Đôi điều về việc xây tượng đài Lênin tại Nghệ An
Gần đây, trên mạng xã hội, một số người có ý kiến trái chiều về việc tỉnh Nghệ An xây dựng tượng đài Lênin, đặt tại trung tâm TP Vinh. Trong những ý kiến đó, tôi thấy luồng ý kiến tỏ ý băn khoăn, cả ý kiến thể hiện sự phản đối, nhất là có cả “thư ngỏ”, “kiến nghị”…Vậy nên hiểu như thế nào cho đúng?
Khi thông tin vừa đăng tải thì trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, phản đối việc làm của chính quyền TP Vinh. Lý do mà họ đưa ra là Nghệ An là tỉnh nghèo, hàng năm phải xin viện trợ của TW, nên việc dựng tượng chi thêm gây lãng phí, tốn kém.
Nhiều ý kiến còn chỉ trích một cách ác ý hơn là Việt Nam làm cái việc chẳng đâu vào đâu, tại sao còn đặt tượng Lê nin ở Nghệ An trong khi nhiều nước thuộc Liên Xô cũ và các nước Đông Âu đã dở bỏ. Âm mưu sâu xa không gì khác là tìm cách nói xấu, hạ uy tín chính quyền Nghệ An nói riêng, gián tiếp hạ uy tín Nhà nước Việt Nam nói chung.
Nhưng thâm ý sâu xa hơn là hạ thấp vị trí, vai trò của học thuyết Mác – Lê nin đối với cách mạng Việt Nam. Có người nhân danh trí thức, nhân danh nhà cải cách, viết “thư ngỏ”, “kiến nghị” – một hình thức dễ nhầm lẫn với ý tưởng khoa học, nhưng nội dung lại không phải như vậy.
Tượng đài Lê nin được tỉnh Ulyanovsk, thuộc Cộng hòa Liên bang Nga, quê hương của Lê nin trao tặng tỉnh Nghệ An mang tính biểu tượng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai tỉnh Nghệ An, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và tỉnh Ulyanovsk, quê hương Lê nin. Theo dự kiến, tượng đài được đặt ở khu vực vườn hoa đầu đường Lê nin với diện tích hơn 3.000m2, kinh phí đầu tư hơn 8 tỉ đồng, bao gồm cả đài phun nước ngay ngã 5 gần khu vực tượng đài.
Có thể thấy đây là việc làm rất đáng trân trọng của quê hương giàu truyền thống cách mạng như Nghệ An với đỉnh cao là cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh giai đoạn 1930 – 1931. Để ghi dấu những năm tháng lịch sử hào hùng của địa phương, Nghệ An đã đặt tên đường Lê nin ở một vị trí trung tâm của TP Vinh. Bởi vậy, việc có thêm tượng Lê nin ngay đầu đường Lê nin hoàn toàn hợp lý, một mặt vừa tạo được dấu ấn lịch sử, vừa phù hợp với quy hoạch và tôn lên vẻ đẹp của không gian kiến trúc thành phố.
Kỳ thực, việc dựng tượng không hề gây tốn kém, lãng phí. Bởi tượng đã được chính quyền tỉnh Ulyanovsk, Nga tặng cho chính quyền Nghệ An. Khu đất dự định dựng tượng ở đầu đường Lê nin từ lâu được quy hoạch là khu đất trống để tạo cảnh quan. Việc một số nước Liên Xô cũ và Đông Âu dỡ bỏ tượng Lê nin như một số người phản đối là do các nước này đã thay đổi chế độ chính trị. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là số ít.
Không chỉ là lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế, Lê nin còn là vĩ nhân của nhân loại. Thế nên điều dễ hiểu là có rất nhiều nước trên thế giới vẫn dựng tượng Lê nin nhằm thể hiện sự tưởng nhớ, kính trọng và tôn vinh tài năng, trí tuệ của ông. Việc Việt Nam dựng tượng Lê nin là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với đạo lý và truyền thống của dân tộc.
Có thể thấy những người phản đối chủ yếu là số tổ chức, cá nhân có hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Đương nhiên họ không muốn Việt Nam phát triển theo con đường XHCN nên tìm cách lên tiếng phản đối. Qua đó có thể dễ dàng nhận ra những ý kiến phản đối hoặc mang tính “phản biện” không thực sự thuyết phục và mang tính xây dựng. Trái lại đó ở chừng mực nào đó là những ý kiến rất phiến diện, nhằm phê phán, nói xấu chính quyền mà thôi.
