõ điểm này.
Đồng thời, trong các dự thảo văn kiện của Đại hội XIII, vấn đề con người và nguồn nhân lực không được đặt trong trong mối liên hệ biện chứng. Hơn nữa, các chuyên gia biên soạn các văn kiện này đã đánh đồng khái niệm “Nguồn nhân lực” với khái niệm “Nhân lực”.
Nếu như vậy thì sự phát triển giáo dục sẽ lệch một phía nguồn nhân lực, coi nhẹ nhân lực đang hiện có trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quốc phòng, an ninh, văn hóa, nghệ thuật. Chúng ta cần tác biệt rõ hai khái niệm này và không thể thiếu trong văn kiện.
“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”
Trong dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vẫn tiếp tục viết: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế…”
Tôi cho rằng viết như vậy là thiếu tính thời đại và không tiếp cận với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tôi đề xuất nên sửa như sau: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng mở, số hóa, dân chủ hóa, thực hiện giáo dục thực nghiệp, khai phóng, khởi nghiệp và hướng nghiệp, bình đẳng về cơ hội và công bằng về điều kiện tiếp cận với thành quả của nền giáo dục hiện đại, bảo đảm cho mỗi người được giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục và học tập suốt đời.
Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế…là thiếu tính thời đại
GS.TS Phạm Tất Dong
Xây dựng một hệ thống giáo dục kết nối và chia sẻ trên cơ sở xây dựng hệ sinh thái giáo dục kỹ thuật số, thực hiện sự chuyển đổi số trong trường học các cấp, trong các ngành học và bậc học, xây dựng những công dân học tập với đầy đủ những năng lực cốt lõi (Key competencies), bao gồm những kỹ năng cơ bản, những phẩm chất mong muốn của thế kỷ XXI.
Gắn kết giáo dục ban đầu với giáo dục tiếp tục, giáo dục chính quy với giáo dục không chính quy và phi chính quy, giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Xây dựng nhà trường và các cơ sở giáo dục thông minh, hình thành tư duy phản biện, tư duy toàn cầu. Từng bước phổ cập nghề, phổ cập ngoại ngữ, phổ cập công nghệ thông tin và từng bước đại chúng hóa tri thức, học vấn đại học cho quảng đại quần chúng.
Đầu tư ưu tiên cho phát triển giáo dục đại học và giáo dục người lớn trên cơ sở giáo dục phổ thông được phổ cập vững chắc. Dựa vào các trường đại học, các cao đẳng nghề và các doanh nghiệp để tạo ra nguồn tài nguyên giáo dục mở với khối lượng học liệu đủ lớn đáp ứng mọi nhu cầu học vấn của nhân dân.
“Con người phát triển toàn diện”
Trong dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XII và nhiều khoá trước đó đều đề cập vấn đề “con người phát triển toàn diện”, kể cả khi xã hội của ta trong thời kỳ trong giai đoạn 2.0 và 3.0. Đến nay vẫn tiếp tục viết như vậy và gần như không có sự thay đổi ở cụm từ này.
Cần xem xét lại, vì cụm từ này không hợp lý với thời cuộc hiện nay. Chẳng lẽ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng chỉ yêu cầu về con người toàn diện chung chung như 2.0 và 3.0 trước đây. Vì thế, tôi cho rằng, nên dùng một khái niệm mà thế giới hiện đại thường dùng: “Công dân học tập” (Learning Citizen).
Lý do tôi lựa chọn cụm từ “Công dân học tập” là bởi, Đảng ta chủ trương xây dựng xã hội học tập từ Đại hội IX đến nay, về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, nên dùng công dân học tập với tư cách là thành viên của xã hội học tập. Trong số các quốc gia đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã hội học tập, mô hình công dân học tập được hiểu là người dân có những năng lực cốt lõi, những kỹ năng cơ bản và những giá trị mong muốn mà thế kỷ XXI đòi hỏi.
