Đối mặt thiếu điện nặng, nhiều lãnh đạo nguy cơ bị mất chức
Dự báo năm 2020 mất điện cục bộ, đến năm 2021 thiếu điện nặng nếu không thúc đẩy đầu tư nguồn điện mới.
Năm 2020 mất điện cục bộ, 2021 thiếu điện nặng
Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực vừa có báo cáo tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (quy hoạch điện VII) điều chỉnh đến quý III/2019.
Báo cáo cho thấy, các năm 2019-2020 hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, do hệ thống điện gần như không có dự phòng nguồn điện nên trong năm 2020 có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như: Nhu cầu dùng điện cao hơn dự báo; lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém; nhiên liệu than, khí cho phát điện thiếu hụt so với dự kiến. Giai đoạn 2021-2025, sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên, do nhiều dự án nguồn điện lớn và các chuỗi dự án khí bị chậm tiến độ so với quy hoạch, nên báo cáo cho rằng hệ thống sẽ bị thiếu điện trong cả giai đoạn 2021-2025.
Kịch bản này vẫn xảy ra ngay cả khi đã phải huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu (mức giá 5.000-6.000 đồng/số tùy giá dầu thời điểm phát điện).
Tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Công Thương cũng cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt điện trong thời gian tới do việc chậm tiến độ của các dự án điện.
Theo Bộ Công Thương, các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), thường bị chậm so với quy hoạch ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa bao gồm các dự án năng lượng tái tạo).
Tại báo cáo này, Bộ Công Thương lưu ý về nguy cơ thiếu hụt điện trong thời gian tới do việc chậm tiến độ của các dự án điện.
Theo Bộ Công Thương, các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), thường bị chậm so với quy hoạch ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa bao gồm các dự án năng lượng tái tạo).
Chi tiết hơn, báo cáo của Ban chỉ đạo cho biết: Giai đoạn 2016-2030, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao đầu tư 24 dự án với tổng công suất hơn 15,2 nghìn MW. Trong đó giai đoạn 2016-2020 cần hoàn thành 14 dự án với tổng công suất trên 7,1 nghìn MW.
Trong tổng số 24 dự án, thì 9 dự án đã phát điện và 15 dự án đang ở bước đầu tư xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư. Dự kiến 6 dự án đúng tiến độ và 9 dự án chậm tiến độ.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao đầu tư làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11,4 nghìn MW. Trong đó giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án.
“Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong quy hoạch điện VII điều chỉnh”, báo cáo nhấn mạnh.
Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam thực hiện 4 dự án với tổng công suất gần 3.000 MW. Trong đó, giai đoạn 2016-2020 có 2 dự án và giai đoạn 2021-2030 có 2 dự án. Hiện nay cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên.
Ngoài ra, nhiều nhà máy trong số 19 nhà máy nhiệt điện BOT với tổng công suất 24 nghìn MW cũng đối diện nguy cơ chậm tiến độ.
Kịch bản để không thiếu điện: Dựa vào điện mặt trời?
Báo cáo của Ban chỉ đạo cũng nhắc đến các kịch bản được Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng, tính toán 2 phương án cho cung cầu điện 2021-2025.
Phương án 1: Cân đối cung cầu điện cho giai đoạn 2021-2025 theo tiến độ các dự án như hiện nay.
Ở kịch bản này, sẽ phải huy động tối đa tất cả các nguồn điện trên hệ thống, trong đó các nguồn nhiệt điện chạy dầu dự kiến phải huy động trong cả giai đoạn 2020-2025 vơi sản lượng lên tới 5-10 tỷ kWh/năm (cao nhất là năm 2023 với sản lượng khoảng 10,5 tỷ kWh). Điện chạy dầu khá đắt đỏ, ở mức 5.000-6.000 đồng/số tùy thời điểm.
Dù vậy, hệ thống vẫn lâm cảnh thiếu điện các năm 2021-2024. Mức thiếu hụt năm 2021 là 6,3 tỷ kWh, và đỉnh điểm là năm 2022 với 8,9 tỷ kWh, năm 2023 là 6,8 tỷ kWh, sau đó giảm còn 1,2 tỷ đến năm 2024. Đến năm 2025 sẽ không thiếu điện.
Ngoài kịch bản thiếu điện ở trên, báo cáo cũng đề cập một phương án khác để không xảy ra thiếu điện.
Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tính toán nhu cầu phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, tổng cống uất các nguồn điện gió toàn quốc đến năm 2023 khoảng 6.000 MW và tổng công suất nguồn điện mặt trời đến năm 2023 khoảng 16.000 MW.
Như vậy, báo cáo cho rằng tổng công suất các nguồn điện gió cần khuyến khích đưa vào vận hành thêm từ nay đến năm 2023 khoảng 5.700 MW, nguồn điện mặt trời xấp xỉ 11.400 MW.
Báo cáo đánh giá: Với giải pháp bổ sung thêm nguồn điện từ nhà máy điện Hiệp Phước và tăng thêm nguồn năng lượng tái tạo, hệ thống có thể đáp ứng đủ điện và không phải huy động các nguồn nhiệt điện dầu trong giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, một báo cáo của Bộ Công Thương đã lưu ý: Giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn,… ). EVN được giao mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo với mức giá do nhà nước quy định.
“Như vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang thực hiện chức năng thay nhà nước, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện”, Bộ Công Thương lưu ý.
Bộ Công Thương cho rằng: Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện.
Trong phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội, nhiều đại biểu đặt vấn đề về tình hình điện năng. Trả lời vấn đề này, Thủ tướng chia sẻ: Điện bây giờ không phải chỉ là kinh tế, mất điện ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của nhân dân. Tôi có lần đã nói, cơ quan nào, đơn vị nào có chức năng sản xuất, cung ứng điện mà không đảm bảo cấp điện liên quan đến vấn đề mất chức chứ không phải bình thường.
Lương Bằng/Vietnamnet