Xung quanh vấn đề này, ngày 20-2, ông Kha Văn Tám, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Được sự đồng ý của Trung ương, tỉnh Nghệ An đang triển khai xây dựng tượng đài Lênin tại thành phố Vinh, ở khu đất bên cạnh ngã 5, nơi giao nhau của các tuyến đường Lênin, Nguyễn Phong Sắc, Lê Hồng Phong, Trường Thi, Phong Định Cảng. Tượng có chiều cao 3 mét, được đúc tại tỉnh Ulyanovsk (Liên bang Nga) và do tỉnh Ulyanovsk tặng tỉnh Nghệ An. Công trình này thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa tỉnh Nghệ An – quê hương Bác Hồ kính yêu và tỉnh Ulyanovsk – quê hương của Lênin, vị lãnh tụ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cũng như thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước Việt – Nga nói chung.
Mới đây, phóng viên Lê Kiên có chuyến đi thực tế tại Nga và đã ghi lại bằng hình ảnh, video, dữ liệu sinh động về tình cảm của người dân Nga đối với Lênin. Anh viết: “Trên hành trình 1.700km từ Moskva đến Saint Petersburg theo dòng Volga huyền thoại, chúng tôi đã bắt gặp nhiều hình ảnh Lênin qua những tượng đài của ông ở nhiều làng quê, thị trấn nước Nga… Đi qua hệ thống kênh đào Moskva, đi vào nhánh chính sông Volga, dừng lại ở thị trấn nhỏ Myshkin, đã thấy tượng đài Lênin rất sống động, gần khu Quảng trường tưởng niệm chiến sĩ Hồng quân, hàng ngày có nhiều khách du lịch ghé thăm. Tại các làng quê, thị trấn nhỏ, tượng đài Lênin còn rất nhiều. Như ở thị trấn nhỏ Vytergra, một trong những trung tâm đóng tàu thời Xô Viết, ngay trước hồ nước ngọt lớn thứ 2 thế giới Onega, chúng tôi thấy đến 3 tượng đài Lênin trong bán kính chỉ 2km”…
Đó là sự thực những gì đang tồn tại trên đất nước Nga hôm nay. Vậy mà, trong “thư ngỏ” cũng như một số bài viết lại nói rằng, ngay chính người Nga, đất nước Nga cũng không còn đặt tượng Lênin!?
Thế giới ngày nay đã biến đổi quá nhiều. Việc chế độ XHCN ở Liên Xô, Đông Âu không còn, theo các nhà nghiên cứu, các chính trị gia đã chỉ rõ, đó chỉ là sự sụp đổ của mô hình Nhà nước XHCN cụ thể tại Liên Xô và Đông Âu, do những sai lầm có tính chủ quan trong lãnh đạo, vận hành của cá nhân và tổ chức đảng. Việc sụp đổ đó hoàn toàn không phải do nguyên lý Chủ nghĩa Mác – Lênin sai lầm, không thuộc vấn đề nền tảng tư tưởng, lý luận.
Trong hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin và khẳng định, đây là chủ nghĩa cách mạng nhất, chân chính nhất, triệt để nhất. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên định lập trường, vận dụng sáng tạo lý luận và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Với sự kiên định và vận dụng sáng tạo đó, cách mạng nước ta đã giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng đất nước quá độ lên CNXH.
Chúng ta hiểu rằng, mỗi cá nhân có thể có suy nghĩ, quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ hệ tư tưởng, lý luận hay một vấn đề cụ thể. Thế giới mấy tỉ người, sao có thể giống nhau? Nhưng hãy nhớ rằng, bằng cách nào, quan điểm nào cũng phải tôn trọng hiện thực khách quan, tôn trọng những giá trị thuộc về lịch sử và cái gì đã thuộc khoa học, giá trị văn minh nhân loại thì chớ nên phỉ báng, coi thường, bởi một ý chí cá nhân thông thường làm sao tỏ khôn hơn trí tuệ nhân loại.
Hiển nhiên, trong thời đại ngày nay, nói về CNXH, nói về Mác, Lênin, chúng ta không rập khuôn máy móc. Tuy nhiên, không thể phiến diện chỉ nhằm những sai lầm, sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu để phê phán, quy kết lỗi với những người đã sản sinh tư tưởng, chủ nghĩa đó. Người dân Nga và thế giới tiến bộ, dù hoàn cảnh nào vẫn trân trọng, giữ gìn những sản phẩm lý luận, tư tưởng tinh hoa của Lênin; nhiều đảng cộng sản kiên định và vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể.
Một dân tộc dựa vào những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin trong đấu tranh giành độc lập, giải phóng áp bức và đã thành công như Việt Nam thì việc xây dựng, đặt tượng đài của V.I Lênin cũng là hợp lẽ trong dòng chảy lịch sử.
Quỳnh Quỳnh