+
Aa
-
like
comment

Đổi mới chương trình học lớp 1 làm phụ huynh bối rối

Hải Anh - 05/10/2020 17:48

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xôn xao nhiều câu chuyện xoay quanh về chương trình dạy học của học sinh lớp 1. Từ trên các diễn đàn mạng xã hội đến cổng trường tiểu học đi đâu cũng nghe thấy các bậc phụ huynh bàn luận về chương trình SGK lớp 1 mới năm nay. 

Cần đổi mới

Chương trình lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đang bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021 được thiết kế với 420 tiết trong năm học. Ở chương trình lớp 1 trước đây, số tiết môn Tiếng Việt cho năm đầu tiên tới trường của các em là 350 tiết. Tuy nhiên, qua hơn ba tuần học, nhiều phụ huynh, giáo viên phàn nàn sách quá nhiều chữ, khó hiểu, thiết kế các bài học với tốc độ nhanh khiến học sinh không thể tiếp thu.

Từ trên các diễn đàn mạng xã hội đến cổng trường tiểu học đi đâu cũng nghe thấy các bậc phụ huynh bàn luận về chương trình SGK lớp 1 mới năm nay.

Thực tế, không phải ngẫu nhiên mà Bộ GD&ĐT đưa ra chương trình giáo dục mới cho học sinh lớp 1 bởi đổi mới cũng rất cần cho giáo dục, để theo kịp sự tiến bộ của giáo dục thời đại. Đứng trên phương diện của Bộ Giáo dục để suy nghĩ thì việc đổi mới này là cần thiết, phù hợp và để có được chương trình hoàn chỉnh này Bộ đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu chương trình mới có quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng năm học rõ ràng. “Khi ban hành chương trình có rất nhiều công đoạn, trong đó có tổ chức thực nghiệm, lấy ý kiến và được Hội đồng thẩm định quốc gia công bố. Vậy nếu chương trình đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định với những quy trình chặt chẽ, mới bước đầu đưa vào cuộc sống mà nhận định là khó hay nặng, thì nhận định trên là chưa đủ căn cứ xác đáng”, đại diện Bộ Giáo dục khẳng định.

Ví dụ, về việc nội dung chương trình Tiếng Việt mới tăng từ 350 lên 420 tiết nhằm mục đích giúp học sinh đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt từ đó tạo tiền đề cho học sinh học tốt các môn khác. Còn nhớ 20 năm trước, lần thay đổi chương trình năm 2000, dư luận cũng phản ứng tương tự với sách mới nhưng rồi mọi việc dần ổn định. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện, Bộ cũng sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, phản biện, vấn đề phát sinh. Khi có đầy đủ căn cứ khoa học, qua các giai đoạn, đánh giá nhiều mặt, chương trình sẽ được điều chỉnh kịp thời.

Tôi cũng đã xem qua chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới, đúng là có hơi nặng hơn xưa một chút nhưng không phải là không học được. Nó là vượt khả năng của các bậc phụ huynh với tư duy cũ nhưng với giáo viên và học sinh cùng phương pháp giảng dạy mới thì chưa chắc. Chúng ta đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên con trẻ, trẻ con bây giờ làm được rất nhiều thứ mà người lớn chúng ta không làm được nhất là khi chúng được tiếp cận với khoa học và phương pháp tư duy, phương pháp giáo dục mới.

Những cũng cần cầu thị hơn

Tuy nhiên, trong câu chuyện này chúng ta cũng cần đứng từ phía phụ huynh để suy nghĩ. Thực tế, khi đổi mới một điều gì đó thời gian đầu cũng sẽ khó thích nghi, nhất là đối với lứa tuổi học sinh lớp 1 vừa bỡ ngỡ với những con chữ và với cả bậc phụ huynh vốn quen với lối kiến thức xưa cũ. Do đó, việc phụ huynh kêu ca chương trình nặng là điều dễ hiểu.

Hãy thử nghĩ xem, khi chạy một chiếc xe máy cũ, gắn bó lâu năm, người ta biết rõ từng thao tác với nó để điều khiển trơn tru. Trong khi với chiếc xe mới, phải mất một thời gian mới có cảm giác này. Nó tương tự việc giáo viên, phụ huynh từ một bộ sách cũ chuyển sang một bộ sách mới.

Trong việc đổi mới sách giáo khoa cho các em học sinh, thiết nghĩ Bộ Giáo dục cần cầu thị hơn lắng nghe ý kiến của giáo viên, phụ huynh chứ không thể dừng lại ở việc lấy ý kiến thảo luận của các nhà khoa học. Bởi có những điều mà phụ huynh, giáo viên sẽ hiểu tâm lý học sinh, con trẻ, biết chúng thích gì, muốn gì, hứng thú với những gì hơn các nhà khoa học.

Theo tôi, để xây dựng chương trình tốt nhất, trước tiên cần phải bàn bạc cho ra: Triết lý giáo dục của chúng ta là gì? Chúng ta mong muốn đạt được mục đích gì thông qua chương trình đó? Rồi sau đó mới đến bước xây dựng chương trình cho từng bậc học, lớp học. Cần có sự chia sẻ và phổ biến các thông tin, các kinh nghiệm của nước ta từ trước tới nay và kinh nghiệm các nền giáo dục tiên tiến nước ngoài. Khi biên soạn, cần tổ chức cho nhiều nhóm tác giả cùng tham gia một cách độc lập, sau đó, bộ sẽ chỉ việc tổ chức đánh giá và chọn những bộ sách tốt nhất để đưa vào giảng dạy. Tất nhiên, trong quá trình giảng dạy, việc hiệu chỉnh là cần thiết, tuy nhiên, sau một vài năm, chúng ta sẽ có những bộ sách hoàn chỉnh.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều