Đòi Đảng tự tách đôi: thần kinh, hoang tưởng chính trị nặng nề
Đòi đa nguyên, đa đảng vẫn luôn là thủ đoạn mà các “nhà dân chủ” hướng đến với mục đích tách chia tách quyền lực nhà nước tại Việt Nam. Để đạt được mục đích trên, các đối tượng không từ bất kỳ thủ đoạn gì, thậm chí là tung ra những “giải pháp” mang tính thần kinh, hoang tưởng về chính trị.
Trong một bài viết được “mõ làng” dân chủ BBC cùng một số đối tượng chống đối, cơ hội chính trị đang chia sẻ, các đối tượng cho rằng Đảng cộng sản tách đôi là cách đa đảng giúp ổn định và không biến loạn. Theo những lập luận các đối tượng đưa ra, việc áp dụng ngay lập tức đa đảng chính trị có thể là chưa phù hợp với Việt Nam và nêu ra quan điểm để đẩy mạnh dân chủ hóa, Đảng cộng sản cầm quyền có thể “tự tách đôi”.
Núp dưới vỏ bọc đòi dân chủ hóa, các đối tượng tiếp tục ca ngợi nền dân chủ cũng như thể chế chính trị phương Tây và quy chụp tư tưởng chỉ có đa nguyên, đa đảng mới có dân chủ. Các đối tượng này liên tục ca ngợi, thần thánh hóa sự “dân chủ” của phương Tây và tấn công, đả phá nền dân chủ tại Việt Nam. Đây là những luận điệu sai trái, không phù hợp với tình hình chính trị của Việt Nam. Và hơn hết, đây là minh chứng chứng minh cho bộ mặt thù hằn, chống phá thể chế chính trị tại Việt Nam.
Dân chủ cho mọi người
Dân chủ nghĩa là do dân làm chủ. Trong một nhà nước dân chủ, toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân thực hiện trực tiếp hoặc thông qua đại diện do nhân dân bầu ra. Tại Việt Nam, chế độ xã hội dựa trên nền dân chủ đại diện. Quyền lực nhà nước ở nước ta là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhân dân là chủ thể, là trung tâm và đồng thời cũng là động lực của xã hội.
Nghiên cứu về lịch sử phát triển của nền dân chủ thế giới, có nhiều hình thức dân chủ khác nhau như nền dân chủ chiếm hữu nô lệ ở nhà nước Cộng hoà Aphina, nền dân chủ tư sản của các nước phương tây và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Và hiện nay, nền dân chủ Việt Nam đã lựa chọn và đang tiếp tục xây dựng là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, một số đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đang đẩy mạnh việc tấn công chống phá nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đã lựa chọn. Trong đó, các đối tượng tích cực tập trung chống phá sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập và chia tách quyền lực Nhà nước tại Việt Nam.
Thực tế, thể chế chính trị và định hướng phát triển của Việt Nam là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài với chế độ thực dân xâm lược. Với nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, Đảng cộng sản được xác định là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, với mục đích hướng lái chính trị Việt Nam đi theo hướng tư bản, phụ thuộc cũng như để tranh giành quyền lãnh đạo đất nước, các đối tượng cơ hội, chống đối luôn vu khống, xuyên tạc việc một Đảng lãnh đạo đất nước là thiếu dân chủ.
Việc một xã hội dân chủ hay không dân chủ không thể quyết định bởi yếu tố nó đa nguyên hay không đa nguyên, một đảng lãnh đạo hay nhiều đảng lãnh đạo mà nó quyết định bởi mục tiêu phát triển, quan điểm phát triển, thực tế lãnh đạo đất nước của người cầm quyền, chính sách, pháp luật… đang được thực hiện. Không có một công thức nào là cố định để có một nền dân chủ. Nếu đa nguyên, đa đảng nhưng giới chức lãnh đạo không quan tâm đến nhân dân thì quyền lực nhà nước chỉ thuộc về những người lãnh đạo. Ngược lại, nếu một đảng lãnh đạo nhưng đảng đó là đảng do quần chúng nhân dân tạo thành, khi ý đảng – lòng dân là một, khi lợi ích của người dân là điều cao quý nhất thì khi đó nền dân chủ vẫn được thực thi.
Hãy nhìn vào các cuộc chiến tranh, những xung đột vũ trang, những vấn đề tiêu cực trên thế giới để thấy được bản chất của cái gọi là dân chủ tư sản mà các đối tượng vẫn luôn ca ngợi. Trong khi dân chủ tư sản được một số kẻ thần thánh hóa thì thực tế, các nước theo chế độ dân chủ tư sản lại đang đi “ban phát” chiến tranh, xung đột, bom đạn, đau thương v.v… cho nhiều dân tộc khác.
Thủ đoạn thâm hiểm
Việc các đối tượng đòi đa nguyên, đa đảng không phải là điều mới. Mục đích chống phá được các đối tượng ẩn giấu dưới những ngôn từ hào nhoáng và luận điệu vì dân chủ, nhân quyền để lừa dối người dân.
Thậm chí, để dễ dàng “hạ gục” niềm tin của nhân dân, các đối tượng còn rêu rao, hô hào cái gọi là “đảng tự tách đôi” để bảo đảm tính đa đảng nhưng “không biến loạn”.
Quyền lực nhà nước tại Việt Nam là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát. Trong đó, Đảng cộng sản – lực lượng tiên phong, đại diện của giai cấp công nhân và nhân dân lao động – là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Việt Nam không cần, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Đảng ta đang tự củng cố sức mạnh của bản thân để nâng cao năng lực, sức chiến đấu và bảo vệ vững chắc độc lập, dân chủ của đất nước.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả