+
Aa
-
like
comment

Đội giải cứu trẻ đường phố trong đêm

25/01/2021 11:30

12 giờ đêm, Hoàng Anh lượn quanh vườn hoa ở quận Tây Hồ, liếc mắt về phía ba người ngồi quanh một đống lửa rồi quyết định chạy xe vào.

Hai cậu bé mặc áo ấm ngồi cạnh người đàn ông trung niên. Nhìn qua họ như bố con, song nhận thấy đứa trẻ có vẻ mệt, hai người trên xe bước lại chào hỏi. “Bọn em có thể ngồi đây nói chuyện một chút không?”, Hoàng Anh từ tốn nói. Những đôi mắt ngước lên đầy vẻ dò xét.

Ngồi xuống cạnh đống lửa, Hoàng Anh nhìn vào mắt hai đứa trẻ, nói: “Đêm khuya rét thế này, mấy anh em có cần giúp đỡ gì không?”. Hai đứa trẻ một gầy, một béo im lặng. Người đàn ông trung niên trả lời đang dẫn chó đi dạo quanh đây, sau đó đứng lên rời đi.

Hai cậu bé ngồi trong vườn hoa Lý Tự Trọng (quận Ba Đình) lúc 0h30, ngày 12/1. Ảnh: Hoàng Anh.
Hai cậu bé ngồi trong vườn ở quận Tây Hồ lúc 0h30, ngày 12/1. Ảnh: Hoàng Anh.

Hoàng Anh bắt đầu kiếm chuyện kết thân với hai đứa trẻ. “Bọn anh thuộc Tổ chức Rồng xanh, chuyên giúp trẻ em đường phố”, chàng trai nhìn hai đứa trẻ, trước khi tiếp tục, “Anh cũng có thể giúp các em chỗ ăn ở, đá bóng, khám sức khỏe. Đêm muộn ở ngoài đường không an toàn, có rất nhiều đối tượng xấu”.

Lúc này Hoàng Anh bắt đầu nói kỹ hơn về công việc đang làm. Anh kể hoàn cảnh một số đứa trẻ đã gặp, cảnh báo những nguy hiểm rình rập trên phố; đồng thời cho xem một số hình ảnh trẻ lang thang đang được hỗ trợ. Trong ảnh có những người hai đứa biết. Sự tương đồng và cách nói chuyện khiến hai cậu bé bỏ đi “hàng rào cảnh giác”, dần mở lòng hơn. Cậu bé gầy cho biết, mấy hôm rồi ngủ ngoài vườn hoa bị mất trộm giấy tờ, giờ muốn đi làm không được nhưng cũng chưa muốn về quê. Cậu béo 14 tuổi, đến từ Bắc Kạn, bố đi tù.

“Anh có thể giúp em tìm nơi an toàn để ngủ đêm nay, hoặc nếu không thích anh sẽ đưa em quay trở lại đây”, anh nói. Những đứa trẻ lang thang, đặc biệt sống lâu năm trên phố, luôn có “bản năng sinh tồn” cao nên hai cậu bé lập tức từ chối. Hoàng Anh đành dúi cho mỗi đứa một ít tiền để kiếm chỗ ngủ. Anh trao đổi liên hệ, hẹn sáng mai sẽ đến gặp.

Đó là một đêm làm việc của Hoàng Anh, 27 tuổi, đội trưởng đội Street Outreach của Blue Dragon – tổ chức được thành lập từ năm 2003 để hỗ trợ trẻ em đường phố ở Hà Nội.

Nhiều năm nay, đêm nào đội Street Outreach cũng ra đường để kiếm những đứa trẻ cần giúp đỡ, tại một số “điểm nóng” như gầm cầu, công viên, vườn hoa và các bến xe khách… Đội có 7 thành viên chính thức cùng nhiều cộng tác viên. Bên cạnh nhiệm vụ chính là tìm kiếm trẻ, đội còn chia nhau làm ở nhà nội trú, đến thăm các gia đình đang được tổ chức giúp đỡ, đưa trẻ về quê, cho các em tham gia hoạt động thể chất, khám sức khỏe… với mục tiêu đưa trẻ em đường phố thoát khỏi sự lôi kéo của tội phạm, bảo vệ chúng trước nguy cơ trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội.

Vào đêm gặp hai cậu bé ở vườn hoa ven Hồ Tây, Hoàng Anh và Sơn đã tìm đến 4 quán game khu vực Mỹ Đình vừa tìm trẻ, vừa nhờ chủ quán thông báo mỗi khi xuất hiện trẻ có dấu hiệu cần hỗ trợ. Tại đây họ gặp một cậu bé ngoại tỉnh bỏ nhà đi và giúp em một chiếc áo ấm.

“Xung quanh khu vực Mỹ Đình, đặc biệt dịp hè và cận Tết, thường xuất hiện trẻ từ các tỉnh về. Các em rất dễ trở thành con mồi ngon của nhóm ấu dâm và môi giới việc làm. Khi mới xuống các em thường có ít tiền trong người và sẽ tìm đến quán game. Chúng tôi luôn cố gắng tiếp cận các em trước khi gặp phải các đối tượng xấu”, Hoàng Anh cho hay.

Đến 0h, họ đang ngó nghiêng ven hồ Trúc Bạch thì gặp một trẻ tên Trình. Cậu bé chia sẻ đêm qua nhìn thấy hai bạn trẻ mới lang thang gần đây.

Đội Street Outreach khảo sát xung quanh bến xe Mỹ Đình lúc khoảng 0h, ngày 16/1. Ảnh: Phan Dương.
Đội Street Outreach gồm Sơn, Trang, Hoàng Anh, Quý (từ trái qua) khảo sát xung quanh bến xe Mỹ Đình đêm 16/1. Trong đó Quý và Sơn từng là trẻ được Blue Dragon giúp đỡ, nay các em có công việc nuôi sống bản thân và tình nguyện tham gia vào đội giải cứu trẻ trong đêm. Ảnh: Phan Dương.