Trên thực tế, năm 2021 sẽ là năm thử nghiệm mô hình công dân học tập trên quy mô toàn quốc theo Quyết định 489/QĐ-TTg và từ năm 2022 đến năm 2030, Thủ tướng sẽ ban hành bộ chỉ số đánh giá mô hình công dân học tập của Việt Nam. Như vậy, toàn quốc sẽ triển khai mô hình này đồng loạt từ năm 2022.
Ngoài ra, cụm từ “Công dân học tập” cũng sẽ bao hàm thêm nội dung “công dân số”. Bởi theo Quyết định 749/QĐ-TTg, chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đến 2025 về hạ tầng mạng lưới băng thông cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và trên 100% xã; phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; trong điều kiện phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, người dân sẽ là trung tâm của chuyển đổi số. Do vậy, bất kỳ người dân nào cũng đều phải có năng lực sử dụng các thiết bị di động thông minh làm phương thức hoạt động, giao lưu, tương tác với người khác, với tổ chức, với cộng đồng mà mình là thành viên.
Đó là công dân số – một mô hình mới mà văn kiện Đại hội XIII của Đảng cần nhắc tới. Trước khi trở thành công dân học tập, người dân phải phấn đấu trở thành công dân số.
Nguồn nhân lực chất lượng cao
Trong văn kiện chỉ thấy nói đến nguồn nhân lực (Human Resources), mà không nói đến nhân lực (Human power). Giáo dục ban đầu (Initial education) đào tạo ra nguồn nhân lực; giáo dục tiếp tục (Continuing education) đào tạo, bồi dưỡng nhân lực.
Giáo dục ban đầu (bao gồm các thiết chế giáo dục chính quy từ nhà trẻ, mẫu giáo đến đại học) dành cho đào tạo thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ chưa tham gia vào sản xuất, mới là lực lượng xã hội của tương lai. Ở nước ta, hệ thống giáo dục ban đầu chịu trách nhiệm đào tạo cho trên dưới 25 triệu trẻ em, thanh thiếu niên thành người công dân, thành người lao động, thành chiến sĩ, thành cán bộ.
Trong khi đó, giáo dục tiếp tục do hệ thống giáo dục thường xuyên (không chính quy), bao gồm các cơ sở giáo dục cộng đồng, các nhà văn hóa, các donah nghiệp, các cơ sở đào tạo của các đoàn thể… chịu trách nhiệm về bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên kỹ thuật, người cao tuổi, người khuyết tật, người thất nghiệp… (khoảng 65 triệu). Chính hệ giáo dục tiếp tục mới làm chức năng học tập của người lớn cho đến cuối đời của con người.
Nói đến xã hội học tập mà không nói đến giáo dục thường xuyên, đến những cơ sở giáo dục dành cho người lớn mà đặc biệt là doanh nghiệp, các hợp tác xã, các trường lớp không chính quy (Non-formal education), các cơ quan có khả năng và chức năng giáo dục phi chính quy (Informal education) thì chúng ta sẽ không tạo ra được nền kinh tế có sức cạnh tranh quốc tế, không hi vọng có hàng hóa gắn mác made by Vietnam, mà giỏi lắm chỉ có sản phẩm made in Vietnam.
Ưu tiên đầu tư cho giáo dục
Trong dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 có câu: “Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học, đưa chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu…”.
Tôi xin thẳng thắn đánh giá, đây là một quan niệm giáo dục “không hiện đại”, “thiếu tầm chiến lược thời đại”. Một Việt Nam đi vào Cách mạng công nghiệp 4.0 lại đặt giáo dục mẫu giáo và tiểu học một cách duy nhất, không quan tâm đến giáo dục đại học, không có tư tưởng xóa mù chức năng, phổ cập nghề, phổ cập công nghệ thông tin, phổ cập ngoại ngữ là đi giật lùi lịch sử giáo dục.
Chúng ta sắp phổ cập giáo dục bậc trung học, sao lại không tính đến chiến lược đầu tư ưu tiên cho đại học, xây dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế. Đây là nơi duy nhất có năng lực đào tạo nguồn nhân lực cao nhất trong quốc gia và cũng là nơi giúp cho giáo dục người lớn học tập suốt đời để thành nhân lực cao với tư cách là lực lượng lao động tại chỗ hùng mạnh.
GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương.