Đối mặt án tù nếu trốn cách ly
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại với diễn biến phức tạp hơn, những người trốn cách ly y tế có thể phải đối diện với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Điệp khúc” trốn cách ly y tế tái diễn phổ biến trong những ngày vừa qua, bất chấp quy định pháp luật và sự kêu gọi ý thức tự giác chấp hành của cơ quan chức năng nhằm góp phần bảo vệ sự an toàn của bản thân, gia đình người thuộc diện nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và cho cả cộng đồng.
Đủ kiểu trốn cách ly
Gần nhất, ngày 30.7, Công an H.Bến Cầu (Tây Ninh) cho biết lực lượng chức năng đã truy bắt được Trương Viết Huy (34 tuổi, quê Quảng Ngãi, ngụ Bình Dương), là tài xế xe container bỏ trốn khỏi trung tâm cách ly dịch Covid-19. Huy chạy xe container của công ty từ cảng Cát Lái (TP.HCM) tới cửa khẩu Mộc Bài, qua cột mốc 171 để giao hàng. Tại cửa khẩu, các nhân viên y tế phát hiện thân nhiệt tài xế cao bất thường nên đã đưa vào khu cách ly để theo dõi từ tối 28.7. Tuy nhiên, 15 giờ ngày 29.7, lực lượng chức năng phát hiện Huy đã bỏ trốn nên phát thông báo truy tìm; đến sáng 30.7 thì bắt giữ được tài xế này.
Ngày 11.7, Công an H.Châu Thành và cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh cũng phát thông báo khẩn cấp truy tìm 4 người quốc tịch Trung Quốc bỏ trốn khỏi khu cách ly, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được 4 người này.
Tại xã Nghi Phú, TP.Vinh (Nghệ An), có 3 cô gái từ Đà Nẵng về có dấu hiệu ho, khó thở, sốt…, sau đó đến trạm y tế xã xét nghiệm Covid-19. Đồng thời, Trung tâm y tế TP.Vinh điều xe y tế chở cả 3 đến cách ly tại Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An). Song cả 3 tự ý rời khu cách ly để về phòng trọ. Dù đã được thuyết phục và vận động, 3 cô gái không đồng ý quay lại, buộc Công an TP.Vinh và cán bộ y tế phải áp tải cả 3 quay trở lại bệnh viện để cách ly.
Trốn cách ly cũng xảy ra tại Bệnh viện Đà Nẵng – “điểm nóng” dịch bệnh hiện nay. Sau khi có lệnh phong tỏa bệnh viện này, trưa 27.7, Bệnh viện Đà Nẵng có báo cáo gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) về sự việc 30 ca bệnh trốn viện cần giám sát và đưa vào lại cách ly. Theo báo cáo, thực hiện chỉ đạo của Ban Phòng, chống dịch Covid-19, Bệnh viện Đà Nẵng được cách ly lúc 13 giờ ngày 26.7. Do tâm lý lo lắng, một số bệnh nhân và người nhà đã tự ý bỏ viện. Từ đó, Bệnh viện Đà Nẵng phối hợp lực lượng chức năng điều tra đưa những người bỏ trốn đến Bệnh viện 199 (Bộ Công an) để cách ly.
UBND TP.Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết đang xem xét thi hành kỷ luật 1 nữ cán bộ y tế trên địa bàn, do trở về từ Đà Nẵng nhưng không tự cách ly tại nhà mà vẫn đến cơ quan làm việc…
Cần truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) nhìn nhận trốn, né tránh cách ly không phải là câu chuyện mới. Thực tế khi có lệnh của cơ quan chức năng về cách ly, phong tỏa, kiểm tra y tế, thì tái diễn tình trạng hàng chục trường hợp vi phạm. Vì vậy, chính quyền và cộng đồng đều kêu gọi tinh thần tự giác, trách nhiệm của mỗi cá nhân với xã hội, đặc biệt là thông qua ý thức chấp hành quy định cách ly y tế, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Có thể phải lãnh mức án 12 năm tù
Điều 240 bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”:
1 Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ VN động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Làm chết người.
3 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
b) Làm chết 2 người trở lên.
4 Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
“Song nếu vi phạm thì nhà nước vẫn kiên quyết xử lý trách nhiệm về mặt hành chính cũng như hình sự. Điển hình là thời gian vừa qua, cả nước đã xử phạt hành chính hàng trăm trường hợp vi phạm. Về truy cứu trách nhiệm hình sự chưa có, do vụ việc được xử lý kịp thời, ngăn chặn được hậu quả xảy ra”, LS Tuấn nêu và cho biết ngày 1.4 Thủ tướng đã ký quyết định công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc. Theo đó, xác định Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.
“Vì vậy, người từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thể bị phạt hành chính từ 2 – 5 triệu đồng; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A từ chối, hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì mức hình phạt sẽ là 5 – 10 triệu đồng theo Nghị định 176 năm 2013 của Chính phủ. Đồng thời, buộc phải tiếp tục thực hiện việc cách ly y tế theo khoản 3, điều 10 Nghị định 176 năm 2013 của Chính phủ”, LS Tuấn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, LS Nguyễn Minh Cảnh (nguyên thẩm phán TAND TP.HCM) cho biết nếu người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch Covid-19 đã được cách ly, mà trốn khỏi nơi cách ly gây lây lan dịch bệnh Covid-19, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người” theo điều 240 bộ luật Hình sự năm 2015.
“Trường hợp nếu người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, phong tỏa mà trốn khỏi khu vực bị cách ly, phong tỏa, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh, thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại điều 295 bộ luật Hình sự năm 2015”, LS Cảnh nói.
Theo LS Cảnh, thời gian tới, song song với việc phòng dịch thì nhà nước cần siết việc xử lý nghiêm hành vi trốn khỏi khu vực cách ly, phong tỏa, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì xử lý hình sự để răn đe, phòng ngừa.
PV/TN