Ba năm là thành viên của Street Outreach, Đoàn Công thấy mình đang làm một công việc “giá trị”. Công nhớ lần gần nhất vào khoảng 0h một đêm tháng 8, anh và cộng sự Minh Hải thấy hai đứa trẻ ngồi ở điểm chờ xe buýt gần bến xe Mỹ Đình. Cách đó chục mét có một người đàn ông trung niên đang đi lại quanh xe ôtô.

Trông các em mệt mỏi, chân tay lấm lem, xác định đây là trẻ mới lên Hà Nội, Công dừng xe từ xa, bước đến làm quen. Sau một hồi nói chuyện, hai cậu bé 15 và 17 tuổi cho biết quê Hà Giang, xuống Hà Nội làm việc được nửa tháng thì quán đóng cửa vì Covid-19. Cả hai dùng 400.000 đồng tiền công lang thang tìm việc mới nhưng không nơi nào tuyển. Được ba hôm hết tiền, họ ra bến xe. Hai đứa trẻ hất mặt về phía người đàn ông, nói nhỏ: “Ông ấy vừa gạ chúng em cho sờ bộ phận sinh dục thì sẽ cho mỗi đứa 100.000 đồng. Bọn em từ chối, ông ấy vẫn cố nài và đang đứng chờ chúng em đổi ý”.

Công và Hải lập tức đưa hai đứa vào ngủ trong quán Internet và mua đồ ăn cho chúng. Sáng hôm sau, Công quay lại, yên tâm khi biết hai em sẽ được họ hàng tới đón. Anh hỗ trợ thêm các em ít tiền để cầm theo dọc đường, đồng thời đưa liên lạc của tổ chức phòng trường hợp cần trợ giúp.

Không ít lần, thành viên đội đã phải đối mặt với những kẻ xấu để bảo vệ trẻ. Hai tháng trước, Hoàng Anh xông vào phá hai người đàn ông đang rủ ba bé trai về nhà họ ngủ.

Minh Hải, làm công tác tìm kiếm trẻ 2 năm, không thể quên được một đêm đông năm ngoái. Hôm ấy trên lề đường sau bến xe Mỹ Đình có một cậu bé đeo ba lô, đội mũ lưỡi chai, bước chân không có lực như đi trong vô định. Hải liền giảm tốc độ, trước khi xuống xe dắt đi bên cạnh cậu bé. “Trông em mệt lắm. Em đã ăn tối chưa?”, Hải hỏi. Thằng bé chần chừ mãi không nói. Một mặt nó muốn ăn, mặt khác nó sợ hãi, liên tục ngó trước, ngó sau.

Dắt bộ đi theo chừng 2 cây số, thằng bé mới bớt cảnh giác. Nó nhận hộp xôi từ tay Hải, ăn nhồm nhoàm. Ăn xong, tin tưởng hơn, nó mới kể hơn một tháng trước bị dụ dỗ vào băng nhóm tín dụng đen, ngày ngày bị bắt “luyện công” để trông hầm hố để sau đó đi đòi nợ thuê. Chạy trốn khỏi băng đó, giờ nó rất sợ bị trả thù. Nó cũng không biết đi đâu, về đâu, không biết nhờ ai để giúp.

Công tiếp cận giúp đỡ một cậu bé ở gầm đường trên cao Mỹ Đình. Ảnh: Blue Dragon.
Công tiếp cận giúp đỡ một cậu bé ở gầm đường trên cao Mỹ Đình. Ảnh: Blue Dragon.

Trung bình mỗi năm nhóm tìm trẻ đường phố giúp được khoảng 100 trẻ lang thang ở Hà Nội. Nhiều trẻ trong số này đã trở về với gia đình hoặc được giúp đỡ để tiếp tục quay trở lại trường học. Nhiều em thành công trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn, du lịch… 10% nhân viên của Blue Dragon là từng là trẻ được tổ chức giúp đỡ. Sau khi thoát khỏi cuộc sống khó khăn, họ quay trở lại để giúp những đứa trẻ.

“Tôi thấy công việc của mình như một màng lọc. Gặp được chúng tôi, các em có khả năng làm lại cuộc đời. Khi không gặp được, các em dễ bị cuốn theo những tệ nạn”, Hoàng Anh chia sẻ.

Mới đây hai cậu bé quê Hà Giang gọi báo cho Công đã về quê làm ruộng với bố mẹ, chờ khi đủ tuổi mới đi làm. Còn với Hoàng Anh, sau đêm 12/1 đã giúp cậu bé 14 tuổi tìm được nơi trú ẩn an toàn.

Bên trong thành phố ngủ luôn có những đứa trẻ bị đẩy ra đường với rất nhiều lý do, bao quanh các em là muôn vàn cạm bẫy. Đó là lý do suốt 17 năm qua đội Outreach ra đường hàng đêm.

Sau 17 năm hoạt động tổ chức Blue Dragon đã giúp 607 trẻ lang thang đoàn tụ với gia đình, giải cứu 1.000 người bị buôn bán, 5.259 đứa trẻ được đến trường hoặc học nghề và giúp 13.514 trẻ em và gia đình có giấy tờ hợp pháp. Blue Dragon được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và nhiều cơ quan nhà nước ghi nhận đóng góp trong phòng chống nạn buôn người và giúp đỡ trẻ em đường phố.

Phan Dương/VNE

* Tên nạn nhân và một số địa điểm đã thay đổi

Bài mới
Đọc nhiều