+
Aa
-
like
comment

Đôi điều xung quanh vấn đề sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1

Diệp Vấn - 26/10/2020 17:37

Trong thời gian gần đây, dư luận dồn sự chú ý vào cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách “Cánh diều”. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế xung quanh câu chuyện này đang cho thấy có sự bất ổn ở cả người góp ý và người cần lắng nghe. Đây được xem là một vấn đề rất hệ trọng của đất nước. Việc quan trọng hơn cả vẫn là sự cầu thị và chân thành của những người trong cuộc với tư cách là những trí thức chân chính trong xã hội.

Trong thời gian gần đây, đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng mạng đã chỉ ra những bất cập trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều. Những ai đã từng đọc, từng xem quyển sách từ trang đầu đến trang cuối, thì những phản ứng của dư luận vừa qua là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, sách dùng nhiều từ địa phương, từ ngữ xa lạ cùng với một số hình ảnh minh họa không ăn nhập với nội dung bài học, có thể liệt kê như sau:

“Gà ri” (trang 47); “Sẻ ca ri ri” (trang 49) mô phỏng tiếng kêu của chim sẻ chưa đúng. Chim sẻ sống khắp nơi, đặc biệt chúng thích sống và làm tổ trên mái nhà, trên cánh đồng lúa. Khi bay loài chim sẻ phát ra tiếng kêu có phần sắc nhọn “tít- tít”; “Nó (sư tử) ngó chó xù. Mi mà là sư tử à” (trang 57). “Nhà ve chả có gì” (trang 69). “Cò chả đáp gì” (trang 79). “Ngó” (nhìn) là phương ngữ miền Nam; “mi” – ngôi thứ hai số ít, cùng nghĩa với từ “mày” là phương ngữ miền Trung; “chả” (chẳng) là phương ngữ miền Bắc. “Má ở thị xã về” (trang 64); “Thì ra quạ sắp chộp gà nhép” (trang 95); “Chó nghĩ kế cuỗm khổ mỡ”… “Chó tợp mỡ tha đi”; “Gà nhí nằm mơ” (trang 83). “Rùa nhí tìm nhà” (trang 91); “Hà của bà ngộ quá” (trang 97); “Rô con vọt lên bờ” (trang 125). “Dưa đỏ” (trang 58). “Vì cố quá lừa ngã ra bờ cỏ, thở hí hóp”. “Thở hí hóp” làm học sinh khó hiểu, không biết “thở hí hóp” là thở như thế nào; “Xe điện, xe téc lo lắng nhìn” (trang 147). Người ta thường nói “xe bồn” hay “xe chở xăng dầu” và rất hiếm khi nói xe téc (đúng ra phải là xe xi-téc); “Nó (thỏ) la cà nhá cỏ, nhá dưa” (trang 61)… đó là xét về mặt từ ngữ, về âm điệu. Còn về mặt ý nghĩa, bộ sách trên còn đưa những bài tập đọc có thể nói là thiếu tính giáo dục, thậm chí cổ xúy bạo lực. Chẳng hạn như:

“Cá hết, cò tìm cua. Cua nửa tin nửa ngờ. Cò dỗ:

– Hồ kia to lắm, cua sẽ mê tít.

Cua để cò đưa đi. Cò cắp cua đến gò đất nhỏ. Nó mổ cua. Cua bèn giơ gươm, kẹp cổ cò. Cò van xin. cua bắt cò đưa nó về hồ cũ”.

Một ví dụ khác:

“Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà:

– Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết.

Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá”.

Ngoài ra, còn có thể thấy có những ví dụ hết sức vô nghĩa, nhảm nhí, lời văn thô tục, mất ý nghĩa, vừa phản giáo dục, tạo sự liên tưởng sai cho trẻ em về sự vật, hiện tượng. Nếu học sinh lớp Một sau khi học các bài đọc xong, với tính tò mò của con trẻ, nó sẽ hỏi “nói dối”, “báo oán”, “đánh ghen”… là gì thì sao đây, liệu có quá sớm khi cho trẻ tiếp cận về những điều này… Nếu lấy lý do chỉ là tìm ví dụ để giúp các bé học vần thì đó chỉ là lý do khiên cưỡng, khó chấp nhận. Bởi lẽ, trong thực tiễn cuộc sống hết sức phong phú và đa dạng, không thiếu gì những ví dụ tinh tế, những câu chuyện dễ hiểu, có ý nghĩa để đưa vào sách… viết sách không những đòi hỏi kiến thức chuẩn, phù hợp tâm lý lứa tuổi mà còn phải đủ sự tinh tế, những bài học phải mang lại một giá trị, một ý nghĩa nào đó. Sách giáo khoa mà đưa những kiến thức cổ vũ tính bạo lực, lươn lẹo để dạy cho trẻ em lớp 1 thì “thật khó chấp nhận”.

