+
Aa
-
like
comment

Đôi cánh buộc dây, cách gì bay cao được?

Phạm Khoa - 02/03/2023 15:10

Không phải đến bây giờ, mà ngay từ những năm 2000 quan điểm tạo đà thuận lợi cho sự phát triển vượt bậc của TP.HCM bằng cơ chế, chính sách đặc thù đã luôn là trăn trở của nhiều lãnh đạo chính phủ và chính quyền thành phố. Tuy nhiên, các chính sách, cơ chế được xây dựng cho mục tiêu trên chưa tạo được sự thay đổi mạnh mẽ nhìn thấy được, vì còn nhiều vướng mắc về khía cạnh luật pháp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi rất trăn trở về những cơ chế hiện có của thành phố

Bốn năm trước (2018), khi áp dụng Nghị quyết 54, chính quyền TP.HCM kỳ vọng rất nhiều vào những chuyển biến về chất và lượng trong 5 lĩnh vực quản lý, gồm: đất đai; đầu tư; tài chính – ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức với 18 nội dung điều chỉnh. Tuy nhiên, sau 4 năm, ngoài các thay đổi tích cực nhìn thấy được, như thu nhập cán bộ, công chức tăng; thời gian của một số thủ tục hành chính được rút từ 7-12 ngày…, thì hầu hết những mục tiêu lớn, đặc biệt là tăng thu ngân sách, thông qua nguồn thu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đấu giá tài sản công vẫn chưa làm được gì đáng kể.

Trước đó, trong phiên giám sát chuyên đề của HĐND TP HCM khoá X về Nghị quyết 54 diễn ra vào tháng 07/2022, khi được hỏi về kết quả khiêm tốn sau 4 năm (2018-2022) thực hiện Nghị quyết, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đã từng nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng đó là do nhiều vấn đề thành phố vẫn phải hỏi ý kiến bộ ngành, mà các ý kiến này lại thường theo quy định pháp luật chung, chứ không áp dụng cơ chế đặc thù như Nghị quyết. Kết quả là Nghị quyết rất quyết liệt, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì không thể làm được, vì chiếc áo cơ chế vẫn chưa được cởi bỏ.

Lúc này, khi thời gian thực hiện Nghị quyết 54 đã hết, TP.HCM vẫn ngổn ngang những việc cần làm. Chủ tịch Phan Văn Mãi lo rằng nếu không có Nghị quyết mới thay thế, những việc quan trọng thành phố đang tiến hành sẽ bị gián đoạn, hoặc sẽ bị bỏ ngang. Một dẫn chứng dễ thấy nhất của lo lắng này, là mục tiêu thu hút nhân tài, các nhà khoa học hàng đầu về với TP.HCM. Nghị quyết 54 hết hiệu lực, đồng nghĩa các hợp đồng thành phố chuẩn bị ký hoặc gia hạn với các chuyên gia, nhà khoa học thuộc diện thu hút nhân tài chắc chắn sẽ bị gián đoạn.

Đó chỉ là một trong rất nhiều nỗi lo của lãnh đạo TP.HCM khi Nghị quyết 54 dừng lại. Chia sẻ những lo lắng đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những phát biểu mở đường cho thành phố, “cần phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho TP.HCM đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát”.

Hy vọng lần này, với những kiến nghị đi thẳng vào chi tiết, nêu cụ thể vấn đề cần tháo gỡ của lãnh đạo TP.HCM. Và việc Chính phủ giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo, các bộ trưởng trực tiếp giải quyết vấn đề, để Nghị quyết mới kịp trình Quốc hội theo trình tự rút gọn tại kỳ họp thứ 5 (tháng 05/2023), TP.HCM sẽ thực sự có được một bệ đỡ vàng để cất cánh mạnh mẽ.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều