Dốc lực cho “cuộc chạy đua” vắc xin
Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ đã ban hành một loạt các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch, trong đó có việc thực hiện chiến lược “ngoại giao vắc xin” được xác định là một mũi nhọn. Đã có nhiều cuộc đàm phán, đối thoại từ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành để tiếp cận đưa vắc xin về Việt Nam nhanh nhất. Và mới đây, ngày 18/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đề nghị Liên minh Châu Âu xem xét hỗ trợ vắc xin Covid-19, có tiếng nói đề nghị COVAX ưu tiên phân bổ vắc xin cho Việt Nam.
Có thể nói, lá thư của người đứng đầu Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh khan hiếm vắc xin toàn cầu hiện nay. Giờ đây, vắc xin được xem là vũ khí hiệu quả nhất để chống lại Covid-19, thế nhưng các khoản quyên góp vắc xin theo cơ chế COVAX dù hào phóng đến đâu cũng không thể đáp ứng nhu cầu của toàn cầu ngay lập tức được.
Giữa các nước hiện nay đang có “cuộc đua tranh khốc liệt” để giành lấy được nguồn vắc xin về nước mình. Do đó, “ngoại giao vắc xin” như một “mặt trận” quan trọng và Việt Nam phải cố gắng hết sức để có vắc xin ngừa Covid-19 sớm nhất, không thể bị “bỏ lại phía sau” trong cuộc chạy đua này.
Được biết trước đó, ngày 11/5, Chủ tịch nước đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đề nghị “Nhật Bản hợp tác, hỗ trợ về vắc-xin Covid-19 cho nhân dân Việt Nam và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản”. Hay ngày 30/5, người đứng đầu Nhà nước cũng đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Joe Biden với mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước trong việc cung ứng vắc xin, đồng thời đề nghị hai bên tăng cường hợp tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ vắc xin. Rồi vào ngày 2/6, Chủ tịch nước cũng đã gửi thư cho Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin: “cảm ơn ông và Liên bang Nga đã tặng Việt Nam 1.000 liều vắc xin và nhiều vật tư y tế chống dịch khác” và “mong muốn phía Nga hỗ trợ, tạo điều kiện ưu tiên để Việt Nam sớm tiếp cận nguồn vắc xin của Nga, cũng như hợp tác sản xuất vắc xin tại Việt Nam”. Hay ngày 23/6, trong cuộc gặp Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab, người đứng đầu Nhà nước đã “đề nghị Anh tạo thuận lợi hơn nữa để Việt Nam tiếp cận nguồn cung cũng như công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19”.
Khi mà vắc xin “Made in Vietnam” vẫn đang trong quá trình thử nghiệm chưa thể đưa vào sử dụng được, có thể thấy những lá thư, cuộc gặp mặt đối thoại của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các lãnh đạo trên thế giới cũng được xem là con đường hiệu quả nhằm giúp đất nước tiếp cận các nguồn vắc xin trên thế giới.
Với vai trò của người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc luôn trăn trở trong việc làm thế nào để Việt Nam tiếp cận được càng sớm và càng nhiều vắc xin cho Việt Nam, thông qua tất cả các hình thức hợp tác phù hợp, hiệu quả. Có thể thấy, người đứng đầu Nhà nước đã không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào trong việc kết nối, không câu nệ hình thức, viết thư và đối thoại với lãnh đạo các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, huy động được đủ nguồn cung vắc xin phục vụ cho toàn dân.
Giờ đây chỉ có vắc xin là con đường an toàn nhất để đưa chúng ta đến những ngày tháng bình yên như cũ. Càng nhiều cuộc điện đàm, lá thư, cuộc đối thoại như thế, Việt Nam càng nhanh thoát khỏi những ngày tháng Covid-19 bủa vây và chiến thắng đại dịch.
Thế Khoa