Sách giáo khoa như là “khuôn vàng thước ngọc” nên phải mang tính định hình, tính giáo dục. Sách phải là những câu chuyện đẹp, ngôn từ đẹp, định hướng tốt, giáo dục lối sống, kỹ năng và có thể lấy từ chính những câu chuyện có thật trong cuộc sống hằng ngày để giáo dục học sinh. Sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 phải sử dụng từ phổ thông thì học sinh mới hiểu được. Như vậy, có thể thấy học sinh lớp 1 khó tiếp thu nội dung bài học là do một phần cuốn sách này dùng nhiều phương ngữ, từ ngữ xa lạ kể cả dùng từ tối nghĩa – chứ không phải do giáo viên hay phụ huynh nóng vội đốt cháy giai đoạn.

Như vậy, có thể nói viết sách giáo khoa cũng được xem là một vấn đề rất hệ trọng của đất nước. Cho nên, bất cứ một quốc gia nào, một cơ quan nào trước khi đưa ra một quyết định hệ trọng, cũng rất cần phải đưa ra công luận để lắng nghe ý kiến của người dân, đặc biệt là những ý kiến trái chiều. Để từ đó chọn được phương án tốt nhất và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Tuy nhiên, trong quá trình góp ý, phản biện chúng ta cũng cần chú ý đánh giá, nhận xét một cách khách quan, toàn diện, phân tích trên nhiều góc cạnh để tác giả hoặc tập thể tác giả có thể tiếp thu và có sự phản hồi sửa chữa kịp thời. Góp ý, phê bình cũng phải bằng cái tâm trong sáng, yêu chân lý và lẽ phải, góp ý thẳng thắn nhưng phải rất công tâm và góp ý dựa trên sự nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc. Cho nên trong cuộc sống rất cần một môi trường phản biện lành mạnh và tích cực, điều đó lệ thuộc vào cả người góp ý và người lắng nghe góp ý. Thời gian gần đây đã có không ít người lên tiếng góp ý nặng lời, thậm chí tục tĩu, mạt sát. Nhiều ý kiến không phải góp ý xây dựng mà phủ nhận sạch trơn, vùi dập, không có cơ sở thuyết phục. Góp ý, phê bình theo kiểu cho hả giận, nói vô trách nhiệm, tự cho mình đủ kiến thức để phán xét chuyện mình thực ra chưa chắc nắm rõ, mà cứ phê bình theo đám đông, ném đá tập thể – một hiện tượng đang rất “phát triển” trên mạng xã hội. Để phê bình đúng đắn và hữu ích, chúng ta phải có cái tâm muốn thực sự góp ý, nếu không sẽ dễ sa vào xu hướng phê bình theo kiểu tiêu cực, biến cuộc phê bình trở thành một cuộc cãi lộn, chửi bới… Góp ý, phê bình như thế sẽ khó có thể khiến người được góp ý tiếp thu, cầu thị.

Ngược lại, trong nhiều vấn đề được dư luận nêu, phản ảnh, góp ý cũng đang thiếu sự lắng nghe, tiếp thu. Vừa qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số tác giả có biểu hiện né tránh, đổ lỗi cho nhau. Lẽ ra những người có trách nhiệm này cần có thái độ cầu thị hơn. Họ cần phải đặt lợi ích chung của dân tộc và đất nước lên trên những “cái tôi” và tự ái cá nhân, để không chỉ giải quyết sự cố này mà còn cả một sự nghiệp “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục nước nhà trong thời gian tới.

Phẩm chất quan trọng của người trí thức là trung thực với bản thân và dũng cảm nhận trách nhiệm, không né tránh, không ngụy biện trước những sai sót của bản thân. Đó không những là thái độ của người trí thức chân chính mà còn là một biểu hiện của lòng tự trọng và tinh thần hướng thiện. Từ phía những người bị phê bình, nhiều người cũng không biết lắng nghe, tiếp thu lời phê bình đúng, chân thành. Họ cứ thấy ai nói chưa tích cực về mình, về sản phẩm khoa học của mình là khó chịu, thậm chí tẩy chay, đáp trả gay gắt, càng kích động cơn giận dữ của những người phê bình. Những góp ý đúng, chân thành cần được đáp lại bằng thái độ khiêm tốn, tiếp thu để thay đổi, sửa chữa. Bất luận trong trường hợp nào, người được phê bình cũng phải thể hiện sự bình tĩnh và cầu thị. Bởi lẽ, khi ý kiến phản biện được lắng nghe, người phản biện được tôn trọng vì những phản biện thẳng thắn, chân thành, đó sẽ là động lực cho phát triển đất nước.

Diệp Vấn

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều