+
Aa
-
like
comment

Đôi điều về lo ngại tăng biên chế ngành Công an

Komi - 18/11/2020 17:55

Tại phiên họp chiều ngày 17/11, 290/393 đại biểu Quốc hội cho rằng “chưa cần thiết” ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an ninh cơ sở. Đồng thời, 206/393 đại biểu cũng không đồng ý việc giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện luật này. Tất cả đều xuất phát từ nỗi lo tăng biên chế ngành Công an, gây hao hụt nguồn ngân sách.

Trong đó, nổi bật là ý kiến của Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội: “Xin lỗi bộ trưởng chứ lực lượng công an quá đông. Một tỉnh ít nhất có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa. Chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình?”.

Quả thật, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an ninh cơ sở còn rất nhiều vấn đề chưa thỏa đáng, cần phải tiếp tục khảo sát, nghiên cứu kỹ như thời điểm trình dự án Luật chưa hợp lý, các báo cáo đánh giá tác động chưa thực tế, thiếu tính thuyết phục, nhiều quy định trong dự luật chưa rõ ràng… Tuy nhiên, nếu bác bỏ dự luật này, thậm chí bác bỏ cả việc giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự luật chỉ với “nỗi lo tăng biên chế ngành Công an” thì lại thấy có gì đó “sai sai”.

Trước hết, phải bàn về vấn đề con người. Tại cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn) hiện nay, các tổ bảo vệ dân phố, công an bán chuyên trách, dân phòng đang hoạt động kém hiệu quả. Tại nhiều nơi, thành phần tham gia các lực lượng này chỉ gồm độ tuổi trung niên, từ 50 tuổi trở lên. Hầu hết, họ là những người vừa làm nông nghiệp, vừa kiêm nhiệm cùng một lúc nhiều vị trí tại địa phương như công an viên, y tế thôn bản, phụ trách kênh nước đồng ruộng… Trong khi đó, các vấn đề sát sườn về an ninh, trật tự ở cơ sở lại đòi hỏi nhiều về thể chất như tuần tra ngày, đêm, tham gia vây, bắt, trấn áp tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội… Nghĩ đơn giản thôi, lực lượng hành pháp tại cơ sở đã mỏng, lại còn hạn chế về thể chất, trang bị phương tiện hoạt động nghèo nàn, thô sơ thì đương đầu làm sao với những nhóm côn đồ hung hãn, vũ khí nguy hiểm trang bị đầy người?

Nói thẳng ra, nhiều nơi dù có các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự nhưng lực lượng công an chính quy “không thể nhờ vả” do không bảo đảm yêu cầu công tác.

Về việc người trẻ tuổi không tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ai cũng hiểu lý do là công việc này hoàn toàn không có sức hấp dẫn. Với số tiền phụ cấp hỗ trợ hàng tháng từ vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng, không có bảo hiểm… muốn sống ở những vùng nông thôn còn khó khăn, huống chi là các đô thị phát triển. Đổi lại, cũng ngần ấy thời gian, ra làm công việc bất kỳ ngoài kia cũng có cơ hội kiếm được số tiền hơn thế gấp bội. Vậy, thu hút người trẻ ở đâu ra?

Luật Lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an ninh cơ sở mục đích chính có lẽ nhằm hướng đến giải quyết vấn đề thu hút nhân lực là chính. Có chế độ, có chính sách thì may ra còn có hy vọng thu hút nhiều thành phần tham gia, củng cố sức mạnh cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng nhiệm vụ hiện nay.

Thứ hai, xét về vấn đề ngân sách. Đặt qua một bên việc dự án Luật làm tăng biên chế, lãng phí ngân sách hay giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách, hãy trả lời: Đầu tư cho an ninh, trật tự có bao giờ sai hay không?

So với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam có môi trường kinh tế thuận lợi khi có nền chính trị hòa bình, ổn định hàng đầu. Đây cũng là lý do mà các nhà đầu tư nước ngoài không ngừng chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua. Như vậy, ở góc độ quốc gia, an ninh, trật tự đã góp phần giúp kinh tế đất nước thăng hoa, tiến gần hơn với kinh tế thế giới.

Cũng giống như vậy, nhưng trong phạm vi nhỏ hơn, an ninh, trật tự ở cơ sở cũng đóng vai trò then chốt với sự phát triển của các địa phương. Không có an ninh, trật tự thì các khu công nghiệp không thể hoạt động ổn định. Không có an ninh, trật tự thì nhân dân không thể tự do sản xuất, lao động, phát triển kinh tế… An ninh, trật tự ở cơ sở rõ ràng là thứ cốt yếu nhằm bảo đảm cuộc sống bình thường của mỗi người dân.

Tóm gọn vấn đề, an ninh, trật tự hoàn toàn không phải là một “lĩnh vực đầu tư” đơn thuần. Muốn làm tốt, làm hiệu quả hơn nữa thì đừng bao giờ đòi hỏi sự tiết kiệm đong đếm bằng số lượng.